Review du lịch Ai Cập hậu COVID

Ai Cập, miền đất sử thi, món quà của sông Nile, hay xứ sở của xác ướp, đều là những danh xưng nổi tiếng của một quốc gia đã quá quen thuộc với tất cả mọi người trên thế giới. Là một trong những quốc gia mở cửa hậu COVID sớm nhất toàn cầu (7/2020), việc du lịch Ai Cập hậu COVID (5/2022) không còn là điều khó khăn ngoài sức tưởng tượng. Mình hy vọng những thông tin của mình sẽ hỗ trợ được các bạn phần nào thông tin khi đến Ai Cập sắp tới.

Tổng quan một chút về những điều cần nắm khi đi Ai Cập:

  • Chui điện tròn 2 chấu giống Việt Nam nên vô tư không cần phải mua chuyển đổi ạ
  • Không dùng vòi xịt mà dùng giấy (hết 5/6 chỗ mình ở không có vòi xịt)
  • Thang máy thùng kiểu thập niên 80 trong phim, cửa mở bằng tay và là cửa một bên
  • Sân bay hoặc mall đều quét hành lý và làm khá căng, quét 2-3 lần nên các bạn cũng chú ý
  • Không đc chụp ảnh các nơi gần khu quân sự vì sẽ bị bắt xoá đi
  • Thứ 6 và thứ 7 là ngày nghỉ cuối tuần – Chủ Nhật làm việc bình thường – Thứ 6 đi cầu nguyện buổi trưa sẽ đóng cửa hàng quán
  • Có 2 tôn giáo chính là đạo Hồi và Cơ Đốc, tuy nhiên mình không thấy có chỗ bán thịt heo (lợn) nên đồ ăn sẽ toàn là gà, cừu, bò và bồ câu – Bò đối với mình rất rất hôi nên không ăn được. Đồ ăn đa phần mặn và chua.
  • Có thể book xe qua app Careem có tiếng Anh nhưng tài xế thì không nói tiếng Anh hoặc nói chút chút, giá fix và khá rẻ, thông thường 40-50 pound 1 chặng 4,5km. Biển số xe viết bằng tiếng Ả Rập nên mọi người lên Google xem trước số Ả Rập để nhớ
  • Nước khoáng có ga rất nhiều ga luôn
  • Không nói chuyện hoặc làm lơ với mấy người bán hàng lưu niệm để tránh Scam
  • Họ thường không có tiền lẻ hoặc có nhưng ít dùng vì vậy bạn sẽ thường phải bo số dư cho họ, đơn vị tiền lẻ từ 5 Pound trở xuống
  • Thời gian các điểm đến vắng khách là từ 6h sáng đến 9h sáng nên làm gì làm phải thức giờ này để đi, tránh bị ngộp trong biển người
  • Book vé xe bus qua app TazcaraGo Bus/Blue Bus – nếu đi Siwa thì chỉ có 1 chuyến duy nhất mỗi ngày của West & Mid Delta và đặt được trên Tazcara – trả bằng Visa. Còn các chặng khác có thể book Go Bus/Blue Bus. Đặt vé tàu hoả bằng web của đường sắt AC tại đây , chỉ mở trước 15 ngày và trả bằng visa, phải tạo tài khoản – lưu ý chụp ảnh lại thông tin sau khi thanh toán vì không gửi vé về email

Thời Gian Đi Ai Cập Hợp Lý

Nằm giữa sa mạc Sahara nên Ai Cập hầu như là nắng nóng quanh năm. Tuy nhiên thì vào mùa đông và xuân, thường bắt đầu từ khoảng tháng 11 cho đến đầu tháng 5 năm sau, thời tiết sẽ dịu mát hơn và có khi lạnh nữa. Nên đây là thời gian thích hợp nhất để đi Ai Cập.

Mùa đông thường sẽ đông khách và lạnh hơn mùa xuân một chút. Còn mùa xuân thì dễ có bão cát hoặc bụi mịn nhưng bù lại thì vắng khách hơn. Ngoài ra thì thông thường mùa xuân sẽ trùng vào dịp lễ nhịn ăn Ramadan của người đạo Hồi nữa nên các bạn có thể cân nhắc chọn ngày để không trúng lễ này, vì các nhà hàng sẽ đóng cửa, chỉ có nhà hàng của người theo đạo Cơ Đốc là mở cửa, thời gian thăm thú các di tích cũng thoải mái hơn.

Càng đi về phía Nam của Ai Cập thì sẽ càng nóng, nóng khô chứ không nóng ẩm, luồng nhiệt cực kỳ khó chịu vào buổi trưa nên mình khuyên mọi người chịu khó thức sớm khoảng 6h sáng đi chơi cho đã rồi 10,11h về nghỉ trưa, chiều 4h lại đi tiếp

Trải nghiệm thực tế từ 7/5/2022 – 17/5/2022

Cairo phía Bắc : 23 độ (sáng sớm) – 30 độ (trưa) – 26 độ (tối)

Giza phía Bắc: 19 độ (sáng sớm) – 26 độ (trưa) – 24 độ (tối)

Marsa Matrouh phía Bắc: 17 độ (sáng sớm) – 23 độ (trưa) – 18 độ (tối)

Ốc đảo Siwa phía Bắc: 18 độ (sáng) – 25 độ (trưa) – 21 độ (tối)

Aswan phía Nam: 19 độ (sáng sớm) – 41 độ (trưa) – 32 độ (tối)

Luxor phía Nam: 20 độ (sáng sớm) – 37 độ (trưa) – 30 độ (tối)

Để cập nhật thời tiết Ai Cập thì mọi người có thể dùng app điện thoại hoặc Accureweather. Và có thể qua xem trang của cục khí tượng Ai Cập tại đây (dùng google dịch vì họ dùng chữ Ả Rập)

Chặng Bay

Hiện tại, theo mình được biết thì các chặng bay từ Việt Nam chỉ có Emirates, Egypt Air hoặc Saudi Arabia Air khai thác, quá cảnh ở Dubai – Bangkok – Jeddah (có thể có các hãng khác, mọi người nên check) vé máy bay tụi mình săn là 13,5 triệu khứ hồi của Emirates – săn trước 4 tháng nhưng mình không bay từ Việt Nam (bay từ Kuala Lumpur – Malaysia).

Tàu bay hãng Emirates chặng KUL – DXB (Kuala Lumpur – Dubai) khá êm ái

Nếu bay từ Việt Nam, tốt nhất các bạn nên săn vé sớm, hoặc di chuyển qua một nước thứ 3 như Thái Lan/Malaysia vì có nhiều đường bay đa dạng hơn. nếu không nhập cảnh Dubai mà chỉ chờ ở phòng chờ nối chuyến thì KHÔNG CẦN VISA quá cảnh – chỉ cần qua khu Connection Flight, quét an ninh 1 lần rồi đi xuống cổng chờ boarding chuyến Dubai – Cairo

Về suất ăn thì Emirates cho bọn mình ăn 2 bữa trong chuyến KUL – DXB và 1 bữa trong chuyến DXB – Cairo. Đồ ăn khá ổn, có cả tráng miệng nữa, đặc biệt là được xin sữa hoặc nước ép trái cây không giới hạn.

Một bữa ăn của Emirates chặng DXB – CAI

Trong chặng nội địa thì các bạn có thể tham khảo Egypt Air hoặc Nile Air. Bọn mình bay 2 chặng : Cairo -> Aswan với giá 80$ và Luxor -> Cairo giá 62$. Hãng này thì khá cũ và chỉ cho mỗi chai nước lọc Siwa để uống, bù lại chưa thấy delay và bay tầm thấp nên bạn có thể ngắm sông Nile nếu ngồi phía bên trái khi đi chặng Cairo – Aswan – tuy nhiên thì cửa sổ bị trầy nên không thấy rõ lắm. Các bạn có thể book thẳng trên web và trả bằng thẻ Visa thanh toán quốc tế.

Visa Du Lịch

Việt Nam chưa được miễn Visa đi Ai Cập. Ở Việt Nam, theo thông tin mình biết được thì để xin visa Du Lịch Ai Cập, các bạn phải chứng minh tài chính (đâu đó 100k VND), giấy phép xin nghỉ và giấy xác nhận nhân viên, hợp đồng, lịch trình, booking khách sạn… để nộp lên Lãnh Sự Quán ở Hà Nội. Còn bạn nào ở Malaysia thì chỉ cần visa cư trú ở Malaysia còn hạn 6 tháng (Visa mình chưa tới 6 tháng vẫn pass), lịch trình, đơn xin visa, ảnh và xong đóng 1,5tr (chát hơn mua visa thẳng tại quầy ở sân bay) 2 tuần có visa. Hạn visa của mình được ở 3 tháng và là Visa single. Bạn có thể xem thêm review về cách xin visa du lịch ở Malaysia tại đây.

Visa Du Lịch Ai Cập

Khi đến và đi khỏi Ai Cập, bạn sẽ phải điền vào phiếu nhập cảnh, thông tin điền rất dễ và hãng bay sẽ phát cho bạn

Phiếu nhập cảnh Ai Cập của Emirates

Lịch Trình

Ai Cập có rất nhiều điểm để đi, để liệt kê hết thì rất nhiều nhưng thông thường mọi người sẽ chọn các địa điểm ngẫu nhiên để hợp thành 1 cung, trong các điểm đến sau đây, mình khuyến khích mọi người đi Ai Cập từ khoảng 10 ngày đến 3 tuần để có thể cảm nhận rõ nhất đất nước này.

