Brunei Darussalam là một quốc gia khá nhỏ thuộc đảo đa dạng sinh học siêu cấp Borneo. Đất nước này phát triển và vươn lên thành 1 trong các cường quốc giàu nhất thế giới nhờ vào nguồn dầu thô khổng lồ. Với sức ảnh hưởng rộng lớn, Sultan James Asr Hassanil Bolkiah được toàn dân kính trọng và thuần phục vì đã thiết lập một nền quân chủ chuyên chế hoàn hảo cùng những phúc lợi đặc biệt cho nhân dân. Rừng ngập mặn chạy dọc theo sông, khỉ mũi dài Proboscis đặc hữu, vàng và những thánh đường khổng lồ chính là những điều khiến người ta nhớ mãi ở Brunei. Nếu bạn là kẻ thích không khí vui nhộn và đặt tiện nghi lên hàng đầu, thì Brunei không phải là lựa chọn của bạn, còn với những ai xê dịch bằng cả trái tim, xin đừng lãng quên Brunei…
Một Cuộc Đời Nhạt Nhẽo Hay Niềm Vui Đơn Giản?
Cho đến giờ, mình vẫn nghĩ bản chất cuộc sống của Brunei không phải là một hiện thực nhạt nhẽo như người ta vẫn nghĩ. Có chăng chỉ là do những giá trị truyền thống, luật lệ và cả đặc điểm địa lý ảnh hưởng lên lối sống của người dân ở đó mà thôi. Với những gì hoàng thất và chính bản thân ngài Hassanil Bolkiah đã làm cho “vương quốc hòa bình”, nhà vua có quyền yêu cầu nhân dân phải phục tùng mọi mệnh lệnh mà cơ bản là những luật lệ có phần khắc khổ của đạo luật Shariah. Nhưng có lẽ việc áp dụng luật này ở Brunei dừng lại ở một chừng mực hợp lý với những quy tắc xã giao của người hồi giáo cũng như việc nghiêm cấm đồng tính luyến ái. Phụ nữ vẫn ra đường, vẫn lái xe và cười nói bình thường như bao người đàn ông khác. Khi nói đến giá trị truyền thống, vì được đặt dưới một nền quân chủ lập hiến nên nhiều lúc tiếng nói của người dân cũng không được xem trọng, mà có lẽ họ cũng không cần phải lên tiếng nhiều vì những phúc lợi dành cho họ quá tốt đẹp đến mức, việc phản đối tưởng chừng như vô lý. Được khám chữa bệnh miễn phí, được đi du học xa, cấp nhà cửa sau 2-3 năm hay giá ô tô và xăng dầu cực kỳ rẻ chỉ 0,25 cent (4,200VND) 1 lít…. Có thể là những mong ước đơn giản và xa vời mà các quốc gia khác trong khu vực vẫn còn đang khao khát; vậy thì hà cớ gì người dân Brunei phải bận tâm nhiều? Phải chăng, chính vì thế mà nhu cầu về phát triển du lịch bị lép vế trước những mỏ dầu khổng lồ ở Kuala Belait để nhường chỗ cho khối tiền cung ứng cho các phúc lợi trên? Hệ thống xe buýt tư nhân với tần suất thưa thớt cùng lịch hoạt động chỉ 12 giờ, những con đường nhỏ hẹp lác đác chừng chục chiếc ô tô hay niềm vui gói gọn trong một