Hà Nội Vào Hạ!

Khi gõ những dòng này, tôi vẫn không nghĩ sẽ có ngày được ghé thăm Hà Nội, hoàn thành mục tiêu đặt chân đến cả ba miền đất nước. Là một người con miền Tây sông nước, Hà Nội có chăng chỉ là những lời kể loáng thoáng về một thủ đô nghìn năm văn hiến xa xôi của những người dì, người hàng xóm được dịp đi thăm họ hàng hoặc đơn giản là đi du lịch. Với tôi, Hà Nội mang nhiều hơn một ý nghĩa. Hà Nội, nơi Thạch Lam vẫn hay dành trọn yêu thương cho cả sự nghiệp viết văn của ông, cũng là nơi gắn kết một phần gốc rễ mà có lẽ tới sau này, tôi vẫn không thể biết được sự thật. 

CÓ MỘT HÀ NỘI THẬT “KHÁC”

Hà Nội, đất Thăng Long nghìn năm văn hiến

“Mùa hè ở Hà Nội nóng lắm, khổ lắm, em đừng chọn mùa này!”

Bỏ qua lời căn ngăn của một chị bạn thân gốc Hà Nội, tôi vẫn hăm hở đặt một chiếc vé máy bay thật sang, xịn, mịn cho dịp sinh nhật sắp tới. Một là để ăn mừng ngày mà một năm chỉ có một lần, hai là vì túi tiền rỗng tuếch không cho tôi nhiều cơ hội lựa chọn. Hà Nội mùa hè à? Có gì lạ, tôi đã quen với cái nắng Malaysia 2 năm nay rồi, chẳng sợ – Suy nghĩ của một đứa liều ăn nhiều thật sự giúp tôi chiến thắng nỗi sợ cái nóng của Hà Nội mùa này.

Ngồi trên máy bay, cảnh vật hiện ra rõ mồn một. Thì ra đồng bằng Bắc Bộ lại đẹp như vậy, những dãy núi xa xa chắc có lẽ là dãy Tam Điệp mà tôi vẫn hay được học trong sách giáo khoa. 

Vùng ngoại ô có vẻ yên tĩnh và bình dị đến lạ. Những ngôi nhà lợp ngói đỏ cứ chạy dài san sát nhau cho đến khi khuất hẳn bởi nhà cao tầng và các công trình kiến trúc đô thị. Nhà ở miền Bắc thật sự còn giữ được nét truyền thống vậy à? Tôi nghĩ, trong lòng vẫn không thôi so sánh với những căn nhà mái tôn mái lá ở miền Tây, với đủ các loại hình dáng khác nhau chứ không được đều như ở đây.

Hà Nội một sáng mùa hè, đường phố có vẻ thưa thớt, chắc có lẽ vì thứ bảy nên mọi người chưa ra đường vội. 

Đã nghe danh 36 phố phường từ rất lâu nhưng đến bây giờ tôi mới được tận mắt trải nghiệm. Những con phố mà Thạch Lam vẫn hay nhắc đến với đủ loại thức ngon vật lạ xứ Hà Thành, giờ đây trở nên sầm uất và đa dạng chủng loại hơn, nhưng vẫn có phần nhuộm màu thời gian, rêu phong và hoài cổ.

Sáng sớm tinh mơ Hà Nội Phố

Đi giữa ma trận những con phố cổ đan xen nhau với đủ các loại hàng hoá, từ Hàng Than tới Hàng Mành, Hàng Bạc rồi lại Hàng Hòm, tôi như cảm nhận được sự bình dị trong cuộc sống của con người Hà Nội. Không vội vã, không bon chen, mọi thứ cứ thế đều đều trôi qua. Người ta ngồi uống vài cốc trà đá vỉa hè, hút vội điếu thuốc rồi kể nhau nghe chuyện đời, chậm rãi, thong dong. Đâu đó xa hơn là những bàn cờ tướng của các cụ già ngồi thưởng nghệ.

Nếu là ở Cần Thơ hoặc miền Tây nói chung, người ta sẽ chọn một quán cà phê nhâm nhi từ sáng sớm rồi lại hối hả đi làm, đi mưu sinh bất kể thứ bảy hay chủ nhật, khó mà cảm nhận được văn hoá vỉa hè như ở Hà Nội. Hà Nội khác thật nhỉ?

Không khó để nhận ra nét bình dị của những góc phố cổ Hà Nội

Điều làm tôi thích hơn cả là những hàng cây xanh che bóng mát cho khu phố cổ, như góp phần trang điểm cho 36 phố phường. Bóng mát của cây phả ra cả mặt đường làm người ta có vẻ khoan khoái và thư thả hơn, thậm chí tôi yêu luôn đoạn đường Bát Đàn vì cây che phủ gần như cả phố, át đi hẳn cái nóng dù chỉ mới sớm tinh mơ. Hè đến phủ lên cả khu phố một màu xanh tươi mát, trái ngược hẳn với mùa thu và đông Hà Nội buồn tênh mà tôi hay nghe trong câu hát “Hà Nội mùa này trời không vương nắng, phố vắng nghiêng nghiêng cành cây khô…” Chắc không có mấy ai lại đi chọn mùa nóng oi bức như thế này để thăm Hà Nội, nên cũng không thèm để ý tới màu của thiên nhiên ngoài kia.

