Kuala Lumpur, thủ đô của Malaysia là một trong hai thành phố được nhiều bạn bè quốc tế chọn đến thăm nhất trong khu vực Đông Nam Á, bên cạnh Bangkok. Bài viết này là một nguồn thông tin hữu ích cho bạn trong chuyến đi đến thành phố hoa lệ này.
Săn vé máy bay:
Hầu hết các chặng bay tới Kuala Lumpur đều rất rẻ, và hãng nổi bật nhất trong tất cả các hãng có chặng bay giá rẻ này là Air Asia. Về săn vé khuyến mãi, mọi người có thể đặt được vé rẻ dễ dàng, không cần phải chờ lâu như các hãng khác vì Air Asia rất hay tung các đợt vé như 0 đồng, 20%, 50%, thậm chí là 70% xuyên suốt cả năm.
Hiện Air Asia có các chặng bay từ Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, Phú Quốc đến Kuala Lumpur (KL).
Ngoài ra bạn cũng có thể bay bằng Malindo Air, Malaysia Airlines, Vietjet, Jetstar, VNairline nếu thích, các hãng này thì đa số đều có hành lý ký gửi và suất ăn (Trừ VJ và Jet). Tuy nhiên về giá sẽ ko rẻ bằng Air Asia.
Di chuyển về trung tâm KL:
Nếu đi với Air Asia, chắc chắn các bạn sẽ ghé sân bay KLIA 2, sân bay riêng dành cho hãng Air Asia. Còn nếu bay với các hãng khác, bạn sẽ đáp tại KLIA. Từ hai sân bay này có hai cách để bạn về trung tâm thủ đô Kuala Lumpur (KL) – cách đó 60km.
1. Đi bằng tàu điện Express: tàu này có hai line là line đi một lượt và line dừng từng trạm. Nếu muốn vào trung tâm sớm và thoải mái thì nên chọn tàu này. Line đi một lượt và Line dừng từng trạm đều có giá 35 Ringgit 1 chặng. Bạn sẽ được thả ở KL Sentral – Trạm trung tâm của các line tàu điện của thành phố. Từ sân bay, sau khi nhập cảnh thì bạn đi thẳng ra, sẽ có biển chỉ dẫn đi tàu này.
2. Đi xe bus: giá xe buýt về trung tâm thành phố là 12 ringgit/ người, xe chỗ ngồi êm, hành lí để dưới gầm xe. Xe không ghi số ghế nên muốn ngồi đâu cũng được. Đi xe này thì mất khoảng 1 giờ nếu không kẹt xe, xe cũng thả bạn tại KL Sentral. Tại sân bay cũng có biển chỉ dẫn xuống trạm Bus. Chú ýgiờ xe chạy, cổng ra. Lên xe trước 10 phút khởi hành nhe
Di chuyển trong Kuala Lumpur:

Khi vào tới thành phố, bạn sẽ có nhiều lựa chọn từ đi taxi, Grab, đi bus cho tới đi tàu điện – một phương tiện thông minh, rẻ và hiện đại mà VN chưa có.
1. Đi bus:
Nếu đi bus thì bạn cần nghiên cứu kỹ các trạm dừng tuyến dừng, có loại bus Hop On Hop Off giá 20RM, vé bán theo ngày. Hoặc bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về xe bus miễn phí GO KL với 4 line (Blue, Pink, Green và Red), có thể đưa bạn đi hầu hết các điểm đến lớn trong thủ đô mà không mất đồng nào tại đây
2. Đi taxi:
Nếu đi taxi thì phải kiểm tra xem có công tơ mét không, vì taxi ở Malay mắc và không được tin dùng.
3. Đi Grab:
Grab tiền thân từ Malaysia nên Grab bên đây đông và phủ khắp tất cả các thành phố không chỉ riêng KL. Gía Grab rẻ hơn so với giá taxi và cũng linh hoạt hơn. Cần tải ứng dụng Grab để dùng.
Lưu ý: Khi bắt grab, bạn cần chọn đúng địa điểm đón (Pick Up), nếu không tài xế sẽ không đón bạn được. Nên lưu ý mấy cái Suggested khi book Grab.
+ Giá Grab thấp nhất là 5 Ringgit 1 chặng, đôi khi vào giờ cao điểm sẽ tăng thêm tới 10 hoặc 20 Ringgit so với giá thông thường. Giờ cao điểm từ 9 đến 11 giờ sáng, 6 đến 8 giờ tối.
4. Đi Tàu Điện:
Mạng lưới tàu điện ở KL phủ sóng toàn thành phố. Tổng cộng có 11 Line tàu điện giúp cho việc di chuyển với phương tiện công cộng ở KL không còn là một vấn đề. Tuy nhiên, với khách du lịch, bạn chỉ cần nhớ các Line tàu sau đây:
- KL Monorail Line: Bắt đầu từ KL Sentral, kết thúc ở Titiwangsa. Các trạm chính khách du lịch hay đến:
+ Imbi: Trạm nối với mall Berjaya Time Square
+ Air Asia – Bukit Bintang: khu ăn chơi Bukit Bintang, mall Pavilion.
+ Titiwangsa: công viên Titiwangsa, hiện đã đóng cửa để bảo tồn.
- LRT Kelana Jaya Line: Bắt đầu từ Putra Height, kết thúc ở Gombak, đi ngang KL Sentral. Các trạm chính khách du lịch hay đến:
+ KL Sentral: Ga tàu chính, nối các trạm tàu khác, là nơi mua vé xe bus ra sân bay KLIA/KLIA2 hoặc Genting Highland.
