Banda Aceh – địa đầu Indonesia

Banda Aceh là ở đâu? Có gì đặc biệt? Câu hỏi này mình cũng đã từng tự hỏi khi một lần tìm kiếm thông tin về địa điểm này trên internet.

Có thể nói, Banda Aceh là thành phố thuộc tỉnh Aceh, nằm ở cực tây bắc đảo Sumatra, Indonesia. Tỉnh Aceh có quyền tự trị cao ngang với đặc khu Yogyakarta ở trung Java và Papua nhờ vào thỏa thuận giữa tỉnh và chính quyền trung ương Indonesia. Điều đó có nghĩa là ở Aceh sẽ có luật riêng – luật hồi giáo Shariah cấm mọi người, kể cả du khách, không được đánh bạc, uống rượu và quan hệ đồng tính. 

Bàn về cảnh quan, Aceh được thiên nhiên ưu đãi với hòn đảo Pulau Weh (hay còn gọi là Sabang – đặt tên theo thành phố lớn nhất trên đảo). Mọi thứ ở đây đều trong lành và đẹp một cách đáng kinh ngạc. Hy vọng bài viết của mình sẽ là một nguồn thông tin hữu ích cho các bạn muốn đến Aceh du ngoạn.

 

img_20190629_122229-013286895980249830237.jpeg

Một vài thông tin cần lưu ý:

  • Bạn nên mang theo các loại quần áo che kín người từ cổ đến chân để mặc tại các ngày ở thành phố Banda Aceh, trên đảo Pulau Weh sẽ thoải mái hơn vì luật Shariah không áp dụng triệt để.
  • Khi vào các thánh đường hồi giáo, nữ bắt buộc phải mặc kín từ cổ đến chân, trên đầu phải trùm khăn Hijab (một loại khăn của người Hồi) hoặc có gì đó để che tóc lại.
  • Đồ ăn ở Aceh rất khô và hầu như không có rau.
  • Các quán ăn và tiệm tạp hóa sẽ đóng cửa vào các khung giờ cầu nguyện, trong đó đóng cửa từ 6:30 đến 7:30 tối mỗi ngày
  • Thứ 6 hàng tuần, bạn không được lặn Snorkle hoặc thực hiện các hoạt động dưới biển từ sáng cho đến 2 giờ chiều.

Di Chuyển

  • Vé máy bay
img_20190701_2215364803895348007104720.jpg
Sân bay Sultan Iskandar Mudar ở Aceh

Hiện không có đường bay thẳng từ Việt Nam đến Banda Aceh mà bạn phải tách chuyến hoặc quá cảnh tại Kuala Lumpur, Singapore và Jakarta. Các hãng bay thường là Garuda Airlines, Citilink của Indonesia – bay từ Jakarta hoặc Air Asia – hãng bay “huyền thoại” bay từ Kuala Lumpur hoặc Penang. Giá vé máy bay từ Kuala Lumpur đi Aceh dao động từ 800k đến 1000k khứ hồi, trong khi bay từ Jakarta sẽ khoảng 1200k đến 2000k khứ hồi. Bạn cũng có thể bay đi Aceh từ Penang. Lịch trình hợp lý sẽ là đến Aceh vào sáng sớm và di chuyển ra đảo.

Đặc biệt, trên chuyến bay đi Aceh của Air Asia, bạn sẽ không thấy tiếp viên nữ vì Air Asia không có truyền thống trùm khăn nhưng luật của Aceh bắt buộc tiếp viên đến tỉnh đều phải trùm khăn nếu là nữ :D. 

  • Di chuyển ra đảo Pulau Weh và trở về Banda Aceh

Để di chuyển ra đảo Pulau Weh, bạn phải đi tới cảng Ulee Lheu cách sân bay khoảng 30km. Thông thường, bạn có thể bắt Grab hoặc Taxi từ sân bay về cảng với giá 100k IDR (Khoảng 170k VND) cho một xe 4 chỗ. 