Thủ đô Cairo và thành phố Giza: thủ đô và kim tự tháp, nhân sư

Thành phố Luxor: thung lũng vua, thung lũng hoàng hậu, đền Luxor, đền Kanark, đền Hatshepsut, khinh khí cầu bình minh, Felucca ngắm sông Nile hoặc du thuyền

Thành phố Dendera: Đền Dendera

Thành phố Kom Ombo: đền Kom Ombo

Thành phố Aswan: đền Philae, núi Qubbet el-Hawa ngắm Aswan, đền Abu Simbel, Felucca ngắm sông Nile, Botanical Garden, đảo Voi, làng người Nubia, công viên Feryal

Thành phố Sharm Er Sheik: resort biển và núi Sinai, nhà thờ thánh Catherine

Thành phố Hurgadah và Dahab: các hoạt động biển, lặn biển và đảo

Thành phố Suez và Port Said: thăm kênh đào Suez

Siwa Oasis: ốc đảo Siwa gồm đền thần Amun, pháo đài Shali, hồ muối, hồ tắm Cleopatra, hồ nước nóng, cắm trại ở đại sa mạc, đón hoàng hôn ở đảo Fatnat, núi của người Chết

Thành phố Marsa Matrouh: thành phố biển giáp Địa Trung Hải gồm bãi biển Cleopatra, bãi Ageeba, Sea’s Eyes và các bãi biển trong trung tâm tp

Thành phố Alexandria: Thư viện Alexandria và pháo đài Alexandria

Lịch tham khảo mà mình đã đi trong tháng 5/2022 với 11 ngày 10 đêm

D1: Kuala Lumpur -> Cairo (Emirates) -> Aswan (Egypt Air) -> Núi Qubbet el-Hawa

D2: Aswan -> Philae Temple – công viên Feryal ngắm sông Nile – Felucca ngắm sông Nile

D3: Aswan -> Abu Simbel (tour) -> Luxor (tàu hoả)

D4: Luxor -> Tour khinh khí cầu -> Thung lũng Vua + đền Hatshepsut -> Đền Luxor đêm

D5: Đền Karnak -> Cairo (Egypt Air) -> Quảng trường Tahir -> Siwa (bus)

D6: Siwa -> pháo đài Shali -> Hồ tắm Cleopatra (xe đạp) -> Đền Amun (xe đạp)

D7: Siwa -> Hồ muối (Tuk tuk) -> hồ nước nóng -> hồ tắm Cleopatra – đảo Fatnat – núi của người chết -> Marsa Matrouh (bus)

D8: Marsa Matrouh -> bãi biển Cleopatra -> bãi Ageeba -> Giza (bus)

D9: Giza -> Quần thể kim tự tháp -> Mall of Egypt -> Light show Giza (free)

D10: Cairo -> Citadel Cairo (bảo tàng + nhà thờ Mohammad Ali) -> City Star Mall -> Chợ Khan El Khali

D11: Về lại Malaysia/Việt Nam

Tiền Tệ Và Di Chuyển

Ai Cập dùng đồng Pound (ký hiệu LE) và 100 Pound khoảng 125k tiền Việt. Mọi ngườinên đổi $ trước sau đó qua kia đổi lại Pound tỷ giá sẽ ổn hơn. Tỷ giá ngày 7/5 mình đổi là 1 US $ = 18.45 Pound. Mệnh giá tiền có các loại 1,5,10,20,50,100 Pound và đồng 1 Pound in hình vua Tutakhamun, đồng 50 Piastre in hình nữ hoàng Cleopatra (khoảng 6k tiền Việt)

100 Pound Ai Cập có hình biểu tượng nhân sư Sphinx

Di chuyển thì bọn mình toàn book Careem, đôi khi cũng không book được vì tài xế huỷ do không biết tiếng Ả Rập thì tụi mình đi taxi, rất nhiều và không khó kiếm, Taxi thì mặc cả sâu đậm vô, bình thường khoảng 30,40 Pound một chặng, vài taxi có công tơ mét nên khỏi mặc cả. App Careem không hiển thị biển số xe Ả Rập nên mọi người nhớ xem trước để biết mặt số. Còn book vé xe bus, cần đi đâu thì book app Go Bus hoặc app Tazcara trả qua Visa

Bến xe West & Mid Delta Bus đi Siwa ở Cairo là bến xe Torgoman Bus Stand nằm ở tầng dưới cùng của tòa nhà Gateway Plâz Mall. Các bạn nhớ ra văn phòng (tầng trệt tòa nhà) đổi vé trước 30 phút. Còn đi Go Bus thì có bến riêng của họ.

Sim Điện Thoại Và Internet

Có thể mua 1 trong 2 nhà mạng Vodafone hoặc Orange. Mình thường dùng Facebook và Youtube mà nghe nói Vodafone phủ sóng mạnh nhất nên mua của nhà mạng này. Có nhiều gói để chọn nhưng mình đi 10 ngày mua gói 24 GB + free gọi nội mạng thì giá là 315 Pound ạ (Khoảng 400k) mà tới ngày về vẫn còn dư 4 GB. Có nhu cầu dùng thêm có thể mua gói 36 GB khoảng 450 Pound nhé. Mua ngay tại sảnh đến sân bay Cairo, sau khi lấy hành lý xong thì ngay chỗ cổng ra Arrival Hall sẽ thấy ngay.

Chuyện Ăn Uống

Ăn uống ở Ai Cập rất khó để hợp vị người Việt, mình dễ ăn với cũng muốn thử các đặc sản nên cũng cố ăn các món bên này. Bạn nào không ăn được đồ Ai Cập có thể ăn gà rán KFC, MCDonald’s, Pizza Hut không hề thiếu, hoặc có cả quán Thái và quán Trung nữa. Nhưng mình vẫn khuyên mọi người nên ăn thử đồ Ai Cập cho biết, nếu không hợp vị có thể ăn món khác sau

Đa số các món đều xoay quanh nướng, chiên hoặc trộn. Ngoài thịt dê và bò chiếm đa số, thì thịt gà cũng được tiêu thụ nhưng ít hơn.

Điều làm mình không thích nghi được với các món thịt ở Ai Cập là thịt rất hôi, dù là bò hay dê thì đều hôi như nhau, hôi mà không ăn nổi luôn – và cái này thì mình thử nhiều quán rồi nên dám khẳng định. Còn thịt gà thì bình thường.

Món quốc hồn quốc tuý của Ai Cập là Koshary – một loại mì và cơm trộn lại gồm mì pasta, cơm Ả Rập, chickpea (đậu gà), lentils (này tiếng Việt là gì không biết), hành phi, nước tỏi và sốt cà chua – Mình thấy món này cũng dễ ăn nhưng nó không khác Pasta là mấy, trừ cái nhiều nguyên liệu trộn vô nên nhai đã miệng thôi.

Koshary là món ăn truyền thống rất nổi tiếng của Ai Cập

Bọn mình có đi khu Địa Trung Hải nên cũng có gọi hải sản, nhưng hải sản thì không đa dạng cũng không có nhiều món để làm, đặc biệt không có hải sản hấp ạ. Tuy nhiên thì vị hải sản ăn vẫn ổn chứ không quả dở, bị cái không tươi mấy

Còn lại thứ tự mà mình thấy thích hợp đối với khẩu vị của mình, theo món mặn sẽ là

Falafel – đậu Fava nghiền và rán, một món rất nổi tiếng ở Ai Cập – Cái món này ăn với bánh mì kiểu Ai Cập thì phê phải nói, một món chay mà ngon dữ lắm quý vị ơi

Gà nướng – cái này như BBQ vậy á mà quên tên, nướng theo xiên

Bechamel – Pasta kiểu Lasagne

Koshary – như đã nói ở trên

Ăn sáng kiểu Ai Cập – bánh mì tròn, phô mai các loại (có cái phô mai Feta ăn vừa mặn vừa đắng chả ngon gì nhưng mấy cái phô mai khác bù lại cho thằng này), olives ngâm vị mặn mặn, trứng luộc, chuối, nước ép, các loại jam

Bữa ăn sáng của mình ở Aswan gồm phô mai, bánh mì và các loại rau củ quả

Sharwama – sandwich dạng bánh mì dẹp kẹp thịt – kêu thịt bò là nghỉ ăn luôn. Món này thì chỗ nào ở Ả Rập cũng có

Tahini – sốt chấm bánh mì vị mè. Chấm với bánh mì Ai Cập ngon lắm, mà có chỗ làm chua quá ăn không nổi

Grilled Pigeon – ngon nhưng quá ít và mắc, một con bồ câu nướng giá 150k, bên trong có để đại mạch khá ngon

Cous Cous – chữ này mình hay đọc sai nên phục vụ cứ hỏi lại mấy lần, nghe nói là nước nào ở Châu Phi cũng ăn cái này. Rau củ và thịt hầm trong thố với Semolina

Kofta – xếp cuối vì thịt quá hôi dù vị rất ngon. Đây là thịt băm của cừu và bò trộn lại rồi nướng. Kêu 4 cái mà cắn miếng đầu xỉu ngang

Một bàn đồ ăn gồm Kofta, Bechamel và canh rau củ, bánh mì tròn Ai Cập và sốt Tahini

Còn về món ngọt, xin vinh danh các món sau đã chiếm được cảm tình của mình

Siwan Juice – nước siro chà là, mật ong, sữa chua, sữa trộn lại – siêu siêu ngon và rẻ, tầm 25k 1 ly và chỉ có bán ở Siwa thôi – uống mà ghiền luôn ngày nào cũng uống

Rice Pudding – Ngọt ngọt béo béo vị sữa, không nghĩ là gạo có thể làm nên một món ngọt ngon như vậy, ăn ở Aswan vẫn là ngon nhất nhưng hầu như ở Ai Cập tiệm nào cũng có bán

Mojito – Này thì bán trong siêu thị Ai Cập nhiều lắm – bánh croissant nhưng nhỏ xíu, nhân sô cô la ngọt ngọt không ngán, rất thích hợp ăn sáng

Nước ép ổi – Dân Ai Cập rất ghiền nước ép, đặc biệt là nước ép ổi, hông hiểu tại sao nhưng cảm nhận chất trái cây nhiều và đậm đặc hơn (lỏng hơn Nectar) nước ép mình hay uống

Schweppes vị lựu – Đây, lần đầu tiên uống cái hiệu này nhưng cũng là hiệu nước ngọt ít ỏi của Ai Cập. Ai Cập chỉ có vài nhãn hàng nước ngọt thành ra uống qua uống lại cái này vẫn êm nhất.