+ Pasar Seni: Chợ trung tâm Central Market, khu phố tàu China Town. Trạm này nối chuyến với xe bus miễn phí Go KL – Purpleline và tàu MRT.
+ Masjid Jamek: Thánh đường Jamek, quảng trường Merdeka, dòng sông sự sống – River of Life.
+ KLCC: Tháp đôi Petronas, công viên KLCC phía sau tháp đôi. Trạm này nối chuyến với xe bus miễn phí Go KL – Greenline.
+ Kambung Baru: Làng Baru, làng truyền thống Malay với các món ăn Malay rẻ, view đẹp để xem tháp đôi
- MRT Sungai Buloh – Kajang Line: Bắt đầu từ Sungai Buloh, kết thúc ở Kajang. Các trạm chính khách du lịch hay đến:
+ Muzium Negara: Bảo tàng quốc gia, thánh đường quốc gia – National Mosque, vườn chim KL.
+ Pasar Seni: Chợ trung tâm Central Market, khu phố tàu China Town. Trạm này nối chuyến với xe bus miễn phí Go KL – Purpleline và tàu LRT.
+ Bukit Bintang: Đường ăn uống – Jalan Alor, khu Bukit Bintang, mall Pavilion.
+ Taman Connaught: Chợ đêm Connaught lớn nhất KL mở mỗi T4 hàng tuần.
- KTM Seremban Line: Bắt đầu từ Gemas, kết thúc ở Batu Caves. Tàu này đi nhanh nhưng tầm 30 phút đến 1 tiếng mới có 1 chuyến. Các trạm chính khách du lịch hay đến:
+ Kuala Lumpur: Bảo tàng quốc gia, thánh đường quốc gia – National Mosque, vườn chim KL.
+ Midvalley: Tổ hợp mall lớn nhất KL – Midvalley Mega Mall và The Garden Malls.
+ Batu Caves: Động Batu – đền thờ Hindu giáo lớn nhất KL
- BRT Sunway Line: Bắt đầu từ Setia Jaya, kết thúc ở USJ 7.
+ Sunway Lagoon: Tổ hợp mall Sunway Pyramid và công viên chủ đề Sunway Lagoon
- LRT Sri Petaling Line: Bắt đầu từ Sentul Timur, kết thúc ở Putra Height, đi ngang Majis Jamek và Hangtuah.
+ Bandar Tasik Selantan: Bến xe buýt đi các bang ở Malaysia (Penang, Melacca, Singapore, Johor Bahru, Langkawi…)

Để dễ hình dung hơn, hãy mở Google Map, nhập điểm đi, điểm đến, chọn cách đi bằng tàu điện (ký hiệu số 2), là bản đồ sẽ chỉ đi từ trạm nào tới trạm nào line màu gì các thứ.
KL Sentral: KL Sentral được coi là nhà ga trung tâm của tất cả các line tàu, tức là nếu bạn bị lạc, cứ tới đây, chắc chắn bạn sẽ kiếm được đường về lại chỗ cũ. Trạm này rất dễ bị lạc nếu không biết đường đi vì rất rộng. Trạm tàu này là một khu phức hợp giữa ga tàu và Nu Sentral – trung tâm mua sắm gắn với trạm tàu bằng một cầu thang cuốn. Hai line tàu Kelana Jaya và KTM nằm ở tầng G, nối với tầng C của trung tâm thương mại Nu Sentral.

Cách đi tàu điện:
Đi bằng cách thông thường:
Để mua được thẻ tàu (một thẻ tròn màu xanh), bạn đến máy bán vé ngay tại line tàu, chọn chế độ tiếng anh bên trái màn hình, chọn line mình đi, chọn trạm cần đi tương ứng với tên, chọn số vé muốn mua, đưa tiền vào khe nhận (tiền giấy mệnh giá 1 ringgit, 2 ringgit, 5 ringgit hoặc các loại tiền đồng 10,20,50 sen), sau đó chọn thanh toán và đợi nó nhả cái thẻ tròn cộng tiền dư nếu có.
Sẽ có nhiều cổng nhỏ chắn ngang lối vào, mỗi cổng là một máy quét thẻ, chạm nhẹ thẻ tròn đã mua lên hình vòng tròn trên máy, đợi máy nhận diện bằng tiếng bip rồi tự mở cổng cho mình đi, sau đó đi thang cuốn lên trên lầu (chỉ có một cái thang tại đó), và lưu ý chọn CHIỀU ĐI ĐÚNG CỦA TÀU – TỨC LÀ NẾU CHIỀU LÊN MÀ BẠN CHỌN CHIỀU XUỐNG LÀ BẠN SẼ PHẢI ĐI LẠI – chiều đi sẽ được hiển thị trên một cái bảng đặt ngay tại hai đường tàu chạy, bạn tìm xem trạm của mình nằm bên nào thì qua bên đó chờ tàu. Tần suất tàu trừ KTM thì tầm 5-8 phút một chuyến, nên để cho người trên tàu xuống xong mình mới lên, sau đó nhìn lên có cái bảng thông báo trạm tàu, đợi tới khi cái đèn màu đỏ (or xanh lá) chớp tới chỗ TÊN TRẠM TÀU CỦA MÌNH thì đi ra khỏi đó, đi lên or xuống thang cuốn, từ đó sẽ có mấy biển chỉ dẫn từng khu vực với các cổng ra A,B,C,D khác nhau. Bạn xem chỗ mình đi nằm ở khu vực cổng nào thì đi theo cổng đó.
