Yogyakarta Rực Rỡ

“Jogja” là cách gọi thân thuộc đặc khu hành chính Yogyakarta của người Java trên đảo. Vì sao là đặc khu hành chính? Do Yogya vẫn còn duy trì chế độ Sultan độc nhất (như một quốc vương) mà không có bất kỳ tỉnh nào của Indonesia có chế độ này. Nằm ở miền Trung đảo Java, Jogja nổi tiếng là thủ phủ của các loại hình nghệ thuật từ sử thi Ramayana cho tới vải Batik – loại vải nổi tiếng nhất Indonesia. Jogja còn là nhà của một trong những ngọn núi lửa vẫn còn hoạt động mạnh mẽ nhất, đỉnh Merapi đã từng phun trào vào năm 2010. Yogya còn được biết đến là địa điểm được nhiều người đến nhất toàn đất nước Indonesia. Hằng năm tại Yogya có lễ hội phật đản Waisak được tổ chức tại đền Borobudur thu hút hơn 20000 người tham gia bao gồm phật tử, sư sãi và khách du lịch.Nói chung nếu Bali là niềm tự hào của người theo đạo Hindu thì Yogya là cái nôi nghệ thuật của người Java, dân tộc chiếm phần lớn dân số Indonesia.

Bài review này thích hợp cho những bạn thích phiêu lưu khám phá do sẽ có một số địa điểm off road hoặc cần phải tìm hiểu kỹ trước khi đi. Các bạn nào muốn đi theo kiểu nghỉ dưỡng thì không nên đi cung này.

Săn vé máy bay

Cho đến giờ thì không có một hãng bay nào có đường bay thẳng từ Sài Gòn hoặc Hà Nội đến Yogyakarta. Lựa chọn duy nhất của bạn là bay thẳng đến Kuala Lumpur/Singapore/Jakarta rồi tiếp tục bay tới Yogyakarta hoặc nối chuyến qua các thành phố trên. Hãng bay rẻ nhất vẫn là Air Asia với chặng bay khứ hồi Kuala Lumpur – Jogja rơi vào tầm 1,4 đến 2,5 triệu cặp vé khứ hồi tùy mùa sale hay đặt cận ngày, thời gian bay vào khoảng 2 giờ 30 phút. Ngoài ra từ Kuala Lumpur hay Jakarta còn có một số hãng khác bay đến Yogya theo tứ tự từ cao cấp đến hãng giá rẻ như: Garuda, Sriwijaya Air, Nam Air, Citi Link, Malindo Air và Batik Air. Với các hãng Sriwijaya, Garuda, Citi Link hay Malindo bạn sẽ được cho 20kg hành lý ký gửi + suất ăn nhẹ gồm nước và bánh. Lưu ý là đợi hành lý ở các sân bay Indo rất lâu nhé. Đa số các hãng bay ở Indonesia delay rất khủng khiếp, từ 30 phút cho đến 2 giờ nên bạn cần tính toán thời gian sao cho hợp lý. Mình khuyên nên đi Air Asia từ Kuala Lumpur vì dù sao thì hãng này cũng ít bị delay hơn.

Sân bay Adisucipto của Yogyakarta nằm cách trung tâm thành phố tầm 10km. Không gian sân bay nhỏ chỉ gồm 2 terminal, bạn nào bay Air Asia thì làm thủ tục ở terminal B. Từ sân bay bạn chỉ có thể đi taxi hoặc bắt Grab về trung tâm Jogja và không có bus. Gía taxi 4 chỗ tầm 60k-80k IDR (đơn vị tiền Indonesia) trong khi giá Grab rơi vào 40k-50k IDR, tuy nhiên bạn sẽ ko thể bắt Grab tại sảnh đến sân bay do khu vực này chỉ cho phép Taxi đậu, bạn phải đi ra khỏi đó một đoạn nếu muốn bắt Grab.

Nhập Cảnh

Thủ tục nhập cảnh của Indo nhìn chung không khó, chỉ cần điền vào tờ khai hải quan và xếp hàng đóng mộc với passport DNA. Thời gian xếp hàng rất nhanh dù mình bay đến 18h30 tối là tới. Chắc do sân bay Jogja vắng mà nhỏ :D. Hải quan rất dễ, thậm chí ko cần show vé bay về như ở Malaysia.

Đổi tiền.

Tỷ giá IDR (đọc là Rupiah) với tiền việt tầm 1,75 tức 1000 IDR đổi sang tiền Việt là 17500 đồng. Chuyến đi 4 ngày 3 đêm của mình tiêu tổng cộng 2,000,000 IDR tức tầm 3,750,000 tiền việt bao gồm cả mua quà.

Chi phí và giá cả sinh hoạt

Phải nói giá cảnh sinh hoạt ở Jogja rất rẻ, mình thấy rẻ hơn một chút so với các quận trung tâm ở Sài Gòn, hoặc chí ít là bằng các thành phố tỉnh ở Việt Nam. Các món ăn vặt dao động tầm 5-10k IDR (7-18k VND), ăn no cũng chỉ từ 15-25k IDR (27k-45k VND) một món, giá khách sạn nhà nghỉ cũng chỉ từ 120k-200k VND là đã có một giường dorm đẹp gần trung tâm vui chơi.