Để di chuyển về lại Banda Aceh, bạn phải tới cảng Balohan. Giá Becak (một loại xe xích lô máy giống Tuktuk của Thái Lan) tầm 100k IDR (170k VND), giá xe ô tô 4 chỗ tầm 150k IDR (250k) nếu đi từ bãi Iboih. Nếu đi từ thành phố Sabang, giá sẽ rẻ hơn. Di chuyển mất 1 giờ từ Iboih ra cảng hoặc ngược lại.

Bạn có 2 sự lựa chọn:

  • Tàu nhanh Bahari Express

2019-07-01 084914632288876408562..jpg

Tàu này có giá thường là 80k IDR (khoảng 135k VND) một vé hoặc 100k IDR cho vé vip. Khoang ngồi khá hẹp, tuy nhiên có máy lạnh. Bạn có thể ra phía đuôi tàu hóng gió biển nếu thích. Khoang ghế vip sẽ rộng rãi và ghế ngồi mới hơn khoang thường. Thời gian tàu chạy từ 45 phút đến 1 giờ. Đặc biệt, các bạn say sóng, say tàu nên mang theo thuốc vì tàu không êm lắm do sóng vỗ mạnh. Mua vé và có mặt 15 phút trước khi tàu chạy.

img_20190628_091426-019131588347879191559.jpeg

Lịch tàu Bahari Express sẽ thay đổi theo mùa, bạn nên cập nhật với chủ khách sạn trên Pulau Weh. Tuy nhiên, thường sẽ có các chuyến như sau:

Banda Aceh -> Pulau Weh gồm các chuyến: 8:00, 10:0016:00

Pulau Weh -> Banda Aceh gồm các chuyến: 8:00, 10:00, 14:30, 16:0017:00

  • Phà chậm – Slow Ferry

Phà chậm có thể mang xe ô tô và xe máy từ Banda Aceh hoặc từ Pulau Weh lên phà. Giá vé dao động từ 25k IDR (50k VND) lên đến 50k IDR tùy hạng vé. Phà này chạy êm, tuy nhiên là lựa chọn của đa số người dân Indonesia nên rất đông và chỉ có khoang Vip mới có máy lạnh. Phà chạy khoảng 1 giờ 30 phút. 

Lịch phà chậm sẽ thay đổi theo mùa, bạn nên cập nhật với chủ khách sạn trên Pulau Weh. Tuy nhiên, thường sẽ có các chuyến như sau:

Banda Aceh -> Pulau Weh gồm các chuyến: 8:00, 10:00 16:00

Pulau Weh -> Banda Aceh gồm các chuyến: 8:00, 14:30 16:00

Tại Pulau Weh, bạn có thể chọn thuê xe máy để di chuyển với giá từ 60k IDR cho nửa ngày đến 100k IDR cho một ngày hoặc đi bằng Becak và ô tô với giá cao hơn. Xe máy ở đây sẽ không đội nón bảo hiểm. Bạn có thể thuê xe máy ngay đầu làng Iboih và trả xe ngay tại đó. Đường đi trên đảo đa số là đường đèo cao và dốc. Ban đêm một số đoạn rất vắng và không có đèn đường nên hạn chế đi lại từ khoảng 7 giờ tối trở lên. 

img_20190630_125117-018863728237780217436.jpeg

  • Di chuyển trên đất liền tại thành phố Banda Aceh

Tại Banda Aceh, bạn có thể sử dụng Grab hoặc Gojek để tiện đặt xe. Giá Grab ô tô mình đi đều khoảng 11k IDR (18k VND) hoặc cao nhất là 30k IDR cho quảng đường khoảng 3 đến 5km. Hoặc bạn cũng có thể thuê xe máy và đi Becak. Tuy nhiên phải trả giá nhé. Đặc biệt, ở Aceh sẽ không có taxi để bạn gọi.