Đoạn Đường rợp bóng cây xanh ở Phố Bát Đàn

Buổi sáng nhẹ nhàng nhường chỗ cho những tia nắng đầu ngày. Quái lạ, mới 9 giờ sáng nhưng nhiệt độ cứ như 35 độ. Trời nóng và khô, rất bức rức. Mặt đường như toả hơi nóng nhiều hơn khi lượng xe đã tăng lên trong khu phố cổ. Hàng quán mở nhiều hơn, những căn nhà cổ im lìm mới lúc nãy chợt biến mình thành những cửa hiệu bán đủ thứ hàng hoá. Đôi khi là một dãy hàng bán đồ bạc, đồ đồng, lúc khác lại thấy các tiệm bán nhang đèn xen lẫn quán bún chả, phở và bánh cuốn. Mọi thứ đều rất thật và đời, điều mà tôi nghĩ, Hội An sẽ không bao giờ có được. 

Chốc lát lại thấy những cô bán trái cây, bánh và quà vặt các loại chạy xe quanh khắp các phố, mệt quá thì dựng tạm ngay gốc cây ngoài phố làm một hơi nước, trò chuyện và lau đi những giọt mồ hôi mưu sinh. Tại sao lại không bày ra bán trước vỉa hè, sao lại phải chạy xe đạp vậy? Thời buổi nào rồi? Ồ, thì ra Hà Nội khác biệt nhỉ? Chắc đây là một nét đặc trưng riêng mà chỉ Hà Nội mới có. Người mua chỉ cần ngồi một chỗ, không cần phải di chuyển nhiều mà vẫn có đủ đầy các loại trái cây, sản vật tươi rói. Cũng chính những chiếc xe hàng rong khiến Hà Nội đời và thực hơn, ngẫm lại thì cách bán hàng này cũng thú vị, vừa mưu sinh lại vừa được ngắm cảnh phố phường tấp nập, băng qua những con phố rêu phong, cứ như một cuộc dạo chơi vậy.

Chị bạn thân đón tôi ở một con phố nhỏ cách xa trung tâm Hà Nội. Trời dần về chiều, sự oi bức của mùa hè dường như chỉ giảm được đôi chút. Vẫn cái nóng hầm hập bức rức vì thiếu gió nhưng đỡ khó chịu hơn vì mặt đường thông thoáng vùng ngoại ô. Băng qua những con đường xa lạ nơi thủ đô, được dịp ngắm nhìn thoả thích dòng xe cộ qua lại, tôi lại thấy thời gian trôi nhanh thật sự. Chỉ mới 2 tháng trước, tin tức về dịch Covid 19 khiến các thành phố trên cả nước vắng tanh vẫn còn nhan nhản, và giờ thì? Cuộc sống đã trở lại với Hà Nội, người ta vẫn sống như chưa hề có giông bão. Âu cũng cảm ơn sự hy sinh và đóng góp của những người bác sĩ đã tận tâm từng ngày, đặc biệt là ở Hà Nội, với những ca dương tính đầu tiên của đất nước.

Cuộc sống ở Hà Nội vẫn trôi qua bình dị, mặc cho sự xuất hiện của dịch bệnh

Như đã bàn trước với chị, tôi muốn được ngắm Hồ Tây khi hoàng hôn buông xuống. Ai đó đã nói rằng, chưa đến Hồ Tây thì xem như chưa đặt chân tới Hà Nội. Hồ Tây có gì thu hút đến thế? Tôi tự nghĩ. Phải, Hồ Tây rộng, rộng thật sự, rộng hơn cả cái suy nghĩ eo hẹp của tôi về Hà Nội. Để dạo một vòng quanh hồ phải mất đến cả tiếng. Ai đó nói Hà Nội là vùng đất của những cái hồ. Hồ lớn hồ bé đều có. Tôi lại nghĩ đây là một đặc quyền của người Hà Nội vì không gì thư thái hơn việc trải lòng trước mặt nước êm đềm của một hồ nước, thậm chí một người bạn khác của tôi đã thổ lộ rằng, vốn đã quen với những hồ nước ở Hà Nội nên đi đến những vùng khác cảm thấy khá bức rức vì thiếu đi đặc điểm này! 