Thẻ đi tàu điện:
Thẻ Touch N Go là thẻ đi tàu điện rất tiện, thích hợp cho các bạn đi nhiều ngày ở KL. Giá 1 thẻ là 10 Ringgit, bên trong có 5 Ringgit. Thẻ đã mua không thể trả lại. Bạn nạp vào tối thiểu 10 Ringgit 1 lần. Khi dùng thẻ này, một lượt đi sẽ được giảm 20% trên tổng giá vé. Lúc vào trạm tàu quét thẻ một lần, lúc ra quét một lần. Không cần phải mua vé lẻ từng chặng, cũng không cần trình Passport để mua thẻ Touch N Go
Điện thoại:
Ở Malay có các nhà mạng như Umobile, Digi, celcom, Tunetalk với Maxis, tuy nhiên mình khuyên nên mua sim Digi hoặc Tunetalk. Các gói sim dao động từ 20 đến 50 Ringgit 1 gói cho khách du lịch dùng trong 7 hoặc 15 ngày. Đa số các sim sẽ được miễn phí truy cập Facebook/Insta/Whatapps/Youtube mà không trừ vào dung lượng có sẵn (tức bạn được dùng Unlimited các ứng dụng trên). Đa số các gói từ 5GB đến 15GB 1 gói. Khi mua cần xuất trình Passport. Có thể mua tại sân bay KLIA/KLIA2 hoặc tại các cửa hàng sim trong các trung tâm thương mại và các cửa hàng tiện lợi. Với Tunetalk, bạn có thể đặt mua trên trang Airasia.
Thủ tục hải quan:
Khi nhập cảnh Malaysia, bạn phải có vé về để xuất trình cho hải quan nhé, trừ khi bạn nhập cảnh theo hình thức làm việc hoặc học tập.
Ăn uống:
Ẩm thực Malaysia đối với người Việt Nam, đa số là khó ăn. Về ẩm thực có thể chia ra 3 trường phái chính đại diện cho 3 nhóm sắc tộc lớn ở Malaysia là Ấn (Nam Ấn), Hoa và Malay.
Ẩm thực Ấn:
Ẩm thực Ấn chịu ảnh hưởng của Cà ri, các loại gia vị khác như quế hồi. Đa số cà ri đều mặn, nồng mùi gia vị và khó ăn. Ẩm thực Ấn và Malay khá giống nhau, có thể tìm thấy ở các nhà hàng mở cửa 24/24. Những nơi nổi tiếng về ẩm thực Ấn ở KL là khu Brickfield và Batu Cave. Ẩm thực Ấn sẽ không có các món làm từ thịt heo/lợn hoặc thịt bò vì vấn đề tôn giáo. Giá các món dao động từ 6-10 Ringgit một món tại các nhà hàng mở cửa 24/24. Một số món tham khảo:
+ Roti Canai – bánh mì mỏng ăn với cari, bánh mì Naan ăn với gà nướng lu Tandoori, salad hoa quả Rojak, Mì Rojak, cơm lá chuối Banana Rice, bánh chiên Dosa.
Ẩm thực Hoa:
Ẩm thực Hoa khá giống ẩm thực Việt Nam ở chỗ nêm nếm hài hòa mùi vị hơn, các món ăn cũng có phần dễ ăn hơn. Điều đặc biệt khiến ẩm thực Hoa phù hợp với người Việt là vì các món ăn đều có thịt heo/lớn, trong khi ẩm thực Malay và Ấn thì không. Tuy nhiên, các món Hoa lại khá dầu mỡ, dùng nhiều tương xì dầu, bù lại ăn với khá nhiều rau nếu so với ẩm thực Malay hoặc Ấn. Các món Hoa thường chỉ tìm thấy ở các khu ăn uống (Foodcourt) xung quanh KL. Các khu này thì thường chỉ mở buổi sáng, trưa hoặc tối. Đôi khi mở cả ngày 24/24 nhưng rất ít. Mỗi quầy trong Foodcourt đều riêng nhau nên ăn quầy nào trả tiền quầy đó. phố Chinatown là nơi bán nhiều đồ Hoa nhất ở KL. Các món dao động từ 5 đến 8 Ringgit một món. Một số món tham khảo:
+ Wantan Mee – mì hoành thánh, Charsiew Mee – mì xá xíu, Charkuayteo – hủ tiếu xào, Bah Kut Teh, dimsum – xá xíu, xíu mại, cơm chay, Chili Pan Mee – mì thịt băm cá khô, cơm gà Hải Nam, cơm gà quay – Chicken Rice, Pò Pía.