Vài địa điểm ở Jogja có thu vé, bảng giá chi tiết như sau:

Đền Borobudur – 350k IDR (tầm 680k VND) cho phí vào cổng từ 6h sáng đến 5h chiều

Để vào xem mặt trời mọc ở Borobudur, bạn cần trả 450k IDR (tầm 900k), tại Manohara Resort, bao gồm một phần ăn nhẹ + nước, đèn pin và quà lưu niệm.

Tệp_004(1)

Đền Prambanan – 350k IDR cho phí vào cổng từ 6h sáng đến 5h chiều.

Nếu không đi xem mặt trời mọc ở Borobudur, bạn có thể mua vé combo cho Prambanan + Borobudur với 550k IDR, còn muốn xem mặt trời mọc thì ko thể mua vé combo này mà phải tách ra.

Đền Ratu Boko xem mặt trời lặn – 350k IDR

Thủy Cung – Taman Sari – 15k IDR/vé

Cầu treo ở ghềnh đá Timang – 100k IDR/người/lần đi và về

Gondola ở ghềnh đá Timang – 200k IDR/người/lần đi và về

Phí giữ xe vực Jurang Tembelan – 5k IDR

Phí giữ xe trekking bãi Greweng, đảo Kalong và bãi Sinden – 5k IDR

Phí tham gia thả đèn trời ở Borobudur (dịp đặc biệt) – 100k IDR

Phí giữ xe trên đường Malioboro – 4k IDR

Phương tiện di chuyển

Phương tiện thích hợp nhất để di chuyển ở Jogja là xe máy, và mình cũng khuyến khích mọi người dùng xe máy vì có nhiều điểm trong lịch trình ko thể tiếp cận được nếu đi ô tô hay bus.

Xe máy ở Jogja hết 80% là xe tay ga, khác hẳn ở Việt Nam là xe số :D. Gía thuê xe một ngày từ 70k-90k IDR tùy dòng xe và tùy nơi. Bạn thuê càng nhiều ngày sẽ càng được giảm giá. Gía xăng ở Jogja cũng rẻ nữa, bọn mình đổ tầm 20,000 IDR mà vi vu cả trăm cây số hơn vẫn còn xăng.

Tệp_000(8)

Ngoài ra bạn cũng có thể dùng các app như Gojek và Grab để đặt xe, cũng giống Việt Nam thôi. Đi Taxi thì dĩ nhiên phí sẽ mắc hơn, nhưng ko phải đợi lâu.

Có hai phương tiện độc đáo nhất Jogja mà bạn phải thử là xích lô + xe ngựa. Mỉnh rất thích kiểu người ta vẫn còn giữ lại loại hình xe ngựa ở thành phố này, giá đi cũng không đắt lắm, tầm 10-30k IDR một người thôi. Tuy nhiên chỉ có tại trung tâm thành phố, mà đặc biệt nhất là con đường Malioboro hoặc Đi bộ 😀 – nếu bạn chịu khó.

Có thể nói giao thông ở Jogja giống hệt ở Việt Nam, nhưng họ lái bên tay trái, có đường đẹp, đường xấu, xe lớn cũng nhiều, trong trung tâm Jogja rất hay kẹt xe, mà giữa trời nóng thì ôi thôi…càng về gần các nơi như Borobudur hay núi Merapi thì đường càng thoáng và có vẻ đẹp như ở nông thôn vậy.

Lưu trú

Bạn nên chọn ở các khu vực gần trung tâm Jogja, đặc biệt là đường Malioboro, con đường vui và náo nhiệt nhất ở đây. Gía phòng dorm tầm 90-150k IDR, phòng đôi từ 150-300k IDR tùy loại sang trọng hay bình dân, đa số đều trang trí theo kiểu vintage.

Mình cực kỳ recommend hostel Pondok Sare (sẽ tìm thấy trên Booking.com), giường dorm nhưng giá cả phải chăng, chỉ từ 95k IDR, ăn sáng bánh mì mứt free, có nước uống free, đặc biệt là không gian thoáng mà rất thích, kiểu hostel nho nhỏ giữa lòng thành phố. Bạn nào muốn thử massage cá free thì ở đó cũng có luôn nhé :D. Điều làm mình nhớ mãi ở Pondok Sare là Lola, chị lễ tân làm ca chiều ở đó, rất lịch sự và hiếu khách, chị giúp đỡ tụi mình rất nhiều trong suốt những ngày ở Jogja dù có một ngày mình ko còn ở đó nhưng vẫn cho mình để hành lý, dùng toilet, nước uống miễn phí trước khi ra sân bay. Điểm 10 cho chất lượng luôn.