khu mua sắm khiêm tốn được xem là “hiện đại và lớn nhất” Brunei tại quận Gadong… tất cả những thứ ấy làm mình thấy tiếc cho Brunei, với danh tiếng giàu sang và quyền lực như thế, Brunei lại chọn một cuộc sống của “kẻ giàu kiệm lời” tránh xa những phồn hoa mà các nước phát triển vẫn đang hướng tới. Gía trị truyền thống của một làng chài ven biển nghèo nàn chắc vẫn còn lẩn trong tâm hồn người Brunei, để giờ đây họ đã quen với cuộc sống khép mình như thế.
Thật khó mà tin được ở một quốc gia như Brunei, đêm đến lại buồn não lòng đến vậy, không một bóng đèn, không một tiếng nói cười, những ngôi nhà cũ kỹ có phần phong hóa theo thời gian cửa chốt then cài đi ngủ. Bàn đến vị trí địa lý, dù mang trong mình hệ sinh thái phong phú của đảo Borneo, nhưng cái Brunei cần để hút khách du lịch chính là những bãi biển dài xanh ngắt với cát trắng mênh mông, một vài ngọn núi cao với tầm nhìn trên mây cũng còn tốt chán. Nhưng không.., ai lại đi yêu lấy những dòng sông đục màu đất hay vùng rừng ngập mặn trải dài tít mắt. Ấy là còn chưa kể những bờ cát đen ngòm bình thường mà ta có thể bắt gặp ở bất kỳ quốc gia nào tiếp giáp với biển,Thậm chí đến nông nghiệp còn không có chỗ đứng ở Brunei, đặc điểm mà nếu làm tốt, họ có thể mở ra các dịch vụ du lịch nhà vườn hay trang trại. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, họ sống cuộc đời của họ, cần mẫn và hài lòng với một đất nước bình dị bên những thánh đường. Hạnh phúc đến từ những điều nhỏ nhặt nhất, trong trường hợp này Brunei là một ví dụ điển hình. Chỉ cần được ấm no, bình yên, không thiếu cơm ăn áo mặc, được bao bọc chở che bởi 1 vị quốc vương đáng kính, thế là đủ. Ai mà chẳng chết, vật chất có là gì trước khái niệm cuộc sống tươi đẹp. Nên mới nói, cái chúng ta cần nhìn nhận ở Brunei là sự thán phục vì “tinh thần thép” kia, hơn là hờn giỗi và chê trách.
Những Thánh Đường Dát Vàng
Một trong những biểu tượng đặc trưng nhất mà bạn vẫn hay gặp khi nghe đến Brunei xuất hiện trên màn ảnh tivi hay tạp chí chính là thánh đường hồi giáo Oma Ali Safuddien, một trong nơi hành lễ lâu đời, đồ sộ và tráng lệ nhất tọa lạc tại trung tâm quận Pusat Bandar ở thủ đô Bandar Seri Begawan. Có thể nói, mọi hoạt động du lịch đều đổ dồn về nơi đây. Ngoài khuôn viên nhà thờ, hàng người đạp những chiếc xe mui điện xanh đỏ tím vàng, đôi lúc vài người đi dạo xung quanh nơi được gọi là công viên với những khóm hoa nhỏ và một bãi cỏ được chăm sóc cẩn thận.