Ẩm thực Malay:
Ẩm thực Malay là ẩm thực đặc trưng nhất của Malaysia, các món ăn nếu so với Indonesia thì khá giống. Đặc trưng của ẩm thực Malay là không hề có thịt lợn/heo/ếch do người Malay theo đạo hồi không được ăn các loại thịt đó. Đa số các món làm từ gà và hải sản. Các món Malay khá mặn và cay, thường rất ít ăn chung với rau và cũng không có nhiều món nước nên rất khô và khó ăn. Ẩm thực Malay trải rộng khắp cả KL, đi đâu cũng thấy có quán ăn dạng này. Thường các quán bán ẩm thực Malay thường kết hợp với ẩm thực Ấn. Các món dao động từ 3 đến 8 Ringgit một món. Một vài món tham khảo:
+ Cơm chiên gà – Nasi goreng ayam, Cơm nước cốt dừa Nasi Lemak, mì xào – Mee Goreng, bánh mì kẹp – Roti John, cơm tự chọn – Nasi Campur, bánh bột nhân thịt – Murtabak, bún chua Asam Laksa, mì cà ri – Cari Mee, cơm đậu biếc – Nasi Kerabu…
Ẩm thực các nước khác:
Ngoài 3 loại ẩm thực chính, còn các các loại ẩm thực Thái, Hàn, Nhật, Việt và Ả Rập. Các món này đa số đều mắc hơn các món ăn khác, và thường chỉ thấy trong các chuỗi nhà hàng lớn trong trung tâm thương mại. Giá các món dao động từ 10 đến 20 Ringgit.
Lưu Trú:
Gía các Hostel tại KL thường không chênh lệch nhiều nếu bạn đi du lịch bụi và ở giường tầng với các bạn khác (20-30 ringgit – 110 đến 165k/ giường dorm). Gần đây, chính quyền thành phố đã tận thu thuế du lịch 10 Ringgit/phòng/đêm đối với du khách đến với Malaysia. Các chuỗi khách sạn nổi tiếng hơn giá sẽ đắt hơn. Đa số 1 phòng đơn ở KL có giá tầm 400 đến 600k 1 đêm. Các khu thuận tiện cho bạn lựa chọn là: Bukit Bintang, Pasar Seni, China Town, Brickfield, Pudu vì gần các trạm tàu và khu vui chơi chính.

Các Địa điểm tham quan chính ở Kuala Lumpur:
-
Central Market và Katsuri Walk – Chợ Trung Tâm và phố đi bộ Katsuri
Hai địa điểm này nằm sát nhau, chợ Trung Tâm có từ thời KL mới còn là một thị trấn khai thác thiếc, sắt thép còn nghèo, mọi người tập trung buôn bán các mặt hàng gia dụng thiết yếu tại đây. Cho đến nay, chợ được quy hoạch và bảo tồn, phục vụ du khách. Mặt hàng trong đây đa số là đồ lưu niệm, quần áo, mỹ phẩm handmade để bán cho du khách với giá khá đắt, tầng trên là khu ẩm thực, giá tầm 10 đến 15 Ringgit 1 món. Hình thức khá giống chợ bến Thành.

Katsuri Walk là một con phố đi bộ nhỏ dài khoảng 200m với các hàng bán móc khóa, áo thun, thức ăn giá rẻ hơn so với trong Central Market. Đặc biệt có món Nasi Lemak 2 Ringgit cuối đường.
Cách đi: đi tàu tới trạm LRT Pasar Seni – Kelana Jaya Line
-
Chinatown – Phố Tàu
Phố Tàu là khu bán hàng lưu niệm có thể xem là tấp nập và đông đúc nhất KL. Khu này mở cửa từ 10 giờ sáng và đóng cửa lúc 10 giờ đêm. Khu phố tàu này có tên chính thức là phố Petaling (Petaling Street) với 4 hướng đi theo hình chữ thập. Bên trong khu này đa số là bán giày, túi xách, áo thun, vape, đồng hồ và một vài món ăn vặt. Bạn có thể ghé ăn các hàng ăn do người Hoa mở tại đây, dù giá không rẻ. Đôi khi khu này rất đông và nóng do thời tiết nóng mà lại nhiều người tham quan, nên đem theo nhiều nước để uống.
Cách đi: đi tàu tới trạm LRT Pasar Seni – Kelana Jaya Line
-
Dòng sông sự sống – River of Life
Dòng sông sự sống vừa khai trương trình làng khách du lịch vào tháng 8 năm 2018, như một nỗ lực của chính quyền thành phố nhằm cải thiện hệ thống sông chảy qua Kuala Lumpur trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng. Khu này nằm phía sau Central Market và nằm trước thánh đường Jamek. Ở đây mỗi tối tầm 8h45, 9h và 9h45 sẽ có nhạc nước biểu diễn miễn phí cho khách du lịch, nhưng không được hoành tráng như ở KLCC. Bên cạnh dòng sông là con đường đi bộ khá mát mẻ.
Cách đi: đi tàu tới trạm LRT Pasar Seni – Kelana Jaya Line sau đó đi bộ theo hứơng Central Market hoặc đi tàu tới trạm LRT Masjid Jamek – Kelana Jaya Line rồi đi thẳng
-
Khu quảng trường Mederka, Phòng trưng bày tranh nghệ thuật KL và tòa Sultan Abdul

Quảng trường Merdeka hay còn gọi là quảng trường độc lập, là nơi chứng kiến quá trình độc lập của liên bang Malaysia khi được thực dân Anh công nhận. Khu quảng trường này khá rộng và rất thích hợp ghé thăm khi chiều muộn hoặc buổi tối. Tòa nhà Sultan Abdul áng ngữ giữa quảng trường sẽ là một background hoàn hảo cho các bạn thích chụp ảnh, đặc biệt là khi hoàng hôn xuống từ phía sau tòa nhà hoặc lúc cả tòa nhà lên đèn. Khu này có một bãi cỏ rất sạch, có thể ngồi hóng mát nếu thích. Gần đó là phòng tranh KL với dòng chữ biểu tượng I Love KL mà rất nhiều khách du lịch đến chụp ảnh cùng.