Tệp_005(3)
Hồ massage cá ở Pondok Sare
Tệp_000
Pondok Sare

Ngoài ra nếu bạn quyết định đi đón mặt trời ở Borobudur mà muốn tiện nhất thì ở một đêm gần Borobudur, giá phòng ở đây đa số là đắt, mà cũng ko có nhiều hoạt động để làm, đa số ở lại để sáng hôm sau đón mặt trời. Phòng dorm giá rẻ nhất là 140K IDR có bao ăn sáng. Ngày tham gia lễ Waisak, mình ở tại Alip Hostel (sẽ tìm thấy trên Booking.com), giường dorm rất cơ bản, giường rộng, có bao ăn sáng, chủ nhà vui vẻ và rất nhiệt tình.

Những việc cần lưu ý

Người Java ở Jogja nói tiếng anh không tốt, đa số ko nói được tiếng anh nên bạn cần có app dịch hoặc dùng tay chỉ cũng được :D.

Các món ăn ở Jogja đa số đều ngọt hoặc rất ngọt, kèm thêm cay xé lưỡi đối với vài món. Nhiều người nói đồ ăn Indo rất không vệ sinh nên bạn cần tìm chỗ nào sạch sẽ một chút mà ăn.

Sim 3G/4G ở Jogja tốt nhất nên mua Telkomsel có bán ở sân bay tầm 60k IDR được 8GB, cứ việc đưa passport họ sẽ cài sim cho mình. Hoặc còn một hãng khác là hãng 3 – đúng vậy chỉ một số 3 @@. Gía 60k IDR cho 30GB nhưng không cover tất cả các khu vực của Jogja, sẽ có vài nơi bị mất mạng.

Ở Jogja đa số là đạo Hồi nên bạn sẽ ko tìm thấy thịt heo/lợn trong các món ăn.

Thời tiết Jogja cũng rất nóng, thời gian thích hợp nhất để đi Jogja là từ tháng 5 đến tháng 10 vì là mùa khô.

Lễ Hội Đặc Trưng

Một trong các lễ hội đặc trưng nhất mà bạn có thể tham gia ở Jogja là lễ Phật Đản – hay còn gọi là Waisak trong tiếng Indo/Java. Lễ này được tổ chức hàng năm nhưng không có ngày cố định. Lịch tổ chức sẽ được công bố trên trang này – tức giáo hội phật giáo Indonesia cách ngày lễ khoảng 2 tháng.

Lễ Phật Đản quy tụ rất đông phật tử từ mọi nơi đến Borobudur để làm lễ. Thường thì số ngày lễ dao động từ 3-4 ngày từ việc rước lửa và nước thiêng từ đền Mendut cách đó không xa, cũng như một ngôi đền nào đó ở tỉnh Trung Java.

Điều đặc biệt nhất trong lễ này chính là hội thả đèn trời cầu mong bình an, một buổi thả đèn kéo dài tầm 30-40 phút với khoảng 500 đèn mỗi lần, không cần phải đợi đến tháng 11 để đi Chiang Mai thả đèn đâu nhé 😀 do Waisak thường rơi vào tháng 5 cho đến đầu tháng 6. Để được thả đèn, bạn phải có vé thả đèn, giá bán mình đã đề cập ở trên. Cần mua vé này ở đền Mendut (Mendut Temple) trong buổi sáng ngày thả đèn.

Tệp_005(4)
Lễ thả đèn trời ở Borobudur

Lễ Hari Raya – đây là lễ kết thúc tháng ăn chay Ramadan của người đạo hồi ở Indo, lễ này thường rơi vào từ giữa tháng 5 cho đến giữa tháng 6 – Đây là thời gian KO NÊN ĐẾN JOGJA do sẽ có rất nhiều người đến đây để đi chơi, vé máy bay, vé tàu cũng tăng đột biến.

Lịch Trình Cơ Bản (cho sự kiện Waisak)

Ngày 1: Đến Jogja – đi tham quan Malioboro vào buổi tối.

Ngày 2: Jogja – xem mặt trời mọc ở Borobudur (40km) – đi đồi Klangon xem núi lửa Merapi (55km) – Đi dạo đường Malioboro, Malioboro Mall

Ngày 3: Jogja – đi ngắm đồi Jurang Tembelan (17km) – đi vách biển Timang (55km) – Trekking bãi Greweng, đảo Kalong, bãi Sinden (1-2 giờ 5km) – Borobudur xem thả đèn trời (120km)

Ngày 4: Borobudur – đền Prambanan (60km) – Thủy Cung Taman Sari + Làng văn hóa du lịch (25km) – kết thúc.

Địa điểm

Dưới đây là các địa điểm mình đã đi:

Đền Phật Giáo Borobudur

Processed with VSCO with fp1 preset
Quần thể đền Borobudur

Borobudur được xem là ngôi đền phật giáo lớn nhất thế giới với lối kiến trúc xây theo hình tháp tròn. Cả khuôn viên đền rộng khoảng 1-2km nên đi bộ rất lâu mới hết khu vực đền. Hai hoạt động chính mà bạn có thể làm ở đây là ngắm mặt trời mọc và tham quan đền vào buổi sáng. Do giá vé ngắm mặt trời mọc khá đắt nên bạn nào thấy không cần thiết thì ko cần xem, nhưng đây là một trải nghiệm thú vị dù tour mặt trời mọc này nói chung cũng đông khách đi xem lắm.