Cánh cổng thánh đường mở rộng từ 8 giờ 30 sáng đến 8 giờ 30 tối để đón du khách đến tham quan. Nhưng vào một số mốc thời gian nhất định, bạn không được phép vào trong vì đó là giờ cầu nguyện của người hồi. Tôi nghĩ, điều khiến người ta choáng ngợp nhất không phải là kiến trúc tinh tế với hai màu vàng trắng đan xen nổi bật của nhà thờ, mà là những mái vòm được dát hoàn toàn bằng vàng nguyên khối, cùng mô phỏng con thuyền khổng lồ mà các Sultan đời trước vẫn hay dùng mỗi khi có việc quan trọng. Chắc hẳn vị vua Oma Ali Saifuddien đời thứ III cũng không ngờ rằng quần thể kiến trúc đặc biệt được đặc theo tên ngài lại là một biểu tượng sống của Brunei.

Đêm đến, nơi đây như trung tâm của “vũ trụ Bandar Seri Begawan”, bởi những bóng đèn điện đã tắt tự khi nào mà thánh đường kia vẫn còn toát ra một vẻ đẹp kỳ bí khi được thắp sáng xuyên suốt trong đêm. Và tôi cá là bạn sẽ thấy vui mừng hơn khi biết rằng cạnh thánh đường còn có một hàng ăn vặt buổi đêm cùng một khu phức hợp nhà ở và siêu thị nhỏ bé ẩn nấp trong một công trình “hoành tráng”, vì nếu không phải là một người giỏi chịu đựng, bạn sẽ thốt lên rằng: Brunei chỉ vậy thôi à? – khi đêm đến.
Ngoài Oma Ali Saifuddien thì thánh đường nổi bật thứ hai mà bạn nên đến thăm chính là Jame’s Asr Hassanil Bolkiah với cái tên nguyên văn từ vị Sultan đáng kính, người đã giúp Brunei phát triển đến ngày hôm nay.
Nói đơn giản hơn, người mà các bạn đang thấy trên tiền giấy và cả tiền đồng Brunei, chính là vị quốc vương Bolkiah mà mình đã nhắc đến. Hiện ngài vẫn đang trị vì đất nước, và như những gì mình được biết, hãng hàng không hoàng gia Royal Brunei chính do một tay ngài tạo lập mà có được vị thế như ngày hôm nay. Ngài còn nổi tiếng toàn thế giới vì sự giàu có mỗi khi đi công du hay tham dự các hội nghị ở nước ngoài với dàn máy bay riêng hoành tráng và hơn 3000 xe ô tô các loại. Trở lại với thánh đường, nếu Saifuddien là một hình tượng tinh khiết, thì Hassanil Bolkiah là một tuyệt tác kiến trúc đồ sộ và sang trọng đến lạ thường từ kiến trúc đến những mái vòm bằng vàng và hàng loạt trụ cột khổng lồ. B=Mình chỉ có thể thốt lên một từ thán phục khi lần đầu nhìn thấy thánh đường này. Những đài phun nước ở 4 hướng như góp phần tô điểm thêm cho hàng loạt hoa văn ả rập trên khắp các bức tường quanh đó, khuôn viên rộng lớn của nhà thờ là minh chứng cho việc người ta thật sự yêu thương và tôn kính vị quốc vương tài ba kia.


Dù phải đi bộ một khoảng khá dài về sau khi thưởng thức màn ánh sáng ảo diệu và những khoảnh khắc cuối ngày ở thánh đường Bolkiah, mình vẫn cảm thấy thật may mắn khi thấy một công trình kiến trúc tuyệt vời như vậy ngay trước đêm, một trải nghiệm mà có lẽ khó có thể diễn tả hết bằng lời…

Ngày Lênh Đênh Trên Sông Brunei
Thiết nghĩ, điểm nhấn độc đáo mà thiên nhiên ban tặng cho nơi đây chính là dòng sông Brunei ngay trước bờ phía nam thành phố Bandar Seri Begawan. Và ai đó đã nói rằng, lịch sử của Brunei bắt đầu từ chính con sông này, từ chính làng nổi Kampong Ayer mà ngày nay, người ta xem nó như một địa điểm du lịch để tham quan cách mà con người bám trụ lại trên những ngôi nhà ván gỗ trên mặt nước. Với mình, Kampong Ayer không đơn giản chỉ là một khu làng nổi, mà còn là cuộc đời của một bộ phận những người nghèo cơ cực lưu lạc trong thế giới của người giàu ở bên kia sông, thành phố Bandar Seri Begawan, họ sống lầm lũi, như cái cách mà họ đã sống từ trước tới nay, bám lấy ghề chài cá để mưu sinh. Một vài căn nhà chật hẹp nối liền với những miếng ván gỗ dài, lũ trẻ nhếch nhác và có phần đen đúa thích thú mỗi khi du khách bước ra từ chiếc tàu nhỏ bên kia bờ. Con người ta lại có thể vui trước những thực tại ấy sao? Nhưng có lẽ, cùng nhờ hoạt động du lịch mà làng nổi sẽ có ngày thay đổi diện mạo của mình, dù ngày ấy chắc còn rất xa.