Cách đi: đi tàu tới trạm LRT Masjid Jamek – Kelana Jaya Line rồi đi thẳng
-
Menara KL Tower
Tháp Menara KL là biểu tượng thứ 2 của Kuala Lumpur, sau tháp đôi Petronas. Với các bạn thích ngắm KL từ trên cao mà không sợ “đau ví” thì Menara Tower sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo. Giá vé vào đây rẻ hơn Petronas rất nhiều mà lại không phải xếp hàng lâu. Từ chân núi bạn phải đi bộ lên chân tháp tầm 15 phút qua một con đường hai bên toàn là cây xanh nhìn thích mắt. Phía trên là cả một tổ hợp khu ăn uống, mua sắm và xem phim dù không quá hoành tráng. Đặc biệt, vào buổi tối, khi tháp lên đèn, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng tòa tháp tuyệt đẹp từ xa mà không phải tốn phí.
Cách đi: Đi tàu đến Bukit Nanas – Monorail Line hoặc Raja Chulan Monorail Line sau đó đi bộ.
Đi bus miễn phí Go KL – Purple Line tới trạm KL Tower
-
KLCC: tháp đôi Petronas, Suria KLCC
Khu phức hợp nổi tiếng này nằm ở trung tâm của Kuala Lumpur, được gọi là KLCC, nơi tập trung đông khách du lịch đến tham quan nhất. Đặc biệt là buổi tối, khi tháp đôi Petronas lên đèn, không khí rất náo nhiệt và vui.
Tháp đôi Petronas từng được xem là tháp cao nhất thế giới thập niên 2000, và giờ cũng là một trong top các tháp đôi cao nhất thế giới. Để lên cây cầu nối giữa 2 tháp, bạn phải trả 115 Ringgit cho một lượt tham quan. Vì khách du lịch rất đông nên khu này thường hay có các cò bán len máy ảnh/len điện thoại hoặc cho bạn thuê để chụp cả tháp đôi vào trong ảnh (tháp rất cao nên rất khó lấy hết tháp vào ảnh). Bạn nên cẩn thận với các dịch vụ này để tránh lừa đảo.
Các tầng dưới cùng của khu tháp là một trong những trung tâm thương mại sang trọng nhất KL – Suria KLCC. Các mặt hàng trong này đa số là các thương hiệu nổi tiếng như Gucci, Louis Vuiton, Prada… với các mẫu hàng phiên bản giới hạn. Ăn uống ở trung tâm thương mại này rất đắt.
Công viên KLCC ở phía sau tháp đôi Petronas là nơi thích hợp nhất để ngắm tháp và xem nhạc nước mỗi tối. Công viên rất rộng và có tích hợp khu hồ bơi thiếu nhi ngoài trời miễn phí. Bắt đầu từ 8h tối cho đến 10h đêm, cứ mỗi 30 phút sẽ có một màn trình diễn nhạc nước tại công viên này và hoàn toàn miễn phí. Khi xem, cần ngồi cách xa đài phun nước kẻo bị ướt nhé.
Cách đi: đi tàu tới trạm LRT KLCC – Kelana Jaya Line rồi đi theo chỉ dẫn về mall Suria KLCC.
-
Làng Baru – Kampung Baru
Đối với các bạn muốn tìm hiểu cách sống truyền thống của người Malay ngay tại trung tâm thành phố KL thì ngôi làng này là một lựa chọn hợp lý mà lại hoàn toàn miễn phí. Giữa một KL phồn hoa và sầm uất là khu làng truyền thống với những ngôi nhà thấp đặc trưng của người Malay, từ đây bạn sẽ có một góc nhìn khác về KL. Từ làng Baru, bạn có thể ngắm tháp đôi Petronas từ một góc khác.
Cách đi: đi tàu tới trạm Kambung Bahru – Kelana Jaya Line

-
Bukit Bintang: Đường ăn uống Jalan Alor và Mall Pavillion
Bukit Bintang có thể xem là quận sôi động và vui nhất KL, vì nằm gần KLCC và là nơi tập trung cực kỳ đông du khách nên bỏ qua địa điểm này là một thiếu sót rất lớn.
Đường Alor là con đường ẩm thực sầm uất của khu này, mùi đồ ăn lan dài từ đầu tới cuối đường, khu này khá giống phố tây Bùi Viện ở Việt Nam với rất đông hàng quán ăn các món Hoa, Malay, Thái và Việt cũng như các món ăn đường phố khác mà bạn vẫn thường thấy ở các khu du lịch. Tại đây, những người phục vụ sẽ mở thực đơn cho bạn xem giá và không ngừng mời khách vào ăn. Có thể xem Jalan Alor là thế giới ẩm thực thu nhỏ ở Bukit Bintang. Khu này về đêm cực kỳ đông và hay tắt đường vì khách du lịch quá nhiều, bạn cần đề phòng kẻ gian khi tới khu này nhé! Đã tới đây thì không nên bỏ qua món Dimsum giá 1,5 Ringgit một viên hoặc sầu riêng chiên, cũng như các xiên que thịt nướng trong khu chợ đêm.