Processed with VSCO with 10 preset

 

Processed with VSCO with au5 preset
Quang cảnh từ đền nhìn ra

Tệp_005(2)

Processed with VSCO with 4 preset
Lối lên đền Borobudur

Đền chỉ mở cửa từ 6h sáng đến 5h chiều, nhưng muốn xem mặt trời mọc, bạn phải đi qua một cửa phụ do resort Manohara nằm trong khuôn viên đền quản lý. Dù gọi là sunrise tour nhưng thực chất bạn tự đi xem mặt trời mọc chứ ko có ai hướng dẫn bạn hết nha. Họ mở cửa bán vé lúc 4h30 sáng nên bạn nào ở Jogja thì phải thức sớm lái xe máy/ô tô đến Borobudur (40km), hoặc cũng có thể mua tour của khách sạn nếu muốn (giá đắt hơn tự đi tầm 150k IDR, có xe ô tô đưa đón). Bạn nên tranh thủ đi sớm, lúc vừa mở cổng là vào luôn để giành chỗ thuận lợi ngắm đền (hướng đông, có biển để Eastern side). Bên resort sẽ phát cho bạn 1 đèn pin, một logo bằng giấy có chữ sunrise tour để phân biệt với khách sáng, một bữa ăn nhẹ gồm chuối chiên, bánh và cà phê/trà sau khi bạn đi ngắm xong + một miếng vải lụa batik làm kỷ niệm.

Processed with VSCO with av8 preset
Những gì bạn nhận được trong tour Borobudur Sun Rise của Manohora Resort

Tệp_004(3)

Tệp_006 (6)

Mặt trời bắt đầu mọc từ 5h30 phút (tháng 5), và đẹp nhất tầm 6h15 đến 6h45 phút sáng. Lúc mình đi đa số chỉ ở lại đến 6h là auto về :D, nên được dịp ngắm mặt trời lên thỏa thích – chắc do họ nghĩ vầng hừng đông là đủ đẹp rồi.

Processed with VSCO with au5 preset
Đây là lúc mặt trời vừa lên

Lưu ý là đi ngắm đẹp hay không tùy chất lượng thời tiết mà bạn gặp, ngày hôm mình đi trời có mây tầm 60% nhưng vẫn khá đẹp. Dám cá trời quang chắc còn đẹp dữ dội luôn.

Sự kiện đặc biệt nhất khiến mình đi Borobudur tháng 5 mà ko nơi nào ở Indonesia có là lễ phật đản. Lễ này do giáo hội phật giáo tổ chức, điều bạn cần quan tâm là lễ thả đèn lồng trong combo lễ phật đản kéo dài 3 ngày, thường rơi vào ngày cuối, tầm 10h30-12h đêm. Lúc này đền Borobudur sẽ rất đông, bên trong vang lên tiếng kinh cầu và buổi tụng niệm của các sư. Bạn chỉ có thể vào đền sau đó, tức lúc 9h30 tối. Nếu muốn vào sớm hơn phải có ai đó có thẻ dự lễ của giáo hội mới được vào, nếu may mắn, bạn sẽ gặp một vài người Indo biết nói tiếng anh có thẻ, họ sẵn sàng giúp bạn vào. Và mình thì cực kỳ may mắn khoản này, một cặp Indo đã giúp mình rất nhiều để vào được đền, không biết sao mà dễ thương thế 😀

Tệp_003(5)
Thẻ vip vào Borobudur dịp lễ Phật Đản Waisak

Tệp_001 (21)

Tệp_004(5)
Lễ Waisak quy tụ đông đảo người tham gia

Lúc thả đèn, cảm giác như mình đang ở Chiang Mai vậy, dù không nhiều đèn bằng ở Thái (do thả theo đường thẳng và khuôn viên thoáng rất nhỏ nên phải chia ra thành 4 đợt, mỗi đợt 500 đèn), nhưng không khí rất trang nghiêm và huyễn hoặc. Những chiếc đèn bay trên trời như khiến người ta mải mê chú ý vào nó cho đến khi khuất mắt vậy.

Đền thờ đạo Hindu – Prambanan

Processed with VSCO with c4 preset

Sánh vai với Borobudur ở phía tây là đền Prambanan ở phía đông Jogja. Prambanan từng là thủ phủ của đạo Hindu, thu hút rất nhiều tín đồ Hindu về Jogja sinh sống. Nhưng do sự phát triển của đạo phật ngày càng lấn át Hindu trên đảo Java nên họ phải chuyển sang đảo Bali sinh sống – đó là lý do tại sao bạn thấy rất nhiều ngôi đền theo kiểu Hindu ở Bali đấy.