Suốt 3 tiếng ngồi trên tàu lênh đênh dọc sông Brunei cùng những người bạn mới quen ở Châu Âu, tôi không khỏi thích thú trước quang cảnh rừng ngập mặn trải dài khắp một vùng lớn ở ngoại ô Brunei. Một cảm giác rất then quen ập đến, tôi như nhớ lại những ngày đến thăm vùng rừng đặc dụng ở mũi Cà Mau, cũng trong lành và xanh ngát đến thế. Cái cảm giác dập dìu cùng sóng, những ngọn gió lướt nhẹ trên tóc cùng cái nắng 35 độ nóng hổi vùng Borneo làm tôi không sao quên được. Đôi lúc, một vài loài chim, cò mà tôi không biết tên, bay lượn tự do trên bầu trời làm người ta thấy thêm yêu mẹ thiên nhiên. Tôi tự thấy đây là một điểm cộng rất lớn cho Brunei, một tiềm năng du lịch đáng được bảo tồn và phát huy, mà họ cũng đang làm rất tốt rồi đấy thôi. Điểm nhấn chính của hành trình này là những chú khỉ mũi dài Probicis đặc hữu chỉ có thể tìm thấy ở Brunei, một dịp đặc biệt mà tôi nghĩ rất đáng, vì đã bỏ 6,5 đô la cho một chuyến đi thú vị như thế. Loài này rất linh động và nhát người, nên để nhìn thấy chúng không phải là một điều dễ dàng. Tàu phải chạy chầm chậm, luồn lách qua những rặng cây nhỏ để đến nơi sinh sống của loài khỉ, khi nhìn thấy chúng tôi, chúng liền chuyền cành bỏ chạy. Dù vậy, với dáng vẻ khá dễ thương và cái mũi dài ngoằng, tôi nghĩ mình khó mà ghét được loài này. Biểu tượng của sông Brunei còn là cây cầu dây văng loại đơn Saleha, mà theo như tôi được biết, là cây cầu lớn thứ 2 châu Á.
Gadong, The Mall vả Bảo Tàng Hoàng Gia

Hai trong số những hoạt động đặc sắc còn lại ở Brueni mà bạn không nên bỏ qua là tham quan trung tâm mua sắm lớn nhất Brunei ở quận Gadong, quận sầm uất nhất sau trung tâm Bandar Seri Begawan. Thành thật mà nói, tôi chưa từng thấy trung tâm thương mại nào đạt chuẩn ở Bandar Seri Begawan và cũng không hiểu vì sao The Mall lại được xây dựng ở một vị trí xa như vậy.

Có thể là vì sự thuận tiện với chợ Gadong cạnh bên cũng nên. Quận Gadong có thể xem là một phiên bản điển hình của một thị tứ nhỏ trong lòng mỗi quận mà tôi đang sống ở Malaysia, có nhà hàng, có cửa hàng tạp hóa, khách sạn, và cả cửa hàng ô tô. Bạn thắc mắc vì sao không có quán Bar à? Vì luật Shariah không cho phép bia rượu tồn tại ở Brunei, đồng nghĩa với việc sẽ ko có một giọt bia hay rượu nào được tìm thấy ở quốc gia này. Nhìn bề ngoài, trung tâm The Mall trông có vẻ rất hoành tráng, nhưng bên trong lại khá “thất vọng”, nếu so với những nơi tôi đã đi ở Malaysia như “Berjaya Time Square”, “Pavillion” hay “1Utama” thì The Mall chắc hẳn phải xếp cuối của cuối. Bên trong cũng như những trung tâm khác, chỉ có điều khá ít quầy hàng, các quầy đồ ăn vẫn tập trung ở tầng trên cùng.