Chiều hoàng hôn trên Hồ Tây

Hồ Tây không sâu, nhưng nhìn vào dễ nghĩ nước hồ phải đến quá đầu người. Mùa hè ban cho Hồ một phép màu! Là phép màu của những loại hoa đủ màu sắc, từ hoa phượng đỏ rực cả một góc, đến hoa Muồng Hoàng Yến. Hai màu đỏ và vàng đan xen nhau khiến Hồ Tây càng thêm đẹp trước con mắt của một lữ khách như tôi. Chiều tà, những ánh nắng cuối ngày của vùng đô thị hắt lên trên những hàng cây, những nhà cao tầng quanh hồ tạo ra một khung cảnh thật sống động. Dạo quanh hồ, chị bạn chỉ cho tôi xem từng thứ, từng thứ đặc trưng của Hà Nội, nào là hồ sen, là những ghế đá mọi người hay ngồi ngắm hoàng hôn, là những bãi cỏ thả diều, là quán cà phê với view Hồ Tây có “một không hai” và là cả những người chỉ muốn hớp trọn một bầu không khí thoáng đãng của Hồ Tây. Hồ Tây, dưới con mắt của một lữ khách, sống động hẳn lên nhờ những lời giới thiệu và câu chuyện của chị. Cứ nghĩ nếu ở Cần Thơ có một Hồ Tây rộng và mênh mông như vậy, chắc tôi cũng sẽ bỏ cả ngày, chỉ để đi dạo trước những cơn gió mát lành thôi. 

“Màu của mùa hè” trên Hồ Tây

Khó mà làm ngơ được những chiếc xe hoa dọc Hồ. Những chiếc xe hàng rong thì tôi đã thấy rồi, nhưng xe hoa à? Hà Nội có xe hoa sao? Tôi háo hức, thích thú trước những xe hoa như thế, nên cứ nói chị ấy dừng xe mà chụp ảnh. Mỗi xe hoa như là một khu vườn riêng của người bán. Hoa hồng, hoa cúc và dĩ nhiên không thể thiếu hoa sen, loài hoa chủ đạo của mùa hè ở Hà Nội.

Những xe hoa làm đẹp cho đời ở Hồ Tây

Các chị bán hoa lâu lâu lại dừng ở ven đường, tưới cho chúng một ít nước trước cái nắng nóng của mùa hè. Công việc mưu sinh có lẽ không dễ dàng gì, nhưng tôinghĩ, nhờ các chị, Hồ Tây nói riêng và Hà Nội nói chung như được vẽ thêm những màu sắc tươi đẹp, màu của thiên nhiên, của cuộc sống. Hà Nội lại khác rồi! Những bông hoa như thế chỉ có thể tìm thấy ở các tiệm hoa trên đường thôi, không ai lại đạp xe giữa đường như vậy, mấy ai mà thèm cảm nhận cái gọi là nghệ thuật chứ!

Càng đi dọc Hồ Tây lại càng thấy một Hà Nội năng động. Các bác chạy xe đạp tập thể dục, các em học sinh chơi thả diều vào ngày nghỉ hay một vài người qua đường bất chợt dừng lại chụp ảnh hồ lúc mặt trời chuẩn bị tắt nắng – những hình ảnh ấy, tôi đều cảm nhận rất rõ. Dưới cái nóng oi bức của mùa hè, việc dạo chơi Hồ Tây buổi chiều có lẽ là một ý tưởng không tồi.

Chớp mắt mà đã 6 giờ chiều. Sau những giây phút choáng ngợp với vẻ đẹp mơ mộng của hồ tây lúc hoàng hôn, chúng tôi quyết định sẽ tham quan Hồ Gươm và phố đi bộ đêm. Một điểm đến hấp dẫn mà khó có khách du lịch nào bỏ qua khi đến Hà Nội. Hà Nội, từ một thành phố cổ kính trầm mặc,  chuyển mình trở nên năng động và nhộn nhịp hơn hết, đặc biệt là ở khu vực phố đi bộ và Hồ Gươm.

Khó có thể phủ nhận rằng tôi thích cái không khí vui tươi ở khu vực phố đi bộ. Ở quê tôi, không hề có phố đi bộ. Nếu muốn đi dạo thì cũng phải đi hơn 20km lên trung tâm thành phố. Thực ra thì tôi đã từng đi phố đi bộ ở Sài Gòn nhiều lần trước đây. Nếu phố đi bộ ở Sài Gòn hoạt động theo kiểu không gian thư giãn, trò chuyện của mọi người mỗi ngày, thì phố đi bộ Hà Nội lại đa dạng và mang tính nhân văn hơn với những đội đá cầu, tập nhảy, phố sách, quán kem và các hoạt động thiếu nhi và phố bia. Ngoài ra thì khu vực phố đi bộ cũng được kéo dài rộng ra khắp các phố cổ và chỉ mở vào thứ bảy chủ nhật.

Một góc phố đi bộ về đêm

Đi dạo dọc Hồ Gươm, nhìn mọi người vui vẻ thư giãn với những hoạt động giải trí cuối tuần mà tôi cũng vui lây. Hà Nội không còn trầm tư, mà thực sự trở thành một người mới. Người bạn mới này như muốn chứng tỏ rằng, Hà Nội cổ kính trầm tư nhưng không kém phần năng động và nhiệt huyết. Cái nóng của mùa Hạ cũng không thể cản được bước chân của những người trẻ hoà vào nhịp thở sôi động của Hà Nội về đêm. Những cây kem cốm tràng tiền ngon ngọt hay những ngọn đèn xanh đỏ từ các quán cà phê dọc khu phố, tất cả làm cho tôi nhớ lại cái cách mà bé Liên nhớ về những ngày hè đầy màu sắc của Hà Nội.