Processed with VSCO with c8 preset

Đền này cũng rất rộng, phải ngang ngửa Borobudur, từ cổng vào đến cổng chính đền phải đi bộ tầm 10-15 phút, băng qua những bãi cỏ và hàng cây xanh ngắt. Vé đền mình đã đề cập đến phần trên. Bên này thì bạn được free 1 phần nước gọi là “welcome drink” (mà mình nhìn mặt người phát nước thì chả welcome tẹo nào ☹ ), gồm trà, cà phê hoặc nước suối ướp lạnh.

Vừa đi trong đền mà tiếng nhạc teng teng của khu đển làm mình thấy lạ lạ mà có phần kỳ cục :D. Phần đền gồm 5-6 tháp từ lớn đến nhỏ. Trên tháp là các phù điêu, tạc khắc về các thần trong đạo Hindu, đi vào trong đền là các tượng thần bò, thần hủy diệt Shiva… nói chung rất hoành tráng. Có điều đi buổi trưa rất nắng @@. Mình để ý họ đang tu sửa thêm các di tích do trận động đất năm 2006 làm đổ vỡ khá nhiều mảng đền. Ngoài ra mình thấy kiến trúc đền ở đây giống giống ở Angkor Wat thì phải.

Processed with VSCO with a5 preset
Ngôi đền to nhất quần thể
Tệp_000 (39).jpeg
Một trong các tượng thần và điêu khắc trong đền chính
Processed with VSCO with e8 preset
Lối kiến trúc hindu của đền

Bạn nào mê văn hóa thì tối đến đây xem múa Ramayana, tầm 300k IDR hay gì đó, có một suất ăn tối free nữa. Mình thì không có thời gian nên không đi cái này.

Núi lửa Merapi

Tệp_008(2)
Đỉnh Merapi nhìn từ xa

Đây, ngọn núi lửa thiêng của người Java. Tên nó dịch ra cũng có nghĩa là núi lửa. Núi này là một trong những ngọn núi hoạt động tích cực nhất ỏ Indonesia, năm 2010 phun trào làm chết rất nhiều người, kể cả người được xem là hộ vệ trông coi núi lửa :’(. Ngay khi mình viết những dòng này, Merapi vừa phun trào thêm một đợt khói mới, nâng số đợt phun trào lên thành 3 đợt chỉ trong tháng 5/2018, hầu hết đều là cột khói cao trải dài 5-6km. Đây là dấu hiệu cho thấy rất có thể một ngày nào đó, Merapi lại “nổi cơn thịnh nộ”. Bạn nào đến khu vực gần đỉnh Merapi nên chú ý cập nhật tình hình. Do bây giờ hoạt động leo núi lửa bị hạn chế rất nhiều nên bạn phải liên hệ bên chính quyền để biết có được leo hay không nếu muốn.

Tệp_001(8)

Theo mình biết thì chặng leo núi lửa Merapi tầm 1 ngày với độ dốc khá dốc, khói lưu huỳnh trên miệng núi cũng độc hại nên bạn nào đủ dũng cảm thì hãy leo 😊. Mình thì chỉ đứng ngắm từ xa ở một ngọn đồi, mà để đi tới đồi này cũng phải mất 2 tiếng từ Borobudur (55km). Trên đường đi, khung cảnh làng quê hiện ra rất rõ, cứ tưởng đang lạc vào Ubud ở Bali. Nơi mình đến là đồi Klangon (hay Merapi Bukit Klangon/Merapi Klangon Hill).

Processed with VSCO with fp2 preset

Để tới đây, bạn phải hoàn toàn trông cậy vào “chị Google map”. Đoạn đường không khó đi nhưng dốc lên xuống rất cao do bạn đang đi về phía miệng núi lửa. Merapi hiện ra sừng sừng đủ để thấy nó không thua kém Bromo đâu hén.

Đồi Klangon không có thu vé và cũng không có bãi giữ xe, chú ý đem theo máy cơ vì ở đây có rất nhiều góc đẹp để chụp ảnh nhưng vì background vẫn còn hơi xa nên điện thoại khi zoom lên sẽ bị nát ảnh.

Tệp_002(8)

Ngoài ra nếu bạn muốn đi một tour Merapi khác mình thì có thể đến làng Solo nằm trên chân núi (từ khóa search bản đồ là Merapi Museum), ở đó sẽ có xe jeep đưa bạn lên nơi có view đẹp hơn – giá từ 300k IDR cho 1 xe đi được 4 người/tour ngắn, tour càng dài sẽ càng đắt. Ngoài ra bạn còn được xem cận cảnh ngôi làng bị “hóa đá” do nham thạch của Merapi chảy qua hồi năm 2010, cảnh vật rất tang thương ☹.