Ngôn Ngữ

Indonesia không phải là quốc gia nói tiếng anh làm ngôn ngữ thứ hai nên 90% người ở đây sẽ không nói được tiếng anh. Trong suốt các ngày ở Pulau Weh và Aceh, mình gặp được khoảng vài người nói tiếng anh, trong đó có nhiều người nói rất tốt và đa số đều tập trung ở bãi Iboih hoặc Gapang trên đảo. Để có thể “sống còn” ở Aceh, bạn nên học tiếng đếm và tên các món ăn ở Indonesia bằng tiếng Bahasa.

Ẩm thực

Nhìn chung, ẩm thực Aceh không khác ẩm thực các vùng khác là mấy. Thức ăn rất ít rau, đa số là mì xào, cơm chiên, rất ít món nước và cũng không thấy hải sản nướng (trừ cá biển). KFC có thể tìm thấy ở vài địa chỉ tại Aceh, trên đảo Pulau Weh dĩ nhiên là không có.

Chi tiêu cho ăn uống trên đảo Pulau Weh đắt gấp rưỡi hoặc gấp hai lần ở Aceh. Giá thức ăn dao động từ 20k IDR đến 40k IDR một món. Nước uống các loại từ 10k IDR đến 15k IDR

Giá thức ăn và thức uống ở Banda Aceh sẽ rẻ và dễ chịu hơn với khoảng từ 10k IDR đến 25k IDR một món. 

Sau đây là các món bạn nên thử:

  • Mie Aceh: Một loại mì xào chế biển theo kiểu Aceh. Nên ăn ở quán Mie Razali gần thánh đường Baturahman. Giá một phần mì tôm, mực hoặc cua dao động từ 25k đến 45k IDR

2019-07-01-21-41-369037694122159876491.jpg

  • Ayam Penyet: Món truyền thống ở Indonesia. Cơm gà chiên ăn với nước chấm tương ngọt và ớt rất ngon. Món này dao động từ 20k IDR đến 30k IDR.

2019-07-01-21-44-287487367220504850952.jpg

  • Satay Matang: Các xiên Satay bò, dê, gà nướng ăn với sôt đậu phộng, cơm trắng và nước hầm xương bò. Giá một phần 10 xiên gồm các món ăn kèm là 35k IDR. Mình recommend nên ăn ở quán Warung Satay Matang ở Banda Aceh. 

2019-07-01-21-43-176092665294746593019.jpg

  • Mie Bakso: Mì bò viên nước, ăn ngon, nên ăn ở Bakso Kojek gần thánh đường Baturahman ở Aceh. 

2019-07-01-21-42-402602501792284892762.jpg

  • Bakso Goreng: Một loại thức ăn nhanh giống kiểu bò viên, cá viên của Việt Nam anư với sốt tương đen và tương ớt. Giá 1k IDR một xiên, ăn rất ngon và bùi miệng.

2019-07-01-21-42-036944412505107018744.jpg

  • Murtabak: Hay bán ở khu vực quanh thánh đường Baturahman, có các loại Murtabak ngọt và mặn như Murtabak sầu riêng và Murtabak thịt trứng. 

Lưu Trú

Điều tuyệt vời nhất trong chuyến đi này của mình là lựa chọn địa điểm lưu trú hợp lý. Sau đây là các thông tin mà bạn có thể tham khảo:

  • Tại Pulau Weh

Thông thường, khách du lịch đến đảo thường chọn ở ba nơi: bãi Gapang, bãi Iboih và thành phố Sabang. Mình khuyên các bạn nên ở bãi Iboih vì rất tiện đi lại, lặn Snorkle cũng như ăn uống, tuy có hơi buồn hơn so với ở Sabang nhưng người ở Iboih nói tiếng anh tốt nhất trong các nơi. Một số nơi bạn có thể cân nhắc ở như:

  • Thành phố Sabang: Freddie Sumur Tiga hoặc Casa Nemo Resort, giá phòng đôi view biển một người một ngày tầm 300k IDR đến 400k IDR (500k VND đến khoảng 670k VND)
  • Bãi Iboih: Yulia Guesthouse, Iboih Inn, Olala Cafe & Bungalows là 3 sự lựa chọn tốt nhất ở làng Iboih vì nằm ở một khu yên tĩnh và có nước biển trong xanh nhất khu vực Iboih. Tuy nhiên, xe lại không thể vào đây mà bạn phải đi bộ khoảng 10 đến 15 phút tùy vào chỗ ở. Đường đi được trải nhựa nhưng buổi tối sẽ không có đèn đường. Vì đối diện đảo Rubiah nên nếu ở 1 trong 3 nơi này sẽ rất tiện di chuyển qua đảo để đi lặn Snorkle ngắm cá. 

Olala Cafe & Bungalow

2019-07-01 083037530806402026551..jpg
Cầu tàu trước Olala Cafe

Bạn có thể book phòng của Olala ở Booking.com hoặc Agoda dạng phòng Deluxe Bungalow Ocean View. Phòng có giá 250k IDR một ngày (khoảng 350k VND) cho 2 người ở và có toilet riêng. Tuy nhiên, phòng rất cơ bản và không có máy lạnh. Điểm trừ duy nhất chính là buổi tối sóng thường đánh rất mạnh nên khá ồn, khó có thể ngủ ngon giấc. Còn ngược lại, sáng sớm, bạn có thể nằm tận hưởng tại võng của ngay trước ban công Bungalow với view biển cực kỳ mê hoặc. Điện trên đảo ban đêm rất yếu nên bạn không thể sử dụng máy sấy trong khi sạc điện thoại. 

Thái độ phục vụ của các bạn ở Olala rất tốt, họ sẽ chào hỏi tên bạn khi mới đến. Quầy lễ tân cũng nhà nơi phục vụ đồ ăn của Olala. Giá ở đây dao động từ 35k IDR đến 50k IDR một món ăn, và từ 15k IDR đến 20k IDR một món nước, đắt hơn nhiều so với khi ăn ở phía đầu làng Iboih. Bạn nên thử món Ayam Penyet của họ vì rất ngon.

2019-06-30 079181724530339193915..jpg
Bình minh ở Bungalow Cafe

Ở Olala cũng có dịch vụ cho thuê xe máy, tàu đi qua Rubiah để lặn Snorkle hoặc giặt ủi và thuê xe đi ra cảng Balohan hoặc từ Balohan về lại Olala.

  • Tại Banda Aceh

Để tiện đi lại ở Banda Aceh, mình đặt phòng ở OYO Mulana Hotel, phòng 2 giường đơn có giá rất rẻ, chỉ 135k IDR (220k VND) một phòng. Phòng sạch sẽ, sáng, có máy lạnh và rất gần các khu chính như thánh đường, các khu ăn uống. Bạn có thể book phòng trên Agoda với các deal giảm giá hoặc Booking.com với giá mắc hơn một chút

Sim Điện Thoại

2019-07-01-21-44-566648760073190987834.jpg

Bạn nên mua sim của nhà mạng Telkomsel vì có độ phủ sóng 4G rộng nhất ở Aceh và ở đảo Pulau Weh. Trên đường đi từ sân bay về cảng Ulee Lheu đi Pulau Weh có thể nói tài xế dừng lại để mua. Nên mua gói 8GB trong 1 tuần với giá 70k IDR (120k VND)

Tiền Tệ

Indonesia sử dụng đồng Rupiah làm tiền tệ chính. Tỷ giá dao động từ 1,7 đến 1,75 tức 100k IDR xấp xỉ 170k VND. Bạn nên đổi ra tiền mệnh giá nhỏ vì mệnh giá 100k IDR thường rất khó dùng để mua đồ lặt vặt. Tiền Indonesia hiện đang có 2 series cũ và mới nên đừng bất ngờ khi thấy các tờ tiền có thiết kế khác nhau nhé.