Đời sống về đêm ở Hà Nội

Cho đến nửa đêm, mọi thứ dường như lắng lại thì đâu đó giữa lòng phố cổ là những chén chú chén anh hoà cùng tiếng nhạc xập xình ở phố bia Tạ Hiện. Phố bia như một điểm sáng duy nhất của những người muốn tìm niềm vui xuyên đêm ở khu vực phố cổ.

Phố bia Tạ Hiện

Tôi thật sự không thích sự ồn ào, nên chỉ đi bộ quanh các phố nhỏ gần đó. Đêm muộn ở Hà Nội lại là trải nghiệm “khác”. Tĩnh lặng, trầm mặc – Hà Nội lại trở về con người của chính nó. Những ánh đèn vàng mờ nhạt càng làm không khí thêm phần cô quạnh. Nhưng trong cái sự cô liêu của màn đêm, tôi lại cảm thấy dễ chịu và nhẹ nhàng. Một ngày dài đã qua, cái “khác biệt” của Hà Nội tôi cũng đã trải nghiệm qua, và dần chấp nhận sự thú vị thông qua những khác biệt ấy. Về đến nhà, đồng hồ đã điểm 11.30 đêm. Bọn tôi chia tay nhau, cũng không biết khi nào mới gặp lại chị. Cảm ơn chị vì đã cho em thấy một Hà Nội giống như tưởng tượng. Một ngày mới lại sắp bắt đầu. Ngủ ngon nhé, Hà Nội!

Hà Nội thật êm đềm khi đêm xuống

Hà Nội! Chứng Nhân Lịch Sử

Có lần tôi đọc ở đâu đó, nói rằng “Người Hà Nội, ngoài việc vẫn coi trọng sự tinh tế trong ẩm thực, thì không ai là không tự hào bề dày lịch sử nghìn năm văn hiến”

Có thể nói, vị thế kinh thành Thăng Long khi xưa đem lại cho Hà Nội nhiều thăng trầm lịch sử. Từ những ngôi nhà trong phố cổ, cho đến các miếu tự, đền đài…đâu đâu cũng in hằn dấu vết của thời gian.

Lấy Hồ Gươm làm một ví dụ. Toạ lạc ngay trong trung tâm thủ đô là nơi vua Lê Lợi trao trả gươm báu cho rùa thần. Dù chỉ là truyền thuyết không chứng cứ, nhưng ở Hà Nội, Hồ Gươm như một báu vật linh thiêng minh chứng cho sự linh diệu của vùng đất văn hiến.

Ai mà biết được tháp rùa trước đây có phải là nơi ẩn mình của cụ rùa thần hay xưa không. Niềm tin yêu của người dân Hà Nội lại càng sâu sắc hơn khi những phát hiện về cụ rùa nghìn tuổi vẫn luôn được người ta kháo nhau những năm gần đây.

Hồ Gươm, biểu tượng của Hà Nội

Bắc ngang hồ là cầu thê húc sơn son nổi tiếng mà tôi đã từng được học trong một bài thơ nào đó thời tiểu học. Chiếc cầu đỏ vừa là điểm nhấn cho hồ, vừa là cánh cổng dẫn đến một di tích khác cũng thiên liêng không kém – Đền Ngọc Sơn. Từ đền có thể nhìn ra trọn khung cảnh Hồ Gươm, một vị trí đắc địa mà có lẽ ai cũng ao ước có được. Nhưng trên chính mảnh đất ấy, là một di tích mang tầm ảnh hưởng văn hoá phương bắc. Khuôn viên đền không rộng, nhưng lại không ngợp. Bước đi trong đền, người ta dễ cảm thấy lòng mình bình yên hơn. Chốn tâm linh lịch sử đã trải qua mấy nghìn năm thăng trầm cùng Hà Nội, lý nào lại là một ngôi đền tầm thường. Những tiêu bản của các cụ rùa đã khuất được đặt trang trọng trong đền dễ khiến người ta liên tưởng tới một vùng đất địa linh nhân kiệt mà Lê Lợi đã từng dạo chơi.

Cầu Thê Húc dẫn vào đền Ngọc Sơn

“Ở Hà Nội có tứ trấn em có biết không?”

Câu nói của chị bạn đi cùng khiến tôi không khỏi ngạc nhiên. Hà Nội là vùng đất lịch sử, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ, giữa lòng thủ đô lại có nhiều di tích lịch sử tâm linh như vậy, những “tứ trấn”. Nghe có vẻ hoành tráng.