Đường Malioboro

Tệp_005

Có thể xem đây là phố “ta” bùi viện. Tại sao lại là ta? Vì đa số bạn sẽ chỉ thấy người bản địa Indo đi Jogja thôi, dù có khách tây nhưng rất ít. Vậy mà ở đây dù là sáng hay đêm đều rất sôi động. Các hoạt động như đi xe ngựa ngắm phố, đạp xe đạp, xem trình diễn nhạc truyền thống của người Java hay các hàng ăn “ngồi chiếu” kiểu truyền thống Java đều có ở đây nhé. Đường này phải dài đến 1-2km nên chuẩn bị tinh thần đi bộ nhé mọi người. Mall Malioboro và dọc hai bên đường có bán nhiều quần áo Batik nhưng mình nghĩ người Việt Nam sẽ không thích loại vải này đâu. Cứ đi tầm 50,100m là lại có một hàng bán đồ ăn vặt như đồ chiên, xiên que sa tế, chè Indo, bánh trái các loại… đi vào đây là xác định tốn tiền dài dài nha 😀

Tệp_008(4)

Tệp_002
một tiết mục đàn ở đường Malioboro
Tệp_006
xe ngựa trên đường Malioboro

Bãi biển Timang

Processed with VSCO with au5 preset

Địa danh này từng lên sóng truyền hình Asia Running Man (do bạn mình nói thôi chứ mình ko xem). Và điều đặc biệt nhất khiến mình có ấn tượng rất mạnh với điểm này chính là nó quá đẹp. Có thể nói đây là bãi biển đẹp nhất khu vực Jogja dù đường đi thì rất cách trở.

Tệp_001(7)
Đường vào bãi Timang

Trải nghiệm tự dò đường, tự tìm hiểu thông tin để tới đây là điều mình thấy thú vị nhất. Bạn sẽ không tìm ra được địa điểm này khi search từ khóa “Nên đi đâu ở Yogyakarta”, kiểu chỉ có rất ít dân bản địa và khách tây đến được đây. Lý do? Vì đường đi rất xấu và xa. Mất 70km từ Yogya để tới đây, vượt qua khoảng 20 con đèo nhỏ cứ dốc lên dốc xuống, nhiều lúc dốc đứng tim luôn ☹. Sau đó lại phải chạy xe hoặc đi bộ Off Road hết 3-4km để ra tới đó. Đoạn off road này đúng chất là khủng khiếp kinh hoành. Mình từng đi các đoạn Off Road ở Phú Quốc, Phan Thiết hay Đà Lạt mà đây là điểm kinh dị nhất mình thấy. 2/3 đoạn Off Road là đá núi lởm chởm, trải kín cả đoạn đường. Những lúc dốc quá bọn mình phải xuống đi bộ một đứa, một đứa trườn qua nhẹ nhẹ. Mà thử nghĩ đi dưới cái nắng nóng tầm 35 độ thì phê phải biết :D. Còn nhắm không đi nổi như vậy thì bạn thuê xe máy giá 50k IDR/chiều/người tới bãi, xe Jeep với 350k/4 người/chiều. Mình thấy đi như vậy rất phí. Vậy mà một anh trai Indo đã biểu môi nói mình chắc chắn ko qua được đoạn đó. Lúc từ bãi trở về đúng là thấy hả dạ hết biết, dám xem thườn người Việt à!

Ra tới được bãi biển, điều đầu tiên bạn nhận ra là không có sóng 3G lẫn sóng điện thoại, mà dù dì cũng chỉ có một con đường độc đạo dẫn tới bãi. Sóng rất cao và mạnh, sóng đập ầm ầm vào bãi đá, sóng xô vào rất sâu trong bãi.

Tệp_002(7)

Một khung cảnh hùng vĩ với những ghềnh đá cao chót vót phía xa. Cứ tưởng những thứ đó chỉ có ở Bali hoặc chí ít là nơi khác, ai ngờ ở tận Jogja này cũng có, đúng là không xem thường Indonesia được.

Tệp_007(4)
Những ghềnh đá ở Jogja
Tệp_007(1)
Sóng to thế này cơ đấy

Tệp_003(6)

Và đã tới đây rồi thì đừng quên đi một trong hai trò thót tim: cầu dây qua đảo Timang hoặc ngồi trên Gondola tự kéo qua đảo. Cả hai cái này đều tốn tiền nhưng rất đáng. Cầu dây giá 100k IDR/người, xe Gondola thì 200k IDR. Mình đã nghĩ đi Gondola sẽ thú vị hơn do sóng đánh bên dưới mà bạn chỉ ngồi trên một chiếc xe cực kỳ đơn sơ, kiểu có thể rớt xuống biển bất cứ lúc nào. Nhưng không, đi cầu dây mới thực sự là đỉnh của đỉnh, lúc mình đi là mùa khô mà sóng biển và gió còn dữ dội như vậy. Cầu rung lắc khá mạnh, có đoạn nghiêng hẳn sang bên phải có người đi hai đầu để thăng bằng cầu lại. Và khi đi, bạn sẽ được hộ tống bởi người làm cầu. Chú này kiêm luôn chụp ảnh cho bạn trên đảo nhỏ Timang (thật ra chỉ là một bãi đá lớn thôi), 100k IDR bạn được thợ chụp ảnh free và nước uống nhé :D. Nhiều lúc sóng đánh lên bờ đá làm ai đi Gondola cũng bị ướt sũng.