Điều đặc biệt nhất của quận Gadong chính là chợ đêm Gadong. Đúng vậy, mọi tinh túy ẩm thực đều hiện diện tại đây. Buổi sáng, chợ là một khu chợ mua bán như bình thường, mà có lẽ là duy nhất ở Brunei; về chiều từ 3 giờ đến 1 giờ đêm, Gadong như lột xác biến thành một khu chợ đêm đông vui nhộn nhịp theo đúng nghĩa đen, với hàng loạt các hàng ăn uống giá rẻ không thể kể hết.
Từ quốc túy Nasi Katok hay Ambuyat đến những xiên gà nướng thơm lừng, mì bò viên Bakso và thứ nước xanh xanh đỏ đỏ ngọt lịm. Gía thức ăn ở đây rẻ đến nỗi khó tin, chỉ với 10 đô, bạn có thể ăn thỏa thích no căng, như cách mà tôi đã làm vậy. Việc của bạn ở đây chỉ là nhắm mắt và chọn một quầy hàng nào đó để “gửi vàng”, hương vị của món ăn ở Brunei sẽ không làm bạn thất vọng. Với khẩu vị của người Việt, thì các món ở Gadong còn dễ nuốt hơn một vài món ở Malaysia nữa. Tuy nhiên, điểm trừ duy nhất và cũng là trở ngại lớn nhất với du khách tới Gadong là phương tiện di chuyển. Nếu không muốn bị bỏ lại hoặc đi bộ 3-4km trở về trung tâm thành phố, thì bạn phải canh thời gian chuẩn xác để rời khỏi Gadong lúc 17h30 chiều, để kịp đón chuyến bus cuối cùng về thành phố, tức chỉ có 3 giờ 30 phút ở đây (trong khi đến 4h30 mói có đầy đủ các quầy hàng lên kệ). Mình đã phải cố gắng đi bộ 4km trong đêm để về đến thành phố, chỉ vì ham chơi và ham ăn, và kết quả ra sao thì các bạn đều biết rồi đấy.
Điểm đến cuối cùng, và là thiếu sót lớn nhất trong cả hành trình nếu như không đến thăm, không gì khác hơn là bảo tàng hoàng gia Brunei. Do quy định riêng, nên bên trong bảo tàng không được phép chụp ảnh hay đem bất cứ thiết bị ghi hình, ghi âm nào vào trong. Bước vào trong bảo tàng, bạn sẽ choáng ngợp trước hàng trăm hiện vật của vị vua Hassanil Bolkiah. Các vật dụng trong lễ sắc phong vương triều cho đến những món quà từ các nguyên thủ quốc gia đều hiện diện tại đây. Sự giàu có và quyền lực của quốc vương cũng hiện rõ nhất qua những bức ảnh và phim tư liệu về cuộc đời của ông. Mình không khỏi tự hào khi giữa những cổ vật và báu vật của các nước bạn Thái Lan, Lào, Singapore… là ba bức tranh thêu Chùa Một Cột, Cố Đô Huế và con Hoa Sen Việt Nam cùng một chiếc đèn dầu loại to được dâng tặng tay cho vị vua đáng kính. Rất nhiều cảm xúc ngạc nhiên lẫn thích thú mà mình khó có thể quên được khi được chứng kiến tận mắt những vật quý ấy.

Lời Kết
Nếu có ai đó hỏi mình, liệu có trở lại Brunei hay không, thì câu trả lời sẽ là có, chỉ là thời điểm thích hợp ấy chưa đến. Mình rất muốn thấy Brunei trong một diện mạo mới, lột xác và cởi bỏ đi lớp áo truyền thống bấy lâu để phô bày vẻ đẹp thật sự của đất nước. Hy vọng vào một ngày không xa, chân mình sẽ lại bước đi trên những con đường vắng của Brunei. Cuộc hội ngộ ấy với tâm thế là người bạn cũ, có lẽ sẽ không còn xa…
Saimon Tobi