Đền Quán Thánh là một trong bốn ngôi đền linh thiêng ấy. Thoạt nhìn, tôi không nghĩ rằng ngôi đền này lại được nhiều người ca tụng như vậy. Đền nằm ngay đường Thanh Niên, lại còn đối diện với Hồ Trúc Bạch và Hồ Tây nên không thể không chú ý đến, đặc biệt là cổng vòm màu trắng có phần riêu phong hoài cổ. Kiến trúc đền miếu của miền Bắc khác hẳn Việt Nam. Nếu thông thường ở miền Nam, đền chùa dùng để thờ các vị thành hoàng và các vị phật, la hán thì đền miếu ở miền Bắc thiên về các vị thần trong văn hoá tín ngưỡng nhiều hơn. Chí ít thì đi qua vài ngôi đền và chùa thì tôi thấy vậy. Một điều đặc biệt nữa là những ngôi đền này thường được treo cờ cổ truyền Việt Nam, trong khi đa số các đền chùa miền Nam tôi không thấy treo cờ, hoặc chỉ là cờ phật giáo. Bên trong khuôn viên là hai hàng đại cổ thụ áng ngữ trước gian điện chính. Trước mắt vẫn là ngọn cờ cổ truyền đủ màu sắc.

Đền Quán Thánh

Không gian đền tuy nhỏ, nhưng lại bình yên và tĩnh lặng đến lạ. Ngồi một chút quan sát kiểu kiến trúc của những ngôi đền còn giữ được dáng vẻ mộc mạc cho đến tận ngày nay, tôi lại hiểu vì sao người Hà Nội luôn tự hào về mảnh đất của họ. Ngoại trừ Huế thì Hà Nội có lẽ là nơi duy nhất ở Việt Nam còn giữ được nhiều di tích tâm linh và lịch sử như vậy.

Đi giữa Hà Nội như đi giữa lịch sử Việt Nam, đâu đâu cũng thấy những giá trị văn hoá truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc Việt.

Là một đứa không hề thích lịch sử, tôi vẫn phải trầm ngâm thú vị trước những giá trị văn hoá và thời gian mà những di tích ở Hà Nội vẫn còn giữ được. Âu cũng là do cái tài của người Hà Nội đấy thôi. Công cuộc dạo chơi những chứng tích của thời gian vẫn chưa dừng lại. Ở Hà Nội, có quá nhiều điểm tham quan mà bạn không thể nào đi hết chỉ trong 1,2 ngày. Đặc biệt là những người từ miền trong đến. Sự khác biệt về văn hoá hai miền trong một thời gian dài khi đất nước bị chia cắt bởi những cuộc chiến tranh từ thời chúa Trịnh Nguyễn cho đến bọn thực dân, thực sự khiến mọi thứ ở Hà Nội, đối với tôi, thật lạ lẫm.

Nào là chùa Trấn Quốc đẹp không kém gì tranh vẽ, rồi lại còn hoàng thành Thăng Long. Có lẽ đối với người Hà Nội, chuyện sống chung với nhiều di tích cổ đã là một thói quen không có gì để nhắc. Nhưng đối với kẻ lạ như tôi, điều này như kiểu bạn đang ngồi trên một ngai vàng, mà ở đó, mỗi một nét chạm khắc là một di tích để hình thành nên tổng hoà của một thành phố cổ kính và hoài niệm như Hà Nội.

Cảnh đẹp như tranh vẽ ở chùa Trấn Quốc

“Ô, thì ra đây là trường đại học đầu tiên của Việt Nam”, vẫn là tôi, nhưng với một nét phấn khích không thể tả khi được đến tham quan Quốc Tử Giám, nơi vẫn được in trên tờ tiền 100.000 đồng mà có lẽ, cũng chẳng mấy ai quan tâm nếu chưa một lần đến thăm Hà Nội.

Quốc Tử Giám, ở một khía cạnh nào đó, không chỉ là niềm tự hào về nền giáo dục lâu đời Việt Nam và Hà Nội nói chung, mà còn là nơi gửi gắm ước mơ của các bạn học sinh nói riêng. Ngôi trường này mang đậm nét nho giáo, nhưng vẫn uy nghiêm và bề thế, xứng đáng với danh hiệu ngôi trường cổ nhất Việt Nam. Tôi rất thích tạo hình của Khuê Văn Các trong Văn Miếu, nó như lột tả được thần thái của cả công trình, hoặc chí ít là một cánh cửa chào đón sĩ tử đến với sự thành công và danh vọng. Sự nổi tiếng và linh thiêng của Văn Miếu lớn đến mức rất nhiều học sinh hàng ngày đều ghé thăm di tích. Các em không quên mang về cho mình những tấm bùa cầu danh vọng. Biết bao nhiêu người đã đến Văn Miếu chiêm bái, cầu mong con em của mình công thành doanh toại. Một nét đẹp tôn sư trọng đạo mà tôi rất thích ở người Hà Nội vì khó mà thấy cảnh học sinh đi vãn chùa, đền miếu để cầu học vấn ở miền nam.

Và nếu đã đến Hà Nội, mà bạn chưa từng ghé thăm Cầu Long Biên thì kể ra cũng là một điều đáng tiếc.