Trung tâm thương mại Pavillion nằm trong khu vực quận Bukit Bintang và cách con đường ăn uống Jalan Alor tầm 400m. Phía trước cổng vào có một đài phun nước rất đặc biệt và đẹp, là “đối tượng” chụp ảnh chính của mọi người khi đến đây. Về độ hoành tráng thì trung tâm thương mại này rộng và nhiều hàng còn hơn cả Suria KLCC. Tổng cộng có 6 hoặc 7 tầng trong mall. Các tầng trên cùng là các thương hiệu quần áo, thời trang đắt tiền. Đặc biệt tại tầng 6 có một khu gọi là Tokyo Street được xây dựng mô phỏng theo kiểu một con phố bán hàng của Nhật rất đẹp, ở đây bạn cũng có thể mua các mặt hàng hoặc ăn thử các món Nhật. Tầng dưới cùng của mall là khu ẩm thực rất rộng với khoảng 100 quầy ăn khác nhau, tha hồ mà chọn lựa nhé. Tuy nhiên, thức ăn trong này dĩ nhiên là đắt gấp 2 lần ở ngoài rồi.
Cách đi: đi tàu tới trạm Air Asia Bukit Bintang – Monorail Line hoặc đi tàu tới trạm Bukit Bintang – MRT Sungai Buloh – Kajang Line.
Ngoài ra còn có thể đi bus miễn phí từ Pasar Seni – Go KL Purple Line hoặc từ KLCC – Go KL Green Line để đến Pavillion và Jalan Alor
-
The Vertigo – Banyan Tree Hotel
The Vertigo là Pub với giá cả phải chăng nhất mà bạn có thể đến để ngắm nhìn toàn cảnh KL. Nằm trên tầng 59 và thuộc sở hữu của khách sạn Banyan Tree đối diện khách sạn Pavilion, quầy Pub theo kiểu party đứng này có view rất đẹp và thích hợp để ngắm hoàng hôn và KL ban đêm. Giá nước ở đây dao động từ 20 đến 50 Ringgit một món và không cần phải đặt bàn trước. Tùy theo số lượng khách mà bạn sẽ được sắp xếp ngồi ở khu vực nào chứ không được tự ý chọn khu. Nên đi sớm tầm 6 giờ chiều ngay lúc pub mở để chọn chỗ ngồi vừa ý. Chắc chắn bạn sẽ có một trải nghiệm khó quên khi đến đây.
Cách đi: đi tàu tới trạm Air Asia Bukit Bintang – Monorail Line hoặc đi tàu tới trạm Bukit Bintang – MRT Sungai Buloh – Kajang Line.
Ngoài ra còn có thể đi bus miễn phí từ Pasar Seni – Go KL Purple Line hoặc từ KLCC – Go KL Green Line để đến trạm Wisma Cosway và đi bộ từ đó.
-
Putrajaya: Thánh đường Putrajaya và dinh thủ tướng

Một trong những niềm tự hào của người Malay, ngoài tháp đôi, chính là khu thủ đô mới Putrajaya, khu này hiện đại, nhà rộng mà người thưa, và là khu tập trung hành chính của chính quyền nhà nước, cũng là một trong 3 tp liên bang (KL, Putra và Labuan bờ đông). khu Putrajaya còn có một khu công nghệ cao Cyber Putra được điều khiển tự động hóa từ xa từ việc mở cửa các tòa nhà, đường xá, hệ thống đèn điện, phương tiện giao thông. Phong cảnh ở đây thoáng đãng và có phần yên tĩnh, có một khu tổ hợp mà ai cũng ghé chính là nhà thờ Putrajaya, dinh tổng thống và vòng tròn đoàn kết với 13 lá cờ của 13 bang ở Malay. Nhà thờ Putrajaya lớn và có quy định giờ tham quan (từ 2-5 giờ chiều, và còn 2 mốc nữa mà mình quên rồi), nếu là nữ thì bắt buộc trùm áo trùm đỏ để giữ tôn nghiêm, nếu nam mặc quần short thì phải mặc “váy” mới được vào. Ngoài ra ở đây cũng có bán quà lưu niệm siêu đẹp nhưng không rẻ. Bên trong thánh đường rất rộng, chỉ có hoa văn và không có hình thờ thánh Allah (vì người được cho là không có hình dạng), các bạn nên im lặng để không làm phiền người Hồi cầu nguyện, Tại đây có các cuốn kinh Quran cho bạn xem tham khảo thử (có bản TV), và cũng có người giới thiệu, thuyết minh free cho bạn nghe luôn. Mình xem đây là nơi mình được học hỏi nhiều nhất về đạo Hồi vì vốn kiến thức của những người canh thánh đường rất rộng mà họ nói TA thì rất tốt. Cạnh bên thánh đường là dinh thủ tướng, nhưng chỉ để xem và chụp ảnh mà không được vào. Dinh rất lớn với kiểu kiến trúc khá đẹp.
Có 3 cách để đi tới đây từ KL:
Tàu KLIA Transit: tàu này khác KLIA Express mà các bạn hay đi từ sân bay về ở chỗ là tàu dừng lại ở các trạm.
Từ KL đi Putrajaya tầm 13 RM, đi trong 20 phút hoặc 30 phút. Tàu dừng ở trạm Putra Sentral. Từ đó đi grab tầm 5-10 Ringgit tới thánh đường Putrajaya. Thích hợp cho các bạn đi từ 1 đến 2 người. Khi về cũng đi ngược lại.
👉 Ưu và nhược điểm: rẻ, tiết kiệm, phải bắt thêm grab để tới điểm cuối.
Xe bus: Bạn bắt LRT từ Pasar Seni – KLCC hoặc KL Sentral tới trạm tàu KELANA JAYA (line hồng). Xuống tàu tìm trạm bus tên RAPID KL (ngay dưới tàu) đón BUS 560.
