Thu vàng trên Con Đường Tơ Lụa – Kyrgyzstan

Trung Á gồm nhiều nước có hậu tố “Stan” tức là vùng đất. Và 2 nước Kazakhstan + Kyrgyzstan là 2 trong nhiều nước có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ do có dãy Thiên Sơn chạy qua. Và Kyrgyzstan là 1 trong 2 nước mà mình đã phải lòng ngay từ lúc nghe đến. Với cảnh quan đa dạng, thảo nguyên, đồng cỏ, hồ nước xanh thẩm nép mình dưới những dãy núi tuyết hùng vĩ, mình đã rất mong có dịp được đến thăm đất nước xinh đẹp này. Không kém cạnh đàn anh Kazakhstan, Kyrgyzstan là một trong những đất nước có thiên nhiên đẹp nhất mà mình từng được đến…

Kyrgyzstan với thiên nhiên vô cùng hùng vĩ

Mình xin phép chia sẻ chi tiết hành trình 4 ngày tại đất nước xinh đẹp này. Dù không giành nhiều thời gian như Kazakhstan, nhưng thật sự, thiên nhiên của đất nước này xứng đáng được xem là đẹp nhất Trung Á, đẹp hơn cả Kazakhstan nữa.

Lưu ý: bài review rất dài nhưng có đầy đủ thông tin mọi người cần. Bài viết không mang tính chất thương mại hoặc quảng cáo cho bất kỳ nhãn hàng nào. Lần cập nhật gần nhất: 10/2022

Visa

Đối với Kyrgyzstan thì công dân Việt Nam cũng được miễn Visa nhưng là miễn vô thời hạn (Wiki) và sự thật là họ cũng không hỏi mình ngày nào về. Theo review năm 2019 thì hải quan có làm khó và yêu cầu mua Visa giá 50$ nhưng tình trạng này hiện đã không còn. Hải quan bên Kyrgyz vẫn lật xem hộ chiếu và tra rất kỹ nhưng đều qua thành công trót lọt, không bị hỏi han gì. Kể cả ở cửa khẩu Karaka cũng vậy. Phần này mình sẽ review chi tiết hơn bên dưới. Tuy nhiên – theo cập nhật mới nhận từ một bạn sống tại thủ đô Bishkek, thời gian thực tế được miễn Visa là 60 ngày. Vậy nên các bạn cân nhắc kiểm tra thông tin nếu muốn đi dài hạn nhé

Mùa và khí hậu

Tại sao đi mùa Thu mà không phải Hè?

Với mình thì mùa hè dù cây cối xanh tươi nhưng không đặc trưng lắm vì mình quan niệm ở Việt Nam, mùa hè cũng có núi có cây xanh. Ngoài ra thì mùa hè cũng là mùa nhiều người đi du lịch ở Kazakh và Kyrgyz nên chi phí sẽ tăng cao. Dĩ nhiên mùa thu thì thời tiết mát mẻ và lạnh hơn. Nhưng đặc biệt là mùa thu lá vàng cực kỳ đẹp ở hầu hết mọi nơi trên 2 đất nước. Và dù nói mùa thu nhưng nếu may mắn, bạn sẽ thấy tuyết đầu mùa luôn.

Mùa thu tại Kyrgyzstan là một trong những mùa thu đẹp nhất mà mình từng thấy

Làm sao để biết thời gian nào của mùa thu là đẹp nhất?

Cái này không ai nói trước được, tất cả đều dựa vào sự may mắn của bạn, cùng một tỷ lệ nhỏ nghiên cứu về thời tiết qua các năm. Hiện tại, theo mình biết, ở các nước Vĩ Độ xa về 2 cực như Nga, Phần Lan, Thuỵ Điển, Mông Cổ… mùa thu sẽ vàng sớm nhất, ngoài ra còn phụ thuộc vào việc khối không khí lạnh có tới sớm hay không.

Tháng 10, tháng của mùa thu tại Kyrgyzstan

Theo mình có tìm hiểu thì mấy năm gần đây (2019), mùa thu ở Kazakhstan + Kyrgyzstan thường peak ở tuần thứ 2 và 3 tháng 10 (tức tầm 10-20/10) và sẽ chuyển dần về mùa đông vào cuối tháng. Đôi khi có xê dịch nhưng cũng ít khả năng kéo dài đến đầu tháng 11. Và mùa thu peak cũng ko có nghĩa là sẽ ko có tuyết hoặc peak vẫn giữ nguyên trong thời gian dài như vậy. Nhìn chung thì chỉ cần một trận tuyết/gió/mưa là đã cuốn bay một đám lá vàng. Vì vậy nên tất cả phụ thuộc vào nhân phẩm và tìm hiểu thông tin để lên plan.

Vé máy bay

Vấn đề săn vé máy bay đi Trung Á luôn là vấn đề nhức nhối vì những đường bay này nhu cầu không cao, vì vậy tần suất ít và số chuyến bay cũng ít. Hiện tại, theo như mình được biết, chưa có chuyến thẳng từ Việt Nam đến Bishkek hoặc chuyến quá cảnh 1 lần đền thủ đô của Kyrgyzstan. Bạn có thể thử kiểm tra các hãng bay ở Ấn hoặc các nước cùng khu vực. Lý do có thể là vì đất nước này chưa phải là điểm đến phổ biến, thậm chí còn chưa phổ biến bằng với Kazakhstan – đất nước giàu nhất khu vực Trung Á.

Mọi người có thể chọn đến Kazakhstan trước rồi từ đó đi qua Kyrgyzstan vì 2 nước này nằm cạnh nhau. Chặng Astana – Bishkek hiện tại phải quá cảnh Almaty vì chỉ có duy nhất 1 chuyến trong ngày và ko có chuyến bay thẳng (Dĩ nhiên từ Almaty với Bishkek thì có bay