Chiếc cầu sừng sững hiên ngang từ thời chống pháp, trải qua bao mưa bom vẫn tồn tại giữa lòng Hà Nội. Cầu Long Biên, với tôi, là những dấu ấn sâu đậm về một bài văn trong sách giáo khoa mang tên “Cầu Long Biên, Chứng Nhân Lịch Sử”. Thành thật mà nói thì với tuổi đời của một cây cầu như thế, người ta không khỏi ngạc nhiên khi nhiều năm sau “giông bão”, kiến trúc công trình vẫn trụ vững với thời cuộc, mặc cho ít nhiều hư hại và hỏng hóc vẫn đang từng ngày đe doạ công trình này. Thời tiết mùa hè Hà Nội dịu dần vào chiều tối nhưng những cơn gió thổi qua cầu, lồng lộng và mát lạnh, như khiến con người ta quên đi một chút cái nóng còn sót lại buổi chiều tà.  Mặt trời lặn dần sau những dãy nhà cao tầng bên phía quận Hoàn Kiếm. Ngược lại, phía bên kia cầu là những căn nhà tạm bợ, chấp vá, có phần cũ kỹ như cây cầu ngay phía trên chúng vậy.

Cầu Long Biên một chiều hoàng hôn

Đi từ bên đây cầu qua bên kia cầu có lẽ phải mất đến hơn 40 phút. Vừa đi vừa ngắm nhìn lũ trẻ bơi dưới sông Hồng, con sông huyền thoại gắn liền với vùng đồng bằng màu mỡ miền bắc, lại thấy cuộc đời có chút lặng. Hoàng hôn càng ngày càng đẹp, hoàng hôn ánh lên phía trên cầu. Cầu Long Biên đã bao lần chứng kiến hoàng hôn nhuộm đỏ bầu trời, nhưng bao nhiêu trong số đó là khoảnh khắc thả hồn vào mây trời để gió cuốn đi? Hay là những bom đạn, những nỗi đau, mất mát của người dân thủ đô trong suốt chiến tranh và kể cả đến bây giờ? Khói lam chiều từ những ruộng ngô xa xa bay khắp trời, hoà vào màu đỏ đặc của mặt trời lúc chiều tà. 

Khói lam chiều nhuộm đỏ cầu Long Biên

Tôi chợt nhận ra, chiếc cầu vẫn đứng đó, chứng kiến bao đổi thay của Hà Nội, từ một vùng đất bị đô hộ, chuyển mình thành thủ đô của đất nước. Cầu Long Biên những tưởng đã chứng kiến đủ mọi nỗi đau của người Hà Nội lúc xưa, vậy mà bây giờ, lại phải chứng kiến sự khác biệt có phần đáng buồn của những mảnh đời xung quanh nó. Những con người sống tạm, trong những căn nhà không biết khi nào sẽ sập, hằng ngày mưu sinh để bám víu lấy cuộc đời mong manh ở vùng đất này.

Cuộc đời họ lấy cầu làm niềm vui, lấy hoàng hôn trên cầu làm cảnh đẹp. Sâu trong những ánh sáng cuối cùng của ngày, là dòng người vội vã tan sở, là những cặp đôi tranh thủ một buổi chiều mát mẻ hiếm có của mùa hè, thủ thỉ với nhau những ngôn từ nhẹ nhàng trên chiếc cầu vĩ đại, là những ông bố, bà mẹ đưa con đi chơi, đi ngắm nhìn “đời” vẫn luôn diễn ra ko ngừng nghỉ xung quanh cây cầu.

Tôi cũng không biết khi nào rồi thì người ta sẽ quên chiếc cầu vốn đã trở thành một biểu tượng gắn liền với đất Hà Thành. Nhưng có lẽ khi cầu bị dỡ đi, không chỉ là lúc nó hoàn thành nhiệm vụ của tôi, mà còn là cả những dấu chấm hết cho phận người sống dưới cầu. 

Cầu Long Biên thật khiến người ta phải trầm trồ trước những gì nó đã đem đến cho người Hà Nội.

Thế là tôi đã đi hết một vòng Hà Nội cổ kính rồi à?

Khoan đã, còn thiếu thiếu gì ấy…Phải rồi, vẫn còn Lăng Chủ Tịch cơ mà. Ai đi Hà Nội mà chẳng ghé lăng chủ tịch. Ấy vậy mà tôi lại không có may mắn được ngắm bác bằng xương bằng thịt. Từ nhỏ, những câu chuyện về Bác vẫn được lưu truyền và ghi lại rất nhiều. Điều đó càng khiến tôi phải đến thăm Lăng Bác một lần. Dù đã cố gắng “canh giờ” nhưng có lẽ vì dịch Covid nên cửa lăng không mở trong mùa này. Tiếc, rất tiếc, nhưng tôi vẫn quyết định đi hết các ngõ ngách của khu tưởng niệm chủ tịch. Cái nóng của Hà Nội vào mùa hè không thể cản nổi bước chân của những người con miền nam ra thăm lăng bác. Từ khuôn viên nhà sàn cho đến ao cá, tất cả đều được mô phỏng rất rõ, nhằm giúp mọi người hiểu hơn về cuộc sống của bác trước đây.