Bus sẽ thả bạn ngay Putra Sentral (cùng nơi với tàu KLIA Transit). Bắt thêm grab để tới thánh đường Putrajaya. Tổng tiền tàu + bus tầm 7 RM. Thích hợp cho các bạn đi từ 1 đến 2 người
👉 Ưu và nhược điểm: cách rẻ nhất, thời gian đi lâu tầm 1 tiếng đến 1 tiếng rưỡi cho cả chặng, vẫn phải bắt grab để tới điểm cuối.
Grab: có thể bắt từ bất cứ nơi nào tới thẳng thánh đường Putrajaya. Giá tầm 50-70 Ringgit 1 xe 4 người ko phải giờ cao điểm. Thường phải đợi tài xế khá lâu nếu kẹt xe. Thời gian đi rất nhanh. Thích hợp đi theo nhóm từ 4 đến 6 bạn.
👉 Ưu và nhược điểm: Đi cực nhanh, tầm 30 phút nếu không kẹt xe, đi thẳng đến điểm bạn cần, đắt nhất trong 3 phương tiện.
-
Tiểu Ấn – Brick Field
Khu tiểu Ấn là khu tập trung đông người Ấn sinh sống nhất ở KL, nên khi tới đây, bạn sẽ nghĩ mình lạc vô thế giới của Cô Dâu 8 Tuổi hay Góa Phụ Nhí chẳng hạn, nói vui vậy thôi, đến đây bạn sẽ thấy một nền văn hóa ấn độ trong lòng đất nước hồi giáo Malaysia. Mọi người mặc sare khắp nơi, đâu đâu cũng có cửa hàng bán các vòng hoa dâng lên thần linh, đủ loại gia vị cà ri, nghệ… hay các nhà hàng bán naan, cà ri và cơm lá chuối. Có thể nhiều bạn sẽ thấy hôi nồng mùi cà ri khá khó chịu (thực tình là mình không thích mùi đó), nhưng hãy cố gắng chịu đựng và bước đi nhé vì đây là một nét văn hóa ăn sâu vào con người ở đây rồi. Từ trạm tàu điện KL Sentral lội bộ tới đây chừng 10 phút thôi.
Cách đi: đi tàu tới trạm KL Sentral – Monorail Line/MRT Sungai Buloh – Kajang Line/ KTM Line/Kelana Jaya Line.
-
Tổ hợp mall Midvalley và The Garden Mall
Thật ra mà nói, danh hiệu Mall lớn nhất KL không thuộc về Pavilion hay KLCC mà chính là tổ hợp Midvalley City với 2 mall lớn Midvalley và The Garden. Vì chỉ có 1 line tàu điện KTM đi tới nên nơi này thường không được khách du lịch ưu ái. Tuy nhiên, nếu bàn về độ da dạng của các nhãn hãng quần áo, phụ kiện và đồ ăn thức uống thì khu phức hợp này có thể xem là phong phú nhất KL. Hai mall được nối với nhau bằng một quảng trường nhỏ ở tầng G, mỗi mall đều rất rộng và có khoảng 6 đến 7 tầng. Giá cả trong mall Midvalley phải chăng hơn The Garden, hàng hóa ở Midvalley nhiều hơn và tập trung vào phân khúc bình dân trong khi hàng ở The Garden là hàng cao cấp. Tầng LG của hai mall thông với nhau với hơn 100 loại ẩm thực đến từ các nhà hàng nổi tiếng. Có thể nói, tất cả các nhà hàng ăn uống nổi tiếng đều có chi nhánh ở Midvalley và The Garden Mall
Cách đi: đi tàu tới trạm Midvalley – KTM Line hoặc đi bus Rapid KL số 600/640/770/601 từ KL Sentral và Pasar Seni

-
Chùa Thiên Hậu – Tianhou Temple
Mình luôn thích các kiến trúc Trung Hoa, và chùa này phản ánh đúng nét kiến trúc truyền thống của người Hoa với các tông màu chủ đạo đỏ, vàng và trắng. Khu chính điện nằm trên tầng hai và cần đi bộ lên một cầu thang nhỏ để đến khu này, tầng phía dưới để bán đồ lưu niệm, các mónquà ở đây rẻ và đẹp, theo phong cách người Hoa nên rất hợp để mua về tặng cho người thân hoặc bạn bè. Đặc biệt trong chùa mà còn có khu chứng nhận kết hôn nữa. Đúng như cái tên, chùa được xây để thờ bà Thiên Hậu. Bà rất linh thiêng nên dù trưa nắng 11, 12 giờ trưa mà đông người tới lắm, bên trong có thể xin săm cầu vận, tờ giải săm sẽ viết bằng tiếng hoa và tiếng anh nhưng khá khó hiểu.. Mình rất thích kiểu kiến trúc của chùa cũng như là phong cảnh ở đó. Những ngày trời quang mây có thể nhìn tận ra xa các vùng khác của KL. Gió thổi mát mát rất thích hợp cho những bạn hay ngồi thẩn thơ ngắm trời mây nhé!
Cách đi: Bắt Grab từ KL Sentral hoặc Brickfield với giá 5 Ringgit 1 chặng
-
I City – công viên ánh sáng
Công viên này nằm ở quận Shah Alam bang Selangor, cách trung tâm KL tầm 15km.
Ở đây có 1 một rừng cây ánh sáng, được làm từ đèn dạ quang, chỉ tối mới mở nên tốt nhất là đi buổi tối, đa số là dân địa phương đến khu này. Ngoài chụp ảnh với rừng cây còn có vài khu vui chơi, khu trượt tuyết, khu nhân tượng, khá giống công viên giải trí kiểu Sunway Lagoon nhưng không hoánh tráng bằng. Khu này miễn phí vé vào vườn cây ánh sáng, nhưng các khu khác có thu phí
Cách đi: Cách duy nhất để đến đây là bắt Grab với giá khoảng 40 Ringgit cho 1 xe 4 chỗ.
-
Chợ đêm Connaught
Chợ này chỉ mở mỗi tối Thứ 4 mỗi tuần, từ 5h chiều tới 1h đêm. Tuy ko rộng bằng chợ Chatuchak ở Thái nhưng cũng là chợ đêm lớn nhất KL. Chiều dài chợ tầm 2km theo chiều dọc, tầm 300, 400 gian hàng. Ở đây thì các bạn nào thích đồ ăn hoa hoặc ăn vặt sẽ rất thích vì đồ ăn ngon so với mặt bằng chung của KL, giá phải chăng và đa dạng các món. Có thể thử nấm nướng, đậu hũ thối hoặc thịt nướng ở đây.
Chú ý: ở đây ko có bàn ngồi (trừ mấy quán ăn bằng tô) và thường rất đông từ 7h đêm. Đồ ăn ở đây Non Halah nên sẽ ko thấy người đạo Hồi đâu và dĩ nhiên là có thịt heo/lợn ở khắp nơi.
Cách đi: đi tàu tới trạm Taman Connaught – MRT Sungai Buloh – Kajang Line sau đó đi Grab khoảng 2km với giá 5 Ringgit.
-
Tổ hợp khu vui chơi Sunway
Khu Sunway được xem là khu nhà giàu ở bang Selangor, do được tập đoàn Sunway đầu tư nên cả thành phố cũng lấy tên Sunway City theo. Ở đây thì có mall Sunway Pyramid được xây dựng theo hình ảnh 1 con sư tử đang áng trước kim tự tháp – cũng là tên của mall này. Mall này khá rộng, bên trong có nhiều hãng mà các mall khác không có. Thường hay có các chương trình khuyến mãi kích cầu du lịch.
Nếu đi Mall chán thì có thể ghé qua Sunway Lagoon cùng khu (nằm ở tầng G của mall, phía sau quán buffet Seoul Garden và gà Texas), vé vào đây có nhiều giá, thường từ 80 tới 120 Ringgit tùy lọai vé và chương trình khuyến mãi. Bên trong như 1 công viên nước với các khu giải trí khác.
Nói chung ở Sunway có cả mall, công viên chủ đề, resort và khu ăn uống của dân địa phương ngay tại đó.
Cách đi: để tới Sunway bạn đi bus số 770 hoặc 641 từ bến xe Pasar Seni (bên dưới trạm tàu LRT Pasar Seni hoặc đối diện cổng E, trạm tàu MRT Pasar Seni) Hoặc đi grab giá 20RM
Đi tàu đến trạm USJ 7 – Kelana Jaya Line, sau đó đổi sang USJ7 – BRT Sunway Line đến trạm Sunway Lagoon

-
Batu Cave

Động Batu là khu thờ thần Subramaniam và thần khỉ Hanuman của người Ấn, động này nhìn bế ngoài rất đồ sộ (vì có đến 272 bậc thang để leo lên cửa động), bên trong không có gì nhiều ngoài một vài bức tượng điêu khắc và một đền thờ nhỏ để các thầy tu bôi chấm đỏ và làm lễ. Bên ngoài, lúc vừa tới thì bạn sẽ thấy tượng thần Subramaniam rất cao nằm trước cổng dẫn lên đền, toàn thân của thần màu vàng, đây là nơi rất nhiều khách du lịch chọn chụp ảnh check in ở khu đền. Nếu không thích thì bạn cũng có thể chụp ảnh với đám bồ câu trước đền, sáng sớm đều có người rải bánh mì cho đám chim ăn nhìn rất vui mắt. Gần đó là một tiệm bán đồ ngọt, các bạn hay xem phim Ấn sẽ biết rằng đồ ngọt được dùng để ăn mừng trong một số dịp hoặc thành tựu nhất định, vì thế, bạn nên mua ăn thử dù cũng không ngon lắm. Một loại 2,3 viên chỉ 1 ringgit. Đi bộ lên 271 bậc thang khoảng 15-20 phút thôi, không quá mệt, đặc biệt là rất nhiều khỉ tự nhiên trên khu đền này, chúng hầu như không sợ người, bạn nên cẩn thận đồ ăn nước uống với bọn này. Nếu bạn muốn được chấm dấu tròn như người Ấn thì mua sừa, dầu ăn đem vào đền cúng, các thầy tu sẽ chấm cho bạn, trong động ẩm ướt và không quá tối vì có một lỗ sáng thông từ trên trời xuống, ở bên tay phải động lớn là Hang Tối, bạn phải mua vé tham quan mới được vào. Đi xa về phía tay phải một chút là một đền thờ khác cộng với tượng thần khỉ Hanuman màu xanh cũng rất lớn, vị thần ấy được tôn vinh như một nhân vật sử thi huyền thoại như Đăm San vậy đó.
Cách đi: Đi tàu đến trạm Batu Caves – KTM Line hoặc Gombank – LRT Kelana Jaya Line và đi Grab khoảng 10 phút nữa.
Chúc các bạn có một chuyến đi thú vị ở Kuala Lumpur, Malaysia
Saimon Tobi