Vâng nhân nói về nước uống thì nước ngọt có ga ở Ai Cập ga rất rất nhiều, uống vào là tỉnh ngủ, kể cả Redbull cũng rất nhiều ga nữa. Chắc phải gấp đôi chuẩn vị Châu Á của mình. Vị các loại nước khác cũng không có đặc sắc, trừ cái nước ổi mình hay uống. Kể cả sữa chua uống hiệu Danone – Activia bán rất đại trà, cũng chua quá trời.

Bánh trái ở Ai Cập thì hầu như là vị mặn hết. Cũng chả hiểu sao bên này ăn mặn với chua dữ vậy luôn. Cái gì đụng vô cũng mặn. Bánh mì thì toàn các vị lạ lạ như vị Feta, vị burger, vị pizza, vị olive vị ớt, vị ngọt chỉ có sô cô la, dâu và vanilla

Các quán Recommend

Aswan – Makka Restaurant và Koshary El-Sabwa

Luxor – quán ăn trên hotel Nerfetity Rooftop – Al Sahaby Lane Restaurant

Siwa – Abdu Restaurant và Ola Restaurant

Món cơm gà siêu ngon ở Ola Restaurant tại Siwa

Marsa Matrouh – Magdy Seafood

Cairo – Kazaz Sharwama – Koshary Abou Tarek

📍 Aswan

Egypt Air có các chuyến bay đến Aswan vào sáng chiều và tối nên ngày đầu tiên, mọi người nên chọn chuyến bay chiều khoảng 2h chiều hoặc tối khoảng 6h tối nếu muốn đi theo lịch của mình.

Từ sân bay về trung tâm Aswan, hotel thu tụi mình tiền xe là 250 Pound 1 xe, có thể book app Careem nhưng khu vực đó khó book xe.

Tp Aswan này khá bụi và cũ, phần rìa sông Nile thì sạch sẽ nhưng bên trong thì kiểu giống Ấn Độ vậy. Dù vậy thì mình thấy mọi nguời ở đây đều tốt, vui tính và nhiệt tình, dĩ nhiên vẫn có Scam nhé.

Đa số người ở đây là người dân tộc Nubia – người da đen có gốc Sudan.

Qubbet el-Hawa

Để leo núi này thì cần đi phà từ bờ Tây Aswan qua bờ đông. Các bạn có thể tìm Google từ khóa Public Ferry Aswan là thấy. 1 người 5 Pound, phà đi khoảng 5 phút thôi nhưng rất mát luôn, nước sông Nile trong veo mà xanh xanh nhìn có vẻ sạch. Từ đó đi men theo tay trái, leo cái đồi khá vất vả nên mọi người cần chuẩn bị nước và nón che chắn, leo khoảng 30ph là đến nơi thôi. Sẽ có nhiều người đòi tiền bạn mới cho leo, hoặc dụ dỗ cưỡi lạc đà thì cũng nên lơ họ đi. Vì khi leo cần băng ngang qua một khu di tích nên có thể họ sẽ đòi tiền bạn, tụi mình thì mặc cả được 30 Pound 1 đứa để được leo ngang qua đó vì 5h chiều là họ đóng phòng vé rồi.

Một chú lạc đà của người Nubian trên đỉnh núi

Nên mua nước, bánh lên đây để ăn uống, ngắm cảnh Aswan buổi chiều vì rất đẹp, ở dưới sông Nile toàn là thuyền Felucca đi qua đi lại. Cần về trước 7h tối, khi về thì cũng đi phà qua lại bờ bên kia

Đền Philae – Philae Temple

Đền Philae là đền thờ nữ thần Isis, vợ của thần Osiris. Đền nằm giữa đảo thuộc sông Nile nên phải đi thuyền ra. Giá thuyền mặc cả khoảng 200-250 Pound/thuyền có thể đi tối đa 12 người cho 1 tiếng 30 phút ở đền, không tính thời gian di chuyển. Từ Aswan, các bạn có thể book xe trên app Careem để tới bến tàu ra đền, mất khoảng 20 phút và 50 Pound cho 1 chặng. Các bạn nhớ dùng Google Dịch để xin số liên lạc của tài xế và deal với tài xế để họ chở bạn về

Thuyền ra đền Philae

Đền này khá rộng mà kiểu kiến trúc cũng đẹp nữa, mình thấy nó là đền đẹp nhất Aswan dù mọi người có thể thích đền Abu Simbel hơn.

Ở đây có mấy bé mèo hoang không có ai cho ăn nên nếu có thể thì đem gì đó cho tụi nhỏ ăn giúp mình. Du khách bắt đầu đổ vào đền từ 8:30 nên mọi người cần canh thời gian đến đền (tính cả đi thuyền) là 7:15 – 20 phút gì đó (Vì 7 giờ đền mới mở cửa) – để có thể tự trải nghiệm mà không bị làm phiền. Tụi mình đi lẻ nên sẽ không có Guide ạ. Đặt Guide, mọi người có thể đặt với bên khách sạn. Tụi mình book xe trên App Careem tới bến thuyền ra đền, lưu số tài xế (dùng Google dịch nha) và nhờ họ quay lại đón vì ở đây rất rất khó bắt xe về Aswan. Vé đền mình quên nhưng các bạn có thể check link này

Đền Abu Simbel – Abu Simbel Temple

Đền Abu Simbel

Đền Abu Simbel là đền do vua Ramesses II xây dựng để tưởng niệm chiến thắng người Nubia – nếu bạn nào có xem phim của hãng Dream Works – Hoàng từ Ai Cập (Prince of Egypt) thì vua này là nhân vật anh trai của Moses trong phim ạ.

Để đến được đền này thì rất kỳ công luôn. Phải thức sớm 4h sáng và mua tour của ks. Giá tour khoảng 400 Pound 1 người và là share tour. KS sẽ gói đồ ăn sáng cho bạn mang theo ăn. Xe đến Abu Simbel khoảng 7:30 – 8:00 sáng và bạn có đúng 2 tiếng để đi chơi, tham quan chụp ảnh trong đền. Đền này có tính vé vào. Khoảng 30 phút sau khi bọn mình đến thì có khoảng 4,5 đoàn nữa đến và cả cái khu này đông như trẩy hội. Vậy nên chụp ảnh gì thì làm trước đi rồi hãy ngắm đền sau.

Cạnh bên đền Abu Simbel là đền nữ hoàng Nerferity, vợ của vua Ramesses II – đền này thì nhỏ hơn và không hoành tráng bằng đền bên kia. Mỗi năm vào 2 ngày trong tháng 2 và 11 hàng năm, ánh sáng chiếu xuyên qua đền rọi thẳng vào tượng vua Ramesses II nên ngày này giá vé sẽ đắt hơn.

Đền Nerfetity

Trong đền Abu Simbel có bán rất rất nhiều đồ lưu niệm và nếu muốn mua thì bạn trả giá nhiều vào nha, họ đòi bán chai nước cho mình giá 5$, thật không thể tin được.

Khi thăm 2 đền này, bảo vệ bên trong đền sẽ giúp bạn chụp ảnh hoặc cho bạn mượn cái Ankh – Biểu tượng của sự sống trong văn hóa Ai Cập cổ để chụp ảnh, và bạn có thể cho họ tip khoảng 10 Pound.

Ankh – Biểu tượng của sự sống trong văn hóa Ai Cập cô·

Và note thêm cái nữa, dọc đường đi Abu Simbel sẽ không có mạng 4G đâu ạ, nên để đỡ chán trong suốt 4 tiếng đi xe, mọi người có thể tải game trước về chơi hoặc ngủ đều được

Công viên Feryal – Feryal Garden

Công viên này cách trung tâm Aswan khoảng 2km thôi nhưng có cái view sông Nile rất đẹp luôn. Buổi chiều có thể ra đây đi bộ, hóng gió và ngắm hoàng hôn từ phía bên này. Trong công viên có cục đá rất thích hợp để ngồi ngắm cảnh, dù sẽ cần leo ra ngoài một chút nhưng vẫn an toàn. Tuktuk tới đây khoảng 20 Pound 1 xe 2 người (xài GG dịch vì Tuktuk không biết tiếng Anh)

Toàn cảnh sông Nile thuộc Aswan

Tour Felucca

Mình cứ nghĩ cái thuyền này người ta sẽ chạy bằng máy nhưng chạy chậm. Tuy nhiên thì sự thật là cái thuyền này thả theo gió để tự trôi nên là rất chill, relax các kiểu. Giá một tour như vậy là 250 Pound cho 1 thuyền trong 1 tiếng. Bác lái thuyền cho tụi mình thêm 30 phút nữa nên tha hồ ngồi hóng gió luôn. Vì tụi mình đi hoàng hôn nên không có nhiều hoạt động. Còn các bạn đi thuyền qua làng Nubia hoặc đảo Voi thì có thể báo với chủ thuyền sắp xếp. Tour này có thể mua với khách sạn, họ sẽ dắt bạn ra tận bến thuyền luôn.

Thuyền Feulucca đi rất chậm nên cảm giác cực kỳ thoải mái và yên bình

Hoàng hôn trên sông Nile là một việc cực kỳ nên trải nghiệm vì thật sự rất đáng và đẹp

Về khách sạn thì ở Aswan, bọn mình ở tại Cleopatra Hotel – giá phòng khoảng 30$ 1 ngày 2 người, phòng rất rộng luôn mà lại còn đẹp. Hotel ở ngay trung tâm Aswan, bước ra 10ph là tới ga Aswan rồi. Sáng có phục vụ ăn sáng free nhưng ăn toàn bánh mì, trứng, chuối, phô mai và olives kèm nước cam. Bạn lễ tân nói tiếng Anh rất tốt nên có gì có thể nhắn bạn ấy hỗ trợ. Note: nếu muốn đặt hay dùng dịch vụ gì thì gọi thẳng trực tiếp chứ đừng nhắn qua Booking.com vì họ không check

Bọn mình di chuyển bằng tàu hoả đi Luxor – hạng 1st giá 115 Pound 1 người. Platform tàu là platform số 2, cần băng ngang qua đường ray xe lửa để đi vì không có cầu đi ngang qua – Ai cũng làm vậy hết nên đừng sợ xe lửa tới nha. Tàu ngồi khá êm ái, có chỗ để hành lý, nhìn xịn xò hơn Việt Nam một chút, đến ga Luxor đúng giờ lắm

📍 Luxor

Thành phố Luxor cũng nằm dọc sông Nile như Aswan nhưng sông ở đây không đẹp lắm. Tp này thì mình thấy hiện đại với sạch sẽ hơn Aswan, dù số lượng di tích ở đây nhiều không đếm hết.

Để đi hết các di tích thì bạn cần phải ở Luxor khoảng 3 ngày. Bọn mình ở 2 ngày nên chỉ có thể đi được các điểm cơ bản của Luxor

Tour khinh khí cầu Sun RiseSunrise Hot Air Balloon Tour

Điểm đặc biệt ở Luxor mà các tp khác ở Ai Cập không có là tour kinh khí cầu trên thung lũng vua. Bay khinh khí cầu tại đây được xếp vào hàng rẻ nhất thế giới, chỉ 45$ là được bay 45ph – 1 giờ rồi. Bay từ lúc sáng sớm mặt trời chưa mọc cho đến lúc mặt trời đã đi ngang thành phố Luxor. Mình nghe bạn mình nói bay khinh khí cầu ở Turkey giá 250$ lận nên thôi cũng ráng tranh thủ bay ở Luxor cho rẻ.

Bạn thức sớm lúc 3h sáng để chuẩn bị. 4h sáng xe sẽ đưa bạn ra bến thuyền để đi qua West Bank nếu bạn ở East Bank (còn ở West Bank rồi thì chắc là tiện hơn) Trên thuyền có trà, cà phê và sữa cho bạn.

Chỉ 4h30 sáng mà đã đông đúc như vậy rồi

Đến địa điểm set up khinh khí cầu, sẽ có một đội check bình ga, kiểm tra dù khinh khí cầu và chuẩn bị mọi thứ cho bạn. 15ph sau khi đến điểm set up là vào trong giỏ khinh khí cầu và bắt đầu bay.

Việc bay đi đâu sẽ phụ thuộc vào gió hôm đó. Captain của tụi mình nói thông thường sẽ không bay qua sông Nile để đến East Bank nhưng hôm đó bọn mình được trải nghiệm 1 màn vượt sông hiếm thấy. Từ trên cao là thung lũng Vua, sông Nile, thành phố cổ Luxor và cảnh tượng mặt trời mọc ảo diệu trên đồng bằng sông Nile.

Phần tiếp đất khá thô và sẽ bị ê mông do cái giỏ tiếp xúc với đất rất dữ, và phải cần 3 lần như vậy thì giỏ khinh khí cầu mới dừng hẳn. Bay xong sẽ có người tới ký tặng cho bạn chứng nhận bay khinh khí cầu và chụp ảnh. Sẽ có đội quay lại clip cho bạn luôn nhưng lấy clip sẽ tính thêm tiền ạ.

Tour Half Day Westbank

Thông thường mình sẽ tự đi đến các di tích thay vì mua tour (do mua tour thường sẽ phải đi chung giờ với các khách khác thành ra tập trung tại khu di tích rất đông) – nhưng riêng với 2 khu là Thung Lũng VuaĐền Hatshepsut thì mình nghĩ bạn nên mua tour vì 2 khu vực này có rất nhiều thông tin thú vị mà đi một mình sẽ mất đi 1 phần thú vị. Giá tour là 25$ 1 người và đây là tour private, tức có Guide riêng và tài xế riêng. Tour đi sau khi bọn mình bay khinh khí cầu nên rất tiện vì bay xong là tầm 7h sáng thì qua bên các khu di tích bên kia luôn cũng vừa tiện. Bác guide của mình tên Hasim và đây là số của bác nếu mọi người muốn book riêng +20 01017208625. Bác rất vui vẻ, nhiệt tình và chiều khách dữ lắm. Tụi mình chụp hình quay clip nửa tiếng mà bác chẳng nói gì hết

Về Đền Hatshepsut thì mình rất thích phong cách của đền này. Tầm 8:30 là đền bắt đầu đông dần rồi. Kiểu kiến trúc 2 tầng với đại sảnh dẫn lên cao và có phần khá giống mấy cái đền ở Hy Lạp, La Mã. Đền này thờ nữ hoàng Hatshepsut – vị Pharaoh nữ nổi tiếng của Ai Cập vì chính sách thương dân của bà. Ở ngoài đền có 2 con nhân sư chầu nữa. Đền dựa núi và ngay phía sau ngọn núi đó là Thung Lũng Vua nên kết hợp 2 điểm này rất tiện.

Mình cực kỳ thích kiểu kiến trúc của đền Hatshepsut

Thung Lũng Các Vì VuaValley of The King

Bên trong Thung Lũng Các Vị Vua có rất nhiều lăng mộ của hoàng gia Ai Cập cổ

Thì khu này bọn mình đi sau khi hoàn thành tham quan bên Hatshepsut – khoảng 10h sáng – đông như quân nguyên, người ra vô nườm nượp như đi chợ vì Thung Lũng Vua rất nổi tiếng, là nơi chôn cất của rất nhiều vị vua trong các vương triều của Ai Cập. Ở đây có tới 64 lăng mộ nhưng chỉ có 6-8 lăng mở cửa tham quan. Một số lăng phải trả thêm tiền để vào như lăng vua Tutakhamun, lăng vua Ramesses II đều phải trả thêm tiền (nhưng lăng vua Ramesses II hiện tại tháng 5 này đang tu sửa nên không được vào – người ta sẽ thay phiên bảo trì lăng nên cũng không biết bạn sẽ được vào cái nào, cho tới khi bạn đến khu di tích)

Tất cả 2 nơi này đều tốn tiền vé hết ạ. Mọi người nhấn vào link bên trên để cập nhật giá vé 2022. Vé vào thêm lăng Tutakhamun là 300 Pound nhé.

Bác Hasim, guide tụi mình nói lăng vua Ramesses III, Ramesses VII và cái lăng cuối cùng ở bên trái Thung Lũng Vua của 2 hoàng hậu gì đó, là 3 lăng đẹp nhất, nhiều tranh tường có màu nhất. Riêng mình thích nhất lăng cua Ramesses VII vì cực kỳ đẹp mà trong lăng còn sáng, kiểu như đang đi ngược về quá khứ vậy. Giá 3 lăng này đã bao gồm vé cổng nên vào vô tư, mỗi lần vào người ta sẽ check vé bấm vé 1 lần, đủ 3 lần thì thôi. Còn vé vào lăng Tut là vé riêng nữa.

Một bức tranh tường cực kỳ đẹp tại 1 trong 3 lăng mà mình đã đi

Cả 4 cái lăng này thì thôi đông ơi là đông nên xem gì cũng phải tranh thủ, cả chụp ảnh cũng rất khó vì người đông và ở bên trong không gian kín nên khá ngộp và không thoáng khí chút nào

Lăng Tutakhamun thì có xác ướp thật của vua Tutakhamun đã được đưa về năm 2005 và đặt trong hộp kính có điều hoà nhiệt độ bảo quản xác ướp – và đây không phải là xác bằng sáp nên mọi người cứ yên tâm vì Guide confirm với mình.

Lăng vua Tut thì không có gì nổi bật lắm trừ cái xác ướp của ông vua này đã gây nhiều tranh luận về cái chết của nhà khảo cổ Howard Carter cùng đoàn khám phá của ông, lý do là trên mạng đồn rằng họ đã bị trúng lời nguyền. Đi cũng rén nhưng không phải dễ được thấy xác ướp nên cũng phải đi

Xác ướp vua Tut hiện được trưng bày trực tiếp tại lăng của ông.
Bên trong lăng vua Tut nổi tiếng

Vào Thung Lũng Vua thì mọi người nhớ đem áo khoác chống nắng vì nắng ơi là nắng luôn, mà phải đi bộ đi xem mấy cái lăng khá nhiều.

Đền Luxor – Luxor Temple

Bác guide bọn mình bảo nên chia thời gian đi xem Đền Luxor ban đêm và Kanark ban ngày. Chưa bao giờ mình thấy lời khuyên này lại hợp lý vậy luôn. Ban đêm thì đỡ đông hơn ban ngày do lượng khách tập trung vào ban ngày hết rồi. Vé vào khoảng 180 Pound. Tối thắp đền lên nên cả cái đền thật sự huyền ảo như sống lại thời quá khứ ngày xưa ạ.

Đền Luxor ban đêm cực kỳ đẹp

Đền này thì cũng không rộng lắm nhưng rất tiện đi lại vì nằm ngay trong trung tâm Luxor. Ở đây có cái đại lộ Sphinx kéo dài từ đền Luxor đến hết đoạn đường, 2 bên là 2 hàng nhân sư chầu nhìn rất gì và này nọ. Nếu đi một mình có thể nhờ bác bảo vệ trong đền chụp hình cho và tip cho họ 20,30 pound gì đó tuỳ bạn. Chỉ họ cách chụp là họ chụp được hết á

Bên ngoài đền Luxor là tập đoàn xe ngựa, hàng rong biết tiếng Anh và liên tục mời chào phát mệt.

Đền Karnak – Karnak Temple

Cổng đền Kanark, bên trong đền là cả một quần thể di tích cực kỳ đồ sộ

Đền Kanark nên đi sáng sớm, tầm 7-8h sáng là vừa đẹp. Đền này gọi là cả một toà thành chứ mình thấy nó rộng vl ra, vượt xa mấy cái đền ở Aswan hay cả đền Luxor. Phải mất 3 tiếng để đi hết cái khu trong đền mà chỉ tham quan sơ sơ chứ chưa nói đến là xem hết và hiểu hết nữa. Trong này có mấy cái cột tròn ngay giữa đền và cột Obelisk ghi lại những câu chuyện về lịch sử đền. Thì 2 chỗ này mình thấy chụp ảnh đẹp nhất. Và vì đi sớm nên cũng vắng khách chứ 10h sáng là lại tình trạng đông như quân Nguyên nữa.

Mình rất rất thích kiểu kiến trúc của Đền Kanark vì thật sự rất đồ sộ và thể hiện sự vĩ đại của đền cũng như cái tài xây dựng của người Ai Cập cổ. Thành ra đi 3 tiếng chứ chưa đã luôn vì trưa hôm đó tụi mình bay từ Luxor về Cairo nên không có dư thời gian chứ đi thêm nữa là vẫn sẽ đi. Vé vào đền khoảng 225 Pound thì phải. Có thể book Careem để tới đền này từ trung tâm Luxor, khoảng 20 Pound thôi. Trong đền có cái căn tin bán nước giá cả cũng phải chăng luôn

Về khách sạn thì tụi mình cực kỳ ưng bụng và rất rất recommend Nerfetity Hotel ngay tại trung tâm Luxor trước mặt đền Luxor, vị trí quá tiện lợi, giá thì rẻ chỉ 25$ 1 đêm 1 phòng 2 người (dù phòng hơi nhỏ nhưng không thiếu gì hết). Lại còn có cái rooftop nằm trên tầng trên, ngắm được đền Luxor, ngắm được hoàng hôn luôn.

Rooftop của Nerfetity Hotel

Đồ ăn thì rẻ mà ngon nữa nha, đặc biệt Pizza rất rất ngon luôn. Nói chung là ở 2 ngày chữ ăn uống gì là ăn uống trên đây hết, ngồi trầm trên này mở nhạc chill chill (nhưng buổi trưa là ở trong phòng tại nóng lắm nha)

View đền Luxor từ tầng trên cùng của khách sạn

Cách phục vụ của họ cũng khỏi bàn, rất thân thiện, làm dịch vụ tốt, cái gì cũng có, giặt là, đặt tour đầy đủ. Chỉ cần nhắn tin cho họ là họ rep sau 30ph dù nhắn trên Booking. Ưng lắm luôn, mà bác guide của mình cũng nói Nerfertity Hotel là cái ks giá rẻ nổi tiếng nhất trong khu vực, còn nhà hàng của họ thì cũng thuộc hàng ngon nhất luôn. Thành ra hãy cứ ở đi sẽ không làm bạn thất vọng đâu.

📍 Siwa Oasis

Hành trình đến với Ốc Đảo Siwa không hề dễ chịu chút nào, mình phải khẳng định như vậy. Cách duy nhất để tới đây là đi bus 11 tiếng từ Cairo, xuất phát mỗi ngày tại bến xe Torgoman ở gần quảng trường Tahir, nhà xe West & Mid Delta Bus. Xe đi lúc 10:15 đêm và đến khoảng 9:30 sáng. Trên hành trình dài khoảng 700km này là 3 lần dừng chân đi vệ sinh (mỗi lần 15ph) và 3 lần kiểm tra Passport (mỗi lần 10-15ph) nên bạn nào mất ngủ thì hãy xác định là không ngủ được tý nào luôn. Vé xe có thể book trên app Tazcara như mình review.

  • UPDATE 10/2022: Bus đi Siwa đã có thay đổi. Hiện App Tazcara không còn bán vé của West & Mid Delta Bus nữa mà chuyển sang bán vé của Siwa Bus. Đường dẫn của hãng Facebook tại đây. Hãng có 2 địa điểm đón ở Cairo là Quảng Trường Tahir và chỗ này mình không rõ là ở đâu نادى السكه – các bạn có thể hỏi người địa phương để được cập nhật

Tuy nhiên thì cái bạn nhận lại sẽ rất xứng đáng. Công bằng mà nói thì Siwa là nơi mình thích nhất (bên cạnh Marsa Matrouh nữa vì 2 chỗ này mình đều thích ngang nhau), chứ không phải là kim tự tháp hay thung lũng vua ở Luxor.

Ở Siwa, bạn sẽ dễ thấy những rừng chà là bạt ngàn và các cánh đồng lau sậy như vậy

Không có gì thích hơn việc bạn tung tăng trong một ốc đảo lọt thỏm giữa Sahara mà xung quanh chỉ toàn cát, hồ nước và vườn chà là hút tầm mắt. Nhiệt độ ở Siwa cũng mát mẻ dễ chịu hơn hẳn phía Nam Ai Cập nữa. Tuy nhiên thì ngày mình đi trời mây mù nên tiếc ghê gớm, nếu trời đẹp hơn thì chắc sẽ thích hơn nữa.

Siwa thực sự là một thị trấn nhỏ yên bình và kỳ lạ, bao quanh giữa sa mạc Sahara

Siwa kiểu như một vùng quê của Ai Cập vậy, mạng internet cũng rất chậm, dịch vụ book xe cũng không có, trung tâm thương mại không có, chỉ có các tiệm tạp hoá nho nhỏ. Nhà hàng sang hay khách sạn sang đều không. Trung tâm Siwa rất nhỏ, chỉ đi vòng vòng 10ph là hết trung tâm. Nhưng thật sự mình cực kỳ thích Ốc đảo này luôn.

Pháo đài Shali – Shali Fortress

Pháo đài này từng là nhà của người Siwa nhưng đã bị thiệt hại nặng nề vì trận mưa lớn năm 1920 (vì vùng Siwa rất rất hiếm mưa) thành ra pháo đài hiện đã không còn dùng làm nhà ở nữa. Chỗ này thì không tốn phí gì cả, và còn nằm ngay giữa trung tâm Siwa nữa.

Pháo đài Shali – một công trình kiến trúc thú vị ở Siwa

Đứng từ trên cao là nhìn được 360 độ Siwa luôn, ngắm được cả hoàng hôn và hồ Siwa ờ xa xa. Ở đây cũng có vài chỗ bán mứt chà là, mứt hibiscus, olives (vì Siwa là vùng trồng chà là và olives lớn nhất Ai Cập nên chất lượng 2 thứ này ngon hơn hẳn chỗ khác) và đèn muối rất thú vị. Buổi chiều mà leo lên đây hóng gió thì thôi, gió thổi lồng lộn luôn, nhiều khi còn thấy lạnh.

Một khu bán thảm thủ công ngay phía dưới pháo đài Shali

Hồ tắm Cleopatra – Cleopatra Spring

Hồ Cleopatra được đào thẳng từ nguồn nước ngầm ở Siwa nên nước cực kỳ trong xanh

Hồ này cách trung tâm Siwa khoảng 3km và bạn có thể đi Tuktuk hoặc thuê xe đạp. Tụi mình chọn thuê xe đạp và đây là một quyết định vô cùng sáng suốt vì con đường đi qua rất nhiều vườn chà là và cây olives, cảm giác như một vùng quê yên bình. Lâu lâu có vài xe ngựa hoặc xe tuktuk chạy qua. Mấy em nhỏ ở Siwa còn nhỏ mà đã biết lái xe máy, xe ngựa chở gia đình đi vòng vòng hết rồi

Đến Siwa, bạn sẽ được đạp xe qua những con đường quê yên bình như vậy

Băng qua con đường siêu đẹp đó là Hồ Tắm Cleopatra nhưng vì người ta tắm nhiều quá nên bọn mình quyết định sáng hôm sau quay lại.

Hồ này thì đồn đoán là Nữ hoàng Cleopatra VII từng tắm vậy thôi chứ không biết có không nữa. Nước hồ xanh màu xanh lục bích như ngoài biển, vì đây là hồ tự nhiên được khoan sâu vào lòng sa mạc nên lâu lâu có bọt khí nổi lên nhìn ngộ nghĩnh lắm. Mà hồ hơi dơ vì có rong rêu dạt quanh thành hồ. Vậy mà mấy đứa nhỏ nhảy xuống tắm như đúng rồi.

Ngay hồ có quán cà phê Jubana có cái rooftop trông xuống hồ rất đẹp, cái vibe cà phê phong cách Ả Rập này rất thích hợp cho một ngày nắng mà muốn chill chill ngắm hồ hoặc tắm xong rồi qua uống cà phê cũng được luôn. Quán này thì mình thích nhất là Siwan Juice – món nước mình đã có review ở trên và là thứ phải thử khi đến Siwa – chống chỉ định các bạn kỵ ngọt hoặc sợ ngọt các kiểu vì thực sự nó rất ngọt. Nhưng mình người miền Tây thì thấy bình thường và ngon.

Hồ muối – Salt Lakes

Ở Siwa có rất nhiều hồ muối trữ để khai thuốc muối, vì muối Siwa cực kỳ tinh khiết luôn (thành ra ở đây bán đèn muối nhiều lắm)

Mình cực kỳ thích hồ muối Siwa vì thật sự nước rất trong xanh

Để đi cái tour này thì bọn mình chọn đi với một bác Tuktuk người Siwa dễ thương lắm, chỉ hết cái này tới cái kia dù bác chỉ biết tiếng Anh có chút chút. Lúc nào cũng hỏi tụi mình thích Siwa không , có gì không thích không, và luôn gọi tụi mình là My Friends – số của bác cho các bạn liên hệ Bác Salim +20 01005197577. Tour này đi từ 9h sáng tới 2h chiều là 350 Pound 1 xe Tuktuk cho 2 người. Đi hồ muối, hồ tắm Cleopatra, đảo Fatnat, tắm hồ nước nóng và Moutain of the Dead – núi của người Chết. Cái xe tuktuk thì dễ thương lắm, như xe lam Việt Nam mình hồi xưa mà có đệm ngồi rồi rèm che cưng dã man

Bác này dẫn bọn mình đi hồ muối để tắm, nước trong xanh như nước biển luôn, bạn nào không biết bơi cứ vô tư xuống, nổi lềnh bềnh không thể chìm được. Nước rất mát, khoảng 20,22 độ gì đó. Nếu không tắm thì ngâm chân chụp ảnh cũng được. Tắm xong muối sẽ đọng trên người nên là đem theo một chai nước 1,5 lít để rửa lại cơ thể nha. Trong này thì không mất tiền gì hết á. Bác dẫn qua cái hồ lớn đến tắm còn hồ nhỏ để chụp ảnh

Và sau tiết mục tắm hồ muối là tắm hồ nước nóng cũng relax không kém, mà giá chỉ 50 pound 1 người. Tắm 1 tiếng mà còn có trà Mint truyền thống Ai Cập uống giữa cái lạnh 22 độ nữa. Phê thì thôi. Nguyên ngày hôm đó là mình cứ nhớ cái chuyện tắm nước nóng này suốt vì quá thích

Đảo Fat Nat – Fat Nat Island

Đảo Fat Nat là nơi ngắm hoàng hông đẹp nhất Siwa nhưng ngày mình đi thì trời tù mù, thành ra cũng cố đi nốt. Ở đây bạn sẽ dễ hình dung hình dạng của Siwa nhất vì hồ được bao quanh bởi một dãi cát sa mạc trắng tinh, vì bạn mình thắc mắc tại sao kêu là Ốc Đảo mà nhìn giống dưới quê, thì đi cái hồ này xong tự nghiệm ra câu trả lời luôn

Ở đây có mấy quán cà phê để bạn ngồi uống nước mà hồi mình đi nó vắng lắm

Cái Mountain of the Dead thì mình không có vào mà chỉ chụp hình ở ngoài do tiếc 50 Pound hay 100 Pound gì đó, mà mình thấy chỗ này cũng không thú vị mấy, trừ mấy đứa nhỏ đá banh rủ tụi mình vô đá chung.

Ở Siwa thì vậy đó, mấy đứa nhỏ không bấm điện thoại đâu, chúng chơi lò cò, chơi đá banh, chạy giỡn các kiểu, còn có xe bán kẹo bông gòn chạy qua, đứa nào đứa nấy cũng mừng rỡ ra mua mấy cái kẹo, gặp tụi mình thì hello liên hồi dù chắc tụi nhỏ cũng không hiểu gì

Ở Siwa thiên về relax nhiều hơn nên các bạn có thể ở 2,3 ngày là hợp lý, sau đó có thể di chuyển về Cairo bằng cùng hãng, hoặc dừng ở Marsa Matrouh chơi 1 ngày cũng được nốt

Về chỗ ở thì do có vài việc phát sinh nên chỗ bọn mình book là Agpen Teswa ngay trung tâm Shali, đã dừng hoạt động do có tranh chấp với chủ nhà gì đó. Nên mọi người có thể tìm chỗ nào gần trung tâm là được. Hoặc ở mấy cái Camp vòng vòng vườn chà là nhưng đêm đến chắc sẽ nhiều muỗi, với cũng không tiện đi lại

📍 Marsa Matrouh

Là một thành phố nằm ven biển Địa Trung Hải trên phần lãnh thổ Ai Cập nên Marsa Matrouh không khí rất mát mẻ, trong lành, là nơi lạnh nhất mà bọn mình ở Ai Cập khi nhiệt độ cao nhất không quá 25 độ. Kiểu này mùa đông có khi còn lạnh hơn. Tp này là nơi nghĩ dưỡng yêu thích của mọi người đến từ Alexandria và Cairo cách đó 4-7 tiếng đi xe. Thành phố không lớn nhưng có sân bay quốc tế, nghe đâu 15/6 hàng năm đều có đường bay của Egypt Air bay đến đây, còn trước đó thì phải đi bus

Mình cực kỳ thích biển ở Marsa Matrouh vì rất trong xanh, mà tiết trời lại se se lạnh

Là một đứa mê biển nên mình thấy biển ở đây đẹp khủng khiếp. Cái màu xanh mà mình chưa từng bao giờ được thấy, đã vậy còn không quá đông đúc nữa. Bạn lễ tân chỉ tụi mình đi nhiều chỗ lắm mà không có thời gian nên chỉ đi 2,3 chỗ thôi, nhưng chỗ nào cũng đẹp hết hồn

Cleopatra Beach

Cleopatra Beach là bãi biển đẹp nhất Marsa Matrouh

Dân Ai Cập hay kháo nhau mấy chỗ tắm cùa nữ hoàng Cleopatra rồi xưng tên xưng hiệu cho chỗ đó. Bãi biển này cũng không ngoại lệ – vẫn nghe đồn là bãi tắm của nữ hoàng Cleopatra VII với tình nhân Anthony của bà. Bãi biển này gập ghềnh nên không tắm được, bù lại thì ngắm được vì rất đẹp luôn. Vào đây mất 100 Pound nhưng nhìn như bãi biển bỏ hoang á, chắc vì dịch 2 năm trời nên du khách cũng ít hẳn.

Nước thì trong xanh, mà trời thì mát lạnh, cảm tưởng đi dạo ở đây cả ngày không chán. Ngay bãi này có một cây cầu thuỷ tinh bắt ra ghềnh đá nhưng hiện đã bị bỏ hoang nên còn trơ khung thôi. Bám vào lan can đi ra vẫn được, không có vấn đề gì. Trèo lên ghềnh đá là một cái view Địa Trung Hải xanh tít tắm, xanh tới nỗi mà mắt mình bị loá luôn. Nói chung là về rồi nhưng vẫn mơ mộng lại được ghé thăm bãi biển này một lần nữa.

Ageeba Beach

Nếu bãi Cleopatra ghềnh đá nhiều không tắm được thì bãi này ngược lại, tắm vô tư. Nước bên bãi này còn trong và xanh hơn cả Cleopatra và lã bãi biển nổi tiếng nhất Marsa Matrouh. Cách trung tâm thành phố khoảng 23km và có thể kết hợp đi cùng Cleopatra Beach.

Khi đến Ageeba, mình không nghĩ có một bãi biển đẹp như vậy tồn tại ở Ai Cập

Trên đường đi tới bãi này là một con đường chạy dọc biển siêu siêu đẹp mà phải nhìn tận mắt mới thấy được. Nước ở Ageeba rất trong mà cũng không khá sâu, quan trọng là mình thấy lạnh quá 22,23 độ mà xuống tắm thì đông đá sớm nên thôi bọn mình chỉ đi dạo vòng vòng.

Sea’s Eyes

Trên đường đến Ageeba, sau khi qua khỏi Cleopatra Beach một đoạn là Sea’s Eyes – con mắt của biển cả. Đây là một vòm đá tự nhiên trông ra địa Trung Hải. Vừa đẹp mà lại vừa ảo diệu. Bạn cần băng qua cái đồi cát tầm 5 phút là tới.

Con đường biển cực kỳ đẹp ở Marsa Matrouh

Vì khu này cũng khá trơn và sóng đánh cũng hơi cao nên có chụp ảnh thì cũng cẩn thận một chút. Nhưng thật sự thấy cái Sea’s Eyes này rồi là mình biết Marsa Matrouh là tình yêu chân ái với một đứa mê biển như mình.

Sea’s Eyes là cổng vòm đá tự nhiên trông ra biển Địa Trung Hải

Cả cái bãi biển trong thành phố cũng đẹp không kém, dù hơi nhiều rác dọc dọc bờ đê nhưng cách đó không xa có một bãi sạch hơn. Dân tình Marsa Matrouh 11,12h trưa mà ra tắm như đúng rồi luôn. Con nít người lớn đều có. Quá đúng với câu chỉ cần bước ra trước mặt là có biển đẹp để tắm

Một trong 3,4 bãi biển xung quanh Marsa Matrouh

Về di chuyển thì ở Marsa Matrouh không có Careem, hoặc có nhưng tụi mình bắt hoài không được, nên phải nhờ anh lễ tân khách sạn book dùm. Tour như vậy giá 350 Pound và về trong khoảng 4-5 tiếng cho 1 xe, chụp ảnh tắm táp chán chê rồi về. Bác lái xe cũng tâm lý không kém khi bạn mình bị xước chân khi đi dọc bãi biển do san hô cắt, thì có ngay một hộp sơ cứu từ đời nào.

Còn xe bus của Mid & West Delta từ Siwa đi Marsa Matrouh thì xuất phát lúc 7h30 tối, đến thành phố khoảng 12h30 tối là 5 tiếng vì phải qua mấy trạm check passport mệt mỏi. Mọi người nên book trước qua app hoặc lúc tới Siwa ghé mua luôn, nói là đi Marsa Matrouh là họ biết. Giá khoảng 85 Pound 1 người

Về khách sạn, thì mình rất rất hài lòng và thích cái sự mến khách của anh lễ tân khách sạn Adriatica Hotel ở Marsa Matrouh lắm lắm. Đây là cái hotel duy nhất mà mình có thể book ở tp này vì mấy cái khác đều là chung cư hoặc resort rất đắt. Giá phòng thì không rẻ, nhưng dịch vụ và sự hiếu khách thì chấm 10/10. Phòng bọn mình giá 43 $ 1 đêm dù cũng cơ bản, có ban công và có cả cái phòng khách nhỏ ngồi uống trà

Anh lễ tân giúp tụi mình giữ khách sạn dù 12h đêm rồi mà chưa tới (ks này trả sau nên thường nếu trễ quá khách không tới sẽ huỷ phòng), cho tụi mình check out muộn 12:30 trưa trong khi 11:00 là đã phải check out, chỉ chỗ đi chơi cho tụi mình, tặng quà trước khi check out, mời nước miễn phí. Không biết tiền lời ở đâu nhưng cách làm dịch vụ như vậy mình rất hài lòng. Thành ra ai đi Marsa Matrouh thì ở chỗ này đi ạ, oke từ A tới Á luôn

📍 Giza

Ngắm được hoàng hôn ở Kim Tự Tháp sẽ mãi là một trải nghiệm khó quên đối với mình

Giza là một thành phố nằm trong Greater Cairo (đại Cairo), chứ không phải là Cairo. Và muốn thăm Kim Tự Tháp thì bạn bắt buộc phải đến Giza. Nếu ở trung tâm Cairo mà ra Giza thì đi Metro tới trạm Giza là trạm cuối, sau đó bắt Careem ra Kim Tự Tháp cách đó 7,8km

Kim Tự Tháp và Nhân Sự – Pyramids of Giza and Sphinx

Có ai mà không biết đến Kim Tự Tháo và Nhân Sư?

Khu Giza này thì khá phức tạp và bát nháo nên mọi người cần nghiên cứu kỹ mình sẽ đi đâu làm gì. Vì khu này tập trung rất đông người đến xem Kim Tự Tháp nên lúc nào cũng ồn ào và đầy rẫy Scam mọi nơi. Hãy đến Giza với một tâm lý sẽ bị Scam để phòng tránh.

Vé vào Khu vực Kim Tự Tháp chia ra làm các loại

– Vé vào tham quan cơ bản là 200 Pound

KTT Khufu – 400 Pound (vào bên trong xem phòng Vua)

KTT Menkaure (KTT nhỏ nhất) và KTT Kafre (Nhỏ thứ 2) là 100 Pound mỗi cái

– Bảo tàng thuyền đưa người chết qua thế giới bên kia là 100 Pound

Lưu ý: Nếu đem camera, thiết bị quay phim vào tất cả các khu di tích đều phải xin phép và mua thêm vé chụp ảnh. Đem tripod 20 Pound/lần đối với tất cả khu di tích

Nếu có ai đó chỉ đường cho bạn, mời bạn lạc đà, chỉ này nọ trước cổng Kim Tự Tháp cũng như bên trong thì tuyệt đối đừng bao giờ đi hay trả lời, kẻo bị dính Scam. Nếu sợ thì bạn nên mua tour từ khách sạn để có Guide đi cùng.

Vào bên trong KTT thì mình gợi ý đi và chụp ảnh với Sphinx (Nhân Sư) trước vì khu này vắng vẻ. Thời gian nên bắt đầu vào là 7:30 – 8:00 sáng. Chỉ 1 tiếng sau là thành quân Nguyên. Bạn có thể đi vòng bên hông tượng Sphinx để chụp ảnh nhưng không vào chính diện được. Cổng vào nằm bên tay trái khi quay mặt vào Sphinx.

Sphĩn nên là khu bạn chụp ảnh trước thay vì Kim Tự Tháp vì lúc nào ở Kim Tự Tháp cũng đống

Bọn mình mua vé vào KTT Kafre vì Khufu quá đắt và hầu như các KTT bên trong đều như nhau – giá chỉ 100 Pound. Bên trong KTT Kafre khá tối, nhưng có đèn và người đi cũng đông. Bạn sẽ cần qua 2 cái cầu thang rất thấp (phải cuối khom người mới đi được) là đến phòng vua.

Một trong 2 cầu thang dẫn vào phòng Vua từ ngoài cửa vào ẩn sâu bên dưới Kim Tự Tháp
Bên trong phòng Vua thuộc Kim Tử Tháp rất tối nên chụp ảnh khá khó, dòng chữ phía trên có nghĩa là phòng Vua được khám phá năm 1818

Trong này bảo vệ sẽ kêu bạn ngồi vô chụp hình cho bạn và lấy 20 Pound. Không thích có thể thôi không chụp nhé. Phòng vua thì chỉ còn quan tài trống thôi vì xác bị trộm viếng hết rồi.

Theo mình thì khu vực giữa KTT Kafre (số 2) và KTT Khufu (số 1) là dễ chụp ảnh nhất vì không đông người như bên mặt Khufu – tuy nhiên thì cũng phải canh và chụp vội vàng ạ

Khu vực con đường nối giữa KTT Khufu và KTT Khafre là khu dễ chụp ảnh và vắng nhất

Nếu đã đến đây rồi thì cũng nên cưỡi lạc đà đến Panoramic View – đây là cái view nhìn đc 6 KTT cùng lúc (3 cái to và 3 cái nhỏ), giá bọn mình deal ban đầu là 300 Pound cho 2 người trong 1 tiếng (phía cổng Giza để giá công khai là giá này ạ) nhưng họ không chịu và giở bài ngay sau đó luôn. Vì bạn mình không chịu nổi sự sốc của việc đi lạc đà (rất sốc nên nữ có thể đi trải nghiệm 5,10ph rồi lên xe ngựa kéo vì họ dùng xe ngựa kéo lạc đà đi) thì họ lấy lý do này đòi 1000 Pound cho đúng 1 tiếng rưỡi. Bọn mình phải cãi và chỉ ra rằng họ đã đồng ý với giá ban đầu, kèm 100 Pound là 400 Pound thì mới êm xui với họ được – dù họ vẫn luôn miệng, Are you Happy các kiểu, cốt để làm tụi mình thấy xứng đáng để trả 1000 Pound.

Khi đi lạc đà ở Giza, mọi người nên trả giá, mặc cả cẩn thận cũng như đề phòng bị giở kèo

Ngay tại Panoramic View thì không đông lắm nên chụp ảnh rất dễ. Nhưng khá nắng do không có gì che chắn hết, lạc đà họ thả cỏ ra cho ăn luôn nên bạn có thể chụp cảnh lạc đà ăn cỏ cũng thú vị

View tại Panoramic cực kỳ đáng tiền

Nếu đến Giza rồi thì nên ở 1 đêm ở đó để có thể trải nghiệm ăn sáng với view Kim Tự Tháp và xem Light & Sound Show

Nên ở 1 trong 2 cái KS ngay cổng là The Guardian House hoặc Pyramid View Inn để có view chính diện trên rooftop. Giá phòng khá đắt vì cái view đẹp. Nếu ở phòng có view Sphinx luôn thì phải 50$ 1 đêm, còn phòng hạng thường thì tầm 30$ nhưng khỏi ở view làm gì cho tốn vì ks vẫn có rooftop view xịn xò hơn.

Còn cái Light & Sound Show thì rất thất vọng, nhưng vẫn nên xem cho biết, kỹ xảo như thập niên 80, đèn đóm cũng không đặc sắc. Show 1 tiếng mà mọi người trên rooftop đi về quá nữa sau 20ph đầu, bù lại không tốn đồng nào nên vẫn đáng để xem KTT lên đèn

Light & Sound không hề đáng tiền, nhưng vì free nên vẫn nên xem trên rooftop của khách sạn

Ngày ở Giza vì có cái Mall of Egypt gần đó và cũng khá rảnh nên bọn mình tạt ngang. Thật sự đây là một quyết định đúng đắn vì Mall này có bán đồ Trung, sau nhiều ngày ăn đồ Ả Rập chán chê. Mall rộng và to, có hầu hết các thương hiệu lớn như Bath & Body Works, Zara, H&M… còn Ikea thì Mall Of Arabia mới có (cách đó không xa), nhưng Mall Of Arabia thì không nhiều cửa hàng bằng Mall of Egypt. Từ Giza ra đây khoảng 30ph, Careem giá 80 Pound thôi

📍 Cairo

Thành phố Cairo bên dòng sông Nile

Thành phố Cairo là thành phố hạt nhân trong khu đô thị Đại Cairo. Ở đây thì có nhiều thứ để làm lắm nghen – từ ngắm xác ướp ở bảo tàng các nền Văn Minh Ai Cập (200 Pound) – Egypt Civillization National Museum cho đến Cairo Museum (200 Pound nhưng hiện cổ vật đang được dọn ra ngoài để cuối năm 2022 khánh thành bảo tàng mới) hay đi chợ Khan El – Khali, Cairo Citadel hay Cairo Islamic và khu Slump – Garbage City

Cairo dự định cuối năm nay, 2022 sẽ khánh thành bảo tàng mới, là bảo tàng lớn nhất thế giới – The Grand Egyptian Museum – sẽ có rất nhiều cổ vật mới được trình làng, nên ai đi cuối năm có thể note lại ạ

Thành phố Cairo là một sự giao thoa giữa hiện đại và cổ kính. Thành phố này có thể làm bạn đitừ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, từ những kiến trúc cổ vô cùng đặc sắc và mang phong cách Châu Âu cho đến những tòa nhà cao tầng, những văn phòng công sở độc đáo.

Cairo Tower một chiều hoàng hôn
Bạn có tin đây là Cairo?
Trạm tàu điện Metro ở Cairo

Nổi tiếng là thành phố lớn nhất Châu Phi và cả Trung Đông nên nạn kẹt xe ở Cairo thật sự nghiêm trọng. Bọn mình đã được trải nghiệm chuyến đi 30 phút chỉ với 1,5km từ chỗ ăn về khách sạn dù hôm đó chỉ là một buổi tối bình thường.

Vì bọn mình chỉ ở Cairo có 2 ngày nên cũng tranh thủ đi một số chỗ đặc sắc

Chợ Khan El Khali – Khan El Khali Bazaar

Điểm để book Careem vào chợ này là Bab Al Futuh – Xe dừng tại cổng thành và bạn đi bộ vào. Chợ này rất dài và rất rộng. Đi tầm 2,3 tiếng chưa chắc đã hết chợ – mình hay gọi vui chợ này là chợ Chatuchak phiên bản Ai Cập. Cứ đi dọc 1 đường thẳng là vào trong trung tâm chợ. Nên đi vào chiều khoảng 3h đến 7h tối là đông vui nhất. Chợ có bán đủ thứ, từ quần áo, đồ lưu niệm, dụng cụ hút Shisa, đèn Ả Rập cho đến đồ ăn, nước uống, bánh kẹo, đồ chơi trẻ em, sách vở…

Một phần khu chợ Khen El Khali

Để có thể mua được đồ lưu niệm giá rẻ mà không mặc cả, trả giá (chợ này bao nói thách ạ) thì mấy bạn note lại 2 địa chỉ này – Jordi ShopCamel Bazar – đồ lưu niệm trong 2 chỗ này là Fixed Price nên có trả giá người ta cũng không chịu. Còn lại mua gì thì trả bằng 1/2 giá thôi ạ. Trung bình đồ lưu niệm ở 2 tiệm này rơi vào khoảng 20-100 Pound 1 món nên mình thấy là rất hợp lý luôn

.

Trục phố chính của chợ Khan El Khali

Vì chợ Khan El Khali này rất dài và có nhiều ngõ ngách nữa nên mọi người cần dùng GG Map để định vị xem đang ở đâu nhé ạ. Muốn book Careem đi về lại trung tâm thì ra đường lớn chỗ cái cổng mà book vì xe không vào được bên trong. Luồn lách trong mấy cái ngách chợ thích lắm, đặc biệt đi chiều tối là lên đèn lịm tim luôn

Cái vibe chợ thì rất là Ả Rập luôn, giống mấy cái chợ cổ trong phim mọi người ạ.

Và có một góc chợ rất nổi tiếng mà bạn không thể bỏ qua là điểm này Bab Al-Ghuri – Search Google Map là có nhé ạ. Chỗ này có 2 shop bán đèn Ả Rập, chiều là họ bật đèn lên hết nên lung linh huyền ảo. Bù lại thì người đi qua lại cũng nhiều nên chú ý coi chụp ảnh sao cho không dính người là cả một nghệ thuật

Quảng trường Tahir – Tahir Square

Quảng trường này thì trước đây từng là nơi bạo loạn do người ta nổi dậy trong phong trào Mùa Xuân Ả Rập – nhưng bây giờ thì chỗ này đẹp lắm nghen. Nếu có ở hotel ở đây thì book chỗ Cairo Hub Hostel – phòng khoảng 35$ / phòng nhưng có cái view rất xịn xò nè. Tuy nhiên thì bóp còi inh ỏi rất ồn do ngay trung tâm ạ.

Quảng trường Tahir là nơi đông vui nhất thành phố Cairo

Quảng trường này có cây cầu Qasr El Nil Bridge có đường cho người đi bộ luôn, buổi chiều đi dạo bộ trên cầu ngắm được 2 phía sông Nile của Cairo rất thích ạ, gió thổi ào ào mát ơi là mát luôn. Chỗ này cũng ngay trạm Metro nên rất thuận tiện đi lại.

Thành cổ Cairo – Cairo Citadel

Thành cổ Cairo nằm giữa trung tâm Cairo, giá vé 200 Pound. Trong này có rất nhiều khu để xem, nhưng đẹp nhất vẫn là Thánh đường Mohammed Ali – Mohammed Ali Mosque.

Thánh đường này thoạt nhìn cứ tưởng ở Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ ấy. Bên trong thì treo đèn đẹp khỏi nói. Mình không rành về kiến trúc nhưng cả bên trong và bên ngoài nhìn cứ như mấy cái nhà thờ thời phục hưng Châu Âu vậy đó. Ai tới đây cũng khen hết trơn, nhưng phải cởi giày và xách vào trong đền ạ.

View từ thành cổ Cairo một ngày mây mù, nếu may mắn có thể thấy Kim Tự Tháp phía xa xa

Ngoài ra khu Cairo Citadel này còn có cái pháo đài để ngắm toàn cảnh Cairo, thấy được cả Kim Tự Tháp ở Giza luôn (xa vậy mà vẫn thấy – khoảng 20km) nếu trời trong, ngày mình đi trời âm u nhưng vẫn thấy đó ạ.

Trong này còn có bảo tàng Cảnh Sát Ai Cập và bảo tàng Quân Đội, mấy cái này thì không phải gu mình nhưng vẫn có thể đi xem cho biết. Để đi cả cái khu này thì mất khoảng 1-2 tiếng nếu đi nhanh. Careem từ trung tâm tới đây khoảng 50-60 Pound và rất gần chợ Khan El Khali nên có thể kết hợp đi cùng

City Star Mall

City Star Mall rất rộng và rất dễ lạc nếu bạn không chú ý bản đồ hướng dẫn

Mall này nằm khá gần Citade nên mình có ghé qua. Rộng vl luôn á, hãng nào cũng có, Versace, Hugo, Tommy, Zara không thiếu thứ gì, mà vì cái mall rộng quá (trong 1 Mall có tới 3 cái Starbucks) nên là đi phải 2 tiếng mới hết cái mall. Đồ trong này thì mình thấy không đẹp bằng bên Mall of Egypt nhưng được cái nó gần hơn, gần sân bay và cũng tiện đường ạ

Còn trong sân bay Cairo – thì bạn nào đi hãng Egypt Air sẽ đi Terminal 3 nhé ạ. Terminal 2 thì của hãng Emirates (mình đi hãng này) từ Terminal 2 qua Terminal 3 sẽ băng qua một con đường nhỏ ngay đối diện Arrival Hall, sau đó nhìn bên tay trái, tay trái, tay trái (quan trọng nói 3 lần), có cái cầu thang bộ để kéo vali lên. Đi hết cầu thang lại rẽ trái tiếp (có biển chỉ dẫn đàng hoàng, để ý một chút là thấy) sẽ là sảnh đi của Terminal 2. Hễ vào sân bay Ai Cập là họ sẽ quét hành lý, giày, dây nịt và điện thoại nên tháo ra. Họ sẽ hỏi đi đâu, đưa họ xem hộ chiếu và vé bay là được ạ. Đừng nghe lời mấy ông Taxi kêu 2 cái Terminal này xa lắm, đi Taxi 100 Pound rất uổng, đi 5ph thôi, không biết thì hỏi cảnh sát nha.

Khách sạn ở Cairo: Australian Deluxe Hotel – Phòng bình thường nhưng ở Downtown trung tâm, bước xuống có KFC, Sharwama, tạp hoá giá 25$ 1 phòng đôi chưa share. không có ăn sáng ạ

Hết rồi ạ. Hy vọng mọi người sẽ có một chuyến đi Ai Cập thật thú vị 😍

Breakdown chi phí:

Vé khứ hồi KL – Cairo quá cảnh Dubai hạng Economy Saver: 13,5 triệu

Visa: 1,5tr – 290 RM

Vé máy bay 2 chặng Cairo – Aswan và Luxor – Cairo: 80$ + 64$ khoảng 3tr5

Bảo hiểm du lịch: 600k – 120 RM (Berjaya Sompo có Cover Covid – mua ở Malay)

Vé tàu hoả Aswan – Luxor hạng 1 ghế ngồi: 115 Pound – Khoảng 160k

Vé xe bus Cairo – Siwa, Siwa – Marsa Matrouh và Matrouh – Cairo tổng là 480 Pound – 600k

Đổi tiền: đổi 700$ còn dư 100$ theo tiền Ai Cập là 14tr (Cover tiền khách sạn + tour các thứ và ăn uống, di chuyển, tiền vé vào các điểm đến luôn ạ) – Chi phí khách sạn đã share cho 11 ngày phòng đôi 3,8tr/ người

Tổng: 34 triệu cho 11 ngày 10 đêm

Chúc mọi người có một chuyến đi Ai Cập thật thú vị ^ ^

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s