Một trong những phiên đổi lính gác tại Lăng Bác

Bên trong khuôn viên còn có bảo tàng lưu niệm Hồ Chí Minh cũng như Chùa Một Cột, một cái tên mà có lẽ ai cũng biết. Chùa một cột không hoành tráng như tôi nghĩ, nhưng sự khác lạ của nó khi toạ lạc ngay trong khuôn viên lăng, có lẽ là điều khiến người ta cảm thấy thích thú.

Vì thời gian không có nhiều nên tôi không cảm nhận rõ được khu vực Lăng Bác và Quảng Trường Ba Đình, nhưng chắc chắn trong lòng tôi vẫn còn cảm nhận được những ký ức hùng hồn về bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam năm đó. Hẹn một ngày không xa, tôi nhất định sẽ có cơ hội được vào bên trong lăng, để được một lần nhìn tận mắt người đã có công rất lớn với đất nước

Tinh hoa ẩm thực Hà Nội

Tôi đến Hà Nội với những ý niệm về một nền ẩm thực mang đủ phong vị mà Thạch Lam đã không ngớ lời khen ngợi. Ẩm thực Hà Nội là những món ăn đặc sắc lâu đời và đầy hương vị của từng mùa trong Hà Nội Băm Sáu Phố Phường.

Nem chua rán và sữa chua mít
Cà phê trứng Giảng nổi danh
Nộm Long Vi Dung giữa phố cổ

Có thể nói, ẩm thực Hà Nội phân biệt rõ rệt theo mùa. Mùa Hè người ta sẽ chuộng những món mát lạnh, giải nhiệt cho những ngày nóng oi bức. Mùa thu là mùa của lúa non, mùa của những món làm từ cốm, một món ngon dân dã mà tôi mãi không quên. Vậy còn mùa đông? Còn gì thoã mãn hơn một cốc cà phê trứng ấm áp hay một cái bánh giò nhân thịt nóng hay hảy giữa tiết trời se lạnh.

Phải công nhận rằng, người Hà Nội xem ẩm thực là một tinh tuý của cuộc sống và có những cách thưởng thức ẩm thực khác nhau. Nếu các món ăn ở Sài Gòn mang hơi hướng đơn giản và nhanh gọn, thì ở Hà Nội, mỗi món đều mang một sắc thái khác nhau, chủ yếu là cách nấu khéo léo và yêu cầu nhiều hương liệu để tạo ra một món ăn độc đáo.

Lấy phở làm ví dụ. Phở ở Hà Nội, nếm một miếng đã cảm thấy bùng nổ về vị giác. Nước dùng rất rõ các  hồi, huế. Nưỡ hầm xương bò được ninh kỹ và thường là theo các phương thức gia truyền mà không nơi nào giống nơi nào. Phở nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam, mà còn vươn ra thế giới, trở thành món ăn không thể thiếu ở nhiều nhà hàng Việt, điều này thì chắc hẳn ai cũng biết

Phở Bát Đàn Hà Nội

Dù không thích phở, nhưng tôi phải công nhận rằng phở Hà Nội ngon. Ngon theo cái kiểu một du khách miền nam lần đầu được ăn một món tưởng lạ mà quen. Không tương ớt, tương đen, không chanh và giá, quế… Phở Hà Nội là những gì đơn giản nhưng tinh tế nhất của Thủ Đô.

Nếu đã nói đến Phở thì không thể thiếu bún chả. Món ăn từng một thời làm mưa làm gió trên các trang tin tức quốc tế với sự kiện tổng thống Obama ghé một quán bún chả có tiếng để thưởng thức.

Biết đến bún chả đã lâu, nhưng tôi không có nhiều khái niệm về món ăn này, cho đến khi chuyến đi Hà Nội được manh nha. Vài lần ăn bún chả ở Cần Thơ không thể nói hết được cái tinh hoa ẩm thực mà người Tràng An dành cho món ăn này.

Bún Chả Hàng Than

Bún Chả được tôi đánh giá là món ngon nhất trong số tất cả các món mà tôi được thưởng thức ở thủ đô, bên cạnh xôi xéo. 

Nếm một miếng chả thơm lừng mới nướng với than hoa, cảm giác như được đắm chìm trong hương vị. Vị mặn của nước mắm, mùi thơm không lẫn vào đâu của chả và cả các loại rau tươi, tất cả hoà quyện lại, không quá ngán nhưng rất vừa miệng. Ai đó khuyên rằng, nếu thêm tỏi băm và một chút ớt vào tô nước mắm thì hương vị lại càng đậm đà hơn. Thế là tôi cũng hiểu vì sao bún chả lại nổi tiếng như vậy.

Thú vui ăn bún chả còn nằm ở việc đa số các quán bún chả đều là quán bình dân. Trong các ngõ, các hẻm ở khắp Hà Nội, không khó tìm một quán như bún chả Hàng Than, bình dị nhưng ngon lành không thể cưỡng.