Tệp_005(5)
Đi cầu treo ở Timang

Lưu ý là bạn không thể đi kết hợp cả hai, do cầu treo và Gondola là hai chủ khác nhau. Bạn nên search từ khóa Timang Beach và đi theo chỉ dẫn, khi gần đền đoạn rẽ vào đường xấu, sẽ có biển chỉ dẫn đi cho bạn hoặc hỏi người địa phương, cứ nói Pantai Timang là họ sẽ chỉ cho nhé.

Tệp_004(6)
Còn đây là Gondola

Bãi Greweng, bãi Sinden và đảo Kalong

Tệp_000(6)
Bãi Greweng

Nếu bãi Timang đã thuộc dạng khó đi, thì bãi Greweng phải được gọi là vua thử thách. Cách bãi Timang tầm 13km về phía đông, bạn đi xe đến bãi Jungwok – bãi này rất nổi tiếng nên search một cái là ra ngay, sau đó gửi xe gần đó, sẽ có bản chỉ dẫn cho bạn Trekking đi bãi Greweng.

Processed with VSCO with fs1 preset
Bãi Jungwok thoải, thích hợp tắm biển

Đoạn Trekking này không đáng sợ như Phan Dũng Tà Năng hay leo núi Phan Xi Păng mà thực chất là nhiều dốc, đường mòn và đi giữa cái nắng nóng nên rất dễ mệt. Mình ước tính đoạn trek này mất phải 1-1,5h mới tới được điểm cuối cùng là đảo Kalong – một đảo nhỏ hoang sơ cũng có cây cầu dây bắt ngang chỉ với 25k IDR. Suốt đoạn đường trek, bạn sẽ không thấy một bóng khách du lịch Tây nào hết. Hầu hết là người Indo nhưng cũng rất ít, có cảm tưởng mình là người Việt Nam đầu tiên tới đây vậy :D. Hết 25 phút trek đầu tiên là bãi Greweng. Bãi này nhỏ hơn bãi Jungwok nhưng có bãi cát đẹp, khung cảnh kiểu bạn làm bá chủ của bãi luôn.

Processed with VSCO with av4 preset
Đoạn trek đầu tiên vào Greweng
Tệp_001(6)
Đoạn off road rùng rợn trekking đi Kalong

Và đặc biệt, điều đáng sợ cuối cùng cũng đã đến. Đoạn đường tiếp theo đến bãi Sinden hính xác là ĐƯỜNG MÒN! Không hề có lối đi rõ ràng. Các bạn nào nhắm không đủ khả năng thì không nên đi. Bạn phải leo lên trên mỏm đá sát vách biển, sẽ rất dễ có tai nạn nếu không bám được vào thành vách đá lởm chởm, càng đi độ dốc càng cao nên cuối cùng mình đã bỏ cuộc sau 10 phút. Thực sự đứng trên đoạn đó nhìn xuống là một vệt trắng xóa của sóng, cảm tưởng bạn có thể rớt xuống bất cứ lúc nào. Hy vọng có bạn nào đó đi về được có thể update thêm tình hình cho mình.

Thủy Cung Nước Taman Sari

Tệp_007(3)

Thực ra đây là thủy cung để phục vụ Sultan cai trị Jogja khi thời tiết quá nóng. Bây giờ chỗ này là một làng du lịch nho nhỏ + thủy cung. Bên trong cũng không có gì đặc sắc lắm trừ một hồ nước trong xanh. Nhưng bạn nào thích chụp ảnh kiểu cổ cổ hay theo mấy lối kiến trúc dị dị thì không nên bỏ qua thủy cung này. Bên ngoài thủy cung là làng du lịch, kiểu mình thấy rất giống làng Tam Thanh ở Quảng Nam hoặc nhà cổ ở Penang. Ở đây bạn sẽ thấy người ta làm ra vải Batik bằng cách vẽ lên các họa tiết, hoặc mua áo tự sơn theo phong cách Batik, mình thấy có rất nhiều chỗ bán áo tự sơn phong cách Batik như vậy trong làng.

Processed with VSCO with fp8 preset
Khu vực hầm địa đạo trong Taman Sari

 

Processed with VSCO with a7 preset
Những bức tường màu sắc trong làng

Vực Jurang Tembelan

Processed with VSCO with c8 preset

Thực ra chỗ này cũng không phải gọi là quá đặc biệt, nhưng có view rất đẹp và cao để ngắm. Bạn nào thích sống ảo thì không nên bỏ qua chỗ này, dân local đến rất đông. Mình cứ nghĩ ở đây sẽ đón được bình minh, nhưng không do bị ngược hướng, làm mình phải thức từ 4h, đi qua một con đèo tối om đúng kiểu đường rừng để tới đây ☹. Tuy nhiên vào những ngày mây mù, nơi đây sẽ bị bao phủ dày đặc bởi mây, tạo ra một khung cảnh giống thiên đường mây Y Tý hay Tà Xùa vậy. Nhưng rất tiếc ngày mình đi trời trong xanh quang đãng, chả thấy một cụm mây nào. Nếu muốn đón bình minh mà vẫn thấy mây, bạn nên đổi địa điểm tới Magunan Fruit Garden, ở đây mỗi ngày đều có mây và nằm ngay hướng mặt trời mọc nhé. Cứ search bản đồ sẽ thấy, cách Jurang Tembelan tầm 2km thôi.

Tệp_000(7)

Ẩm Thực

Mình luôn ưu tiên thưởng thức ẩm thực khi đến một nơi mới, và Jogja cũng không phải ngoại lệ. Và cách ngồi trên chiếu ăn ở Jogja cũng là một nét đặc biệt mình rất thích

Tệp_004
Enter a caption

Sau đây là các món bạn không thể bỏ lỡ khi tới Jogja

Gudek – Cơm Mít Xào

Tệp_000(1)

Món này là đặc sản đặc trưng nhất ở Jogja, cơm trắng ăn với mịt ngọt xào, đậu hũ chiên và gà chiên. Dù hơi ngọt nhưng lại không ngán và ngon nữa, có điều hơi cay nên dặn người bán không để cay bằng từ “Cili”. Gía từ 15-25k IDR một đĩa

Bakso – Hủ Tiếu Mì Viên

Tệp_001(1)

Đây phải coi là món phổ biến thứ hai sau Gudek, các hàng rong, xe đẩy đều có bán, món này vị rất lạ, kiểu không quá ngọt nhưng lại lợ lợ. Chất lượng thức ăn ổn, bên trong có bò viên, đậu hũ và thịt gà. Gía rất rẻ chỉ từ 7-15k/một tô

Satay – Xiên Que Sa Tế

Tệp_002(1)

Xiên que sa tế phải xem là món đặc trưng nhất ở Indo và Malay. Xiên que ở Jogja mình thấy nướng chín điều hơn, sốt ướp có phần cay hơn, đặc biệt sôt ăn cùng lại ngọt. Và cái giá thì không thể nào rẻ hơn, 3 xiên giá 5k IDR.

Ronde – Chè Gừng

Tệp_003(4)

Một loại chè ở Jogja, chè này nấu bằng nước gừng nóng, vị rất thanh mát, trong món có vụn bánh mình, bánh lọt, quả gì đó mình không biết, hai viên trôi nước, giá chỉ 5k IDR nhé. Dễ thấy ở những xe hàng rong nho nhỏ trên đường Malioboro

Lumpia – Chả Giò Chiên

Tệp_004(4)

Món này đặc biệt ở phần nhân, phần nhân là một loại rau trộn chua gì đó ăn kèm với sôt màu trắng ngọt ngọt, giá chỉ 5k IDR một cuốn, mình ăn một cuốn thôi mà đã thấy hơi no rồi. Chỗ này nằm bên phía mall Malioboro, cách đó 50m, bán rất đắt khách.

Kerak Telor – Bánh Trứng

Tệp_002(5)

Món này phải nói là cực lạ, trứng tráng với cơm cháy, bỏ vào gia vị và một ít hành thơm + khô gà. Ngon mà giá chỉ 15k IDR. Các hàng rong trên đường Malioboro đều có.

Pempek – Bánh Chả Cá

Tệp_005(6)

Rất ngon luôn, lớp bột nếp dẻo bên ngoài cuộn chả cá lại bên trong, ăn với một loại sốt tương ngọt. Một phần như vậy giá 19k IDR nhé. Ăn ở tiệm Pempek Ny Kamto gần đường Malioboro. Nhân viên phục vụ biết tiếng anh và rất lịch sự

Kopi Joss – Cà phê Than

Tệp_006(6)

Món đặc biệt nhất trong tất cả các món. Cà phê uống cùng với một viên than đá nóng đỏ hây hẩy. Bạn nên đợi cà phê nguội hẳn hãy uống. Và nhớ chọn ngồi chiếu mà uống nhé. Món này có nhiều bạn sẽ nghĩ dơ nhưng thực sự mình ko bị đau bụng, vì than đá có tác dụng trung hòa axit của cà phê cũng như lọc cặn bẩn. Gía chỉ 10k IDR/ly thôi. Bạn cứ search Kopi Joss là có, bán gần đường Malioboro.

Tệp_007(5)
Ngồi chiếu thưởng thức cà phê than

Nasi Goreng – Cơm Chiên

Tệp_004(7)

Chẳng qua chỉ là cơm chiên với gia vị theo kiểu indo, trứng và gà nhưng rất ngon. Món này bạn nào đi bãi Timang sẽ được ăn một phiên bản hoàn hảo chỉ với 15k IDR, còn gì rẻ hơn nữa.

Siaomay – Xíu Mại

Tệp_003(1)

Mình cứ tưởng Xíu Mại này giống Trung Quốc nhưng không. Đây phải gọi là món siêu rẻ, một tô chỉ 5k IDR mà rất nhiều, hai đứa ăn không hết. Đa số là đồ hấp, từ khoai lang, khoai tây, bắp cải cho đến đậu hũ hấp, ăn với nước sốt tương cay ngọt, là món nên thử vì quá rẻ.

Chúc các bạn có một chuyến đi vui vẻ ^^

Saimon Tobi

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s