Pulau Weh

Điểm nhấn duy nhất của cả chuyến đi là Pulau Weh, hòn đảo cách Banda Aceh 45 phút đi tàu nhanh. Pulau Weh được xem là nơi lặn Dive và Snorkle đẹp nhất Sumatra nói chung và nằm trong top đảo đẹp ở Indonesia nói riêng. Chu vi của đảo khoảng 60km nên có thể sử dụng xe máy đi lại rất dễ dàng. Đảo không quá tiện nghi nhưng lại mang hơi hướng nghĩ dưỡng nhẹ nhàng hơn là các hoạt động vượt sức như ở các đảo khác.

  • Làng Iboih.
2019-07-01 088741936366607019013..jpg
Bãi biển trước làng Iboih

Iboih là một làng nhỏ nằm ở mạn phía bắc của đảo. Điểm hút khách của làng chính là bãi biển trong và xanh đến tận đáy với nhiều rặng san hô còn nguyên vẹn và hàng đàn các thể loại sinh vật biển như mực, cá đuối, cá hề…Nước ở khu vực làng trong và mát đến nỗi có ngâm người trong nước cả ngày cũng không chán. 

2019-07-01 07251423821944123092..jpg
Cầu tàu ở làng Iboih

Có thể nói, chỉ cần một cái kính lặn và áo phao (đối với các bạn không biết bơi), là có thể thỏa thích vui chơi ở đó cả ngày mà không chán. Ngoài ra, đây còn là nơi sôi nổi và “biết tiếng anh” nhất ở toàn đảo.

Từ làng, bạn có thể tìm các dịch vụ đi ngắm cá heo, đi lặn Dive, lặn Snorkle ngắm san hô và cá hay các dịch vụ khách như thuê xe, ăn uống… Trên làng có 2 cây ATM nhận cả thẻ Visa và Master nên không sợ hết tiền giữa chừng. Tuy nhiên thì ăn uống trên làng hơi đắt nhé.

  • Đảo Rubiah

2019-07-01 076126637698924434060..jpg

Một đảo nhỏ đối diện làng Iboih, đi tàu máy từ làng khoảng 10 phút là đến. Đây là nơi lặn Snorkle đẹp và nhiều cá nhất cả đảo Pulau Weh. Chỉ cần một nhúm bánh mì hoặc mì gói và đàn cá sẽ đi theo bạn bất cứ nơi đâu, đủ loại cá với đủ sắc màu, nước lại rất lặng và trong nữa.  Giá tàu đi từ làng Iboih qua đảo là 200k IDR (340k VND) một tàu, giờ đi và về tùy bạn quyết định. Giá thuê kính lặn và áo phao, chân vịt là 40k IDR (70k VND). Trên đảo còn có các hàng ăn và bán nước dừa tươi nên có thể dừng lại thưởng thức nước sau khi tắm xong.

2019-07-01 075034474251885721013..jpg
Đây là khung cảnh khi bạn lặn Snorkle ở đảo Rubiah
  • Gua Sarang

img_20190628_164435-028676264046096522169.jpeg

Cách làng Iboih khoảng 6km chạy xe, vượt qua những con đèo là một vực núi nhìn ra biển rất đẹp. Tại đây, bạn có thể vừa đung đưa, vừa ngắm biển với các dây xích đu được bố trí ở những cây cao gần đó. Trò xích đu thoạt nhìn có vẻ rất mạo hiểm nhưng lại rất vui, chỉ cần bạn bám chắc dây thừng và ghế ngồi là đã có những giây phút thoải mái trước biển rồi. Bạn cần trả 5k IDR cho một vé vào đây, phải nói là quá rẻ so với những gì bạn nhận được. Nếu có thời gian, bạn có thể đi tiếp tục xuống các ghềnh đá bên dưới, sóng ở đây khá cao và trơn trượt nên cần cẩn thận. Từ khu xích đu, bạn cần đi bộ khoảng 20 phút hoặc thuê tàu ra khu hang động và ghềnh đá. 

2019-06-29 066659638878335769417..jpg

  • Kilometer 0 Indonesia
2019-07-01 074793944576354031494..jpg
Cột mốc Kilometer 0 – điểm bắt đầu của Indonesia trên đảo Sumatra

Là nơi đặc biệt nhất ở đảo Pulau Weh, cột mốc này được rất nhiều người Indonesia ghé thăm vì không chỉ mang tính chất địa lý mà còn mang đậm dấu ấn dân tộc . Bản thân Pulau Weh đã là điểm đầu tiên đánh dấu sự bắt đầu của lãnh thổ Indonesia ở phía tây bắc. Đây cũng là nơi đón hoàng hôn đẹp nhất Pulau Weh với đường chân trời rộng tít tấp. Ở phía bên phải của cột mốc là một loạt các bậc cầu thang dẫn xuống chòi gỗ để bạn đón hoàng hôn. Tiếng sóng vỗ kết hợp cùng những tia nắng cuối cùng của một ngày là một khung cảnh đặc biệt không thể bỏ qua ở đây. Vé vào cột mốc là 5k IDR một người. 

2019-07-01 081323809049923256815..jpg
Hoàng hôn nhìn từ điểm ngắm hoàng hôn gần cột mốc

2019-07-01 088938351973247010401..jpg

  • Sumur Tiga
instagram_aceh_lonsayang_42002875_359194657955454_605369395488751616_n-016397952762853249341.jpeg
Bãi biển Sumur Tiga

Bãi biển đẹp thứ hai ở Pulau Weh cách trung tâm thành phố Sabang khoảng 2km là Sumur Tiga. Với hàng cát trắng trải dài và hàng cây dừa tít tắp, đây được xem là nơi mà người dân địa phương thường đến để thư giãn vào các ngày cuối tuần. Nước biển trong và xanh tận đáy với những con sóng nhẹ nhẹ cùng hàng dừa xanh là điểm nhấn chính tạo nên sự nổi tiếng của nơi này. Để có thể cảm nhận hết vẻ đẹp của nơi đây, bạn nên đến Resort Freddie Sumur Tiga để thưởng cho mình một bữa ăn tại nhà hàng của resort với giá rất phải chăng. Bên cạnh đó, bạn có thể chụp ảnh với hàng dừa của khu resort mà không cần phải tốn một chi phí nào.

img_20190629_160458-012240699519552585216.jpeg
Resort Freddie Sumur Tiga
  • Anoi Itam
2019-06-29 105692413888384252021..jpg
Một trong các ghềnh đá ở Anoi Itam

Từng là cứ điểm cũ của quân đội Nhật chiếm đóng tại đảo, nơi đây ngày nay được du khách biết đến như là nơi có đường chân trời và có view biển rộng nhất cả đảo Pulau Weh. Cả khu này là một bãi cỏ xanh với những rặng đá san hô cao lớn nhìn ra tít tắp phía biển xa. Ngồi trên những rặng đá, lặng đó những cơn gió biển thổi qua trước một khung cảnh yên bình như thế, có lẽ là một trong những trải nghiệm mà mình khó có thể quên được. 

img_20190629_172325-011105956836319733800.jpeg

  • Sabang

Là một thành phố nhỏ trên đảo, Sabang là nơi bạn có thể tìm thấy tất cả mọi thứ từ những món ăn truyền thống giá rẻ cho đến những nhu yếu phẩm cần thiết cho chuyến đi. Không có nhiều hoạt động để bạn có thể làm ở Sabang ngoại trừ dạo quanh những con phố và trải nghiệm những món ăn ở thành phố biển nhỏ xinh này.

Banda Aceh

2019-07-01 075432300681775901633..jpg
Một góc thành phố Aceh

Là thành phố lớn nhất của tỉnh Aceh với rất nhiều “danh tiếng” về sự đặc biệt của nó, Aceh khiến mình cảm thấy thích thú hơn là chán ghét vì những luật lệ hà khắc. Cuộc sống ở đây rất bình thường và dễ thương. Mọi người sẽ xem bạn như là những vị khách quý vì rất ít khi có khách đến thăm nơi này.

img_20190628_084501-016636392466030868463.jpeg

  • Cảng Ulee Lhue
img_20190628_094005-018448637315476703048.jpeg
Bãi biển tại cảng Ulee Lhue

Cảng Ulee Lhue là nơi bạn phải đến khi muốn ra đảo Pulau Weh. Ở đây có một bãi biển trải dọc theo các con đập bằng đá xây dựng quanh cảng rất thú vị và dễ thương. Từ đây phóng tầm mắt ra xa sẽ thấy đảo Pulau Weh hoặc đảo Nasi thấp thoáng trên mặt biển. 

  • Thánh đường Baiturahman – Grand Masjid Baiturahman

Là thánh đường lớn nhất Banda Aceh, mình khó có thể hình dung được độ nổi tiếng của nó sau trận sóng thần năm 2004 khi mà đây là nơi duy nhất còn tồn tại giữa bốn bề đổ vỡ của những ngôi nhà và các công trình công cộng khác. Từ đó, thánh đường như một biểu tượng của thánh Alah thiêng liêng đối với người dân Aceh.

Bạn không cần tốn phí để vào thánh đường nhưng phải để dép hoặc giày ở ngoài, đi chân trần vào bên trong. Nếu không phải là người theo đạo, bạn sẽ không được phép vào bên trong mà chỉ có thể tham quan từ phía bên ngoài. Các bạn nữ khi đi vào phải choàng khăn Hijab qua khỏi đầu để che tóc cũng như ăn mặc thật kín đáo.

2019-06-30 077664811588567338802..jpg

Người dân ở đây rất hiếu khách và hiếu kỳ, họ sẽ rất thích khi được chụp ảnh cùng bạn, những người bạn từ phương xa đến. Vào buổi chiều, khi hoàng hôn xuống, thánh đường dần trở nên đẹp hơn bởi những ánh nắng cuối ngày chiếu xuyên qua những nét kiến trúc hồi giáo phương đông. 

Bên ngoài thánh đường là rất nhiều các hàng quán ăn vặt rất đông vui, khá giống các hàng quán ở Việt Nam, và đặc biệt là rất rẻ.

Tối đến, bạn có thể đi dạo xung quanh các con phố gần thánh đường, thưởng thức các món ăn đặc sản địa phương hoặc thử cà phê Aceh, một trong các thức uống được yêu thích nhất của dân bản địa và cũng khá giống cà phê sữa đặc của Việt Nam.

Ngoài ra, bạn cũng có thể dành thời gian tham quan các địa điểm khác mang tính lịch sử ở Aceh như bảo tàng tưởng niệm nạn nhân sóng thần năm 2004 (Tsunami Museum) hoặc con tàu bị mắc kẹt trên nóc nhà tại Aceh để thấy sự tàn khốc của cơn sóng thần năm ấy. 

Lời kết

Có thể Aceh không quá đặc sắc và cũng không có những cảnh quan hùng vĩ hay những bãi biển hớp hồn như ở Bali, Lombok hay quần đảo Komodo, nhưng mình tin chắc, bạn sẽ không thất vọng khi đến nơi đây. Đến để cảm nhận, để hiểu hơn về quá trình xây dựng lại thành phố cũng như sự quật cường của người dân Aceh sau sự kiện đáng tiếc 15 năm về trước.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s