Và xôi Hà Nội cũng nên góp mặt trong danh sách các món ăn đặc sắc của Hà Nội. Ăn xôi vào mùa hè? Có vẻ như xôi nóng thích hợp để ăn vào những buổi sáng chớm lạnh ngày mùa đông ở Hà Nội. Một bát xôi nóng hổi xua tan đi cái lạnh thì hẳn ai mà không thích. Nhưng tôi lại ăn xôi vào mùa hè, dù có chăng là một ngày hè trời nắng đổ lửa. Nhưng dù vậy, cái vị beo béo của pa tê, bùi bùi của hành phi và cả mằn mặn của chà bông, như khiến người ta quên đi cái nắng nóng như thiêu như đốt ngoài kia vậy. Món xôi thập cẩm do nhiều loại nguyên liệu hình thàn nên, nhưng rõ ràng, vị xôi rất hài hoà mà không bị tách biệt. Có lẽ là nhờ đậu xanh, một nét riêng biệt mà ta rất dễ nhận ra khi so sánh với xôi miền nam. Tôi chưa từng nghĩ rằng xôi mà ăn với thịt và đậu xanh lại bùi, béo và ngon lành đến vậy. Vậy là giờ đây đã yên vị ở Sài Gòn mà lòng vẫn nhớ đến món xôi ngày ấy. Tiếc là ở Sài Gòn tìm mãi cũng không tìm được một quán xôi Hà Nội nào ngon như xôi Yến

Xôi Yến

“Hà Nội không vội được đâu” – Tôi vẫn nhớ mãi câu nói này ở đâu đó trên mạng như một trào lưu. Và quả thật là ở Hà Nội, muốn thưởng thức đủ đầy các hương vị của đất thủ đô thì điều đầu tiên là bạn cần phải kiên nhẫn. Kiên nhẫn để tìm ra những hàng quán mà chỉ người Hà thành mới đến ăn hàng ngày, kiên nhẫn để có thể thưởng thức một ly chè mát lạnh ngay bên đường giữa lúc tưởng chừng như gục ngã giữa cái nóng của mùa hè ở Hà Nội.

Nói đến chè thì ôi thôi, Hà Nội có vô vàn thứ chè ngon lạ mà nhìn chung qua, có vẻ không có khác biệt mấy với miền Nam. Nhưng không, chè Hà Nội có vị thanh, ngọt nhẹ và mát hơn hẳn so với miền nam. 

Cốc chè ở trên đường Bát Đàn vẫn khiến tôi xuýt xoa mãi không thôi, chỉ cần một ly chè lạnh, phủ đầy các loại topping như chân trâu, dừa nạo, thạch các loại và hạt sen kèm vài viên đá là đã đủ khiến bạn cảm thấy mát lạnh ngay lấp lự.

Một cốc chè cho mùa hè ở Hà Nội

Cái nóng của mùa hè Hà Nội như tan biến đi khi tôi vừa nhấm nháp những thìa đầu tiên. Dưới bóng của những tán cây đại thụ, ngồi thưởng thức một ly chè thập cẩm và ngắm nhìn đường phố ngày thứ bảy thật thi vị và thư giãn một cách kỳ lạ.

Và cuối cùng, Hà Nội của bé Liên không thể thiếu những que kem mát lạnh đủ màu sắc ngày hè. Đến Hà Nội, sẽ thật thiếu sót nếu không ghé qua hàng kem Tràng Tiền. Kem Tràng Tiền có mặt tại Hà Nội từ rất lâu rồi, nhưng nó vẫn là thức quà được nhiều người Hà Nội yêu thích, đặc biệt là vào mùa hè. Mỗi que kem chỉ khoảng 12.000 nhưng lại là một thức quà gì đó rất Hà Nội. Vẫn là vị cốm khiến tôi thích  thú nhất. Mùi thơm của cốm dễ làm người ta cảm thấy thoả mãn trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Cốm được thêm vào vị của kem, lại càng trở nên thú vị hơn. Chẳng trách đây là vị mà hãng kem trên con phố Tràng Tiền bán chạy nhất.

Kem Tràng Tiền

Để kế hết về ẩm thực Hà Nội thì không biết phải dùng biết bao nhiêu cung bậc cảm xúc để miêu tả. Đối với một đứa miền nam như tôi, ẩm thực Hà Nội thật sự rất đặc sắc. Mỗi một món ăn không chỉ mang sự tinh tế của người Hà Thành mà còn là mang theo sự tự hào của một nền ẩm thực vang danh cả nước. Có lẽ nhiều người sẽ không thích các món ăn ở đây, nhưng với tôi, được ăn những món ngon Hà Nội ở đây có lẽ là một niềm hạnh phúc nho nhỏ vậy.

Hà Nội những ngày hè như vậy đó. Có chút vội vã của mọi người để tránh cái nóng gay gắt, có chút thi vị của những buổi chiều hoàng hôn đỏ rực, và cuối cùng là có cả những cảm xúc chân thành và mộc mạc của một đứa lần đầu tiên được đặt chân đến mảnh đất này. Tôi sẽ còn trở lại Hà Nội nhiều lần nữa, để có thể cảm nhận rõ hơn những mùa khác nhau của thủ đô.

Cám ơn Hà Nội đã cho tôi một mùa hè thú vị đến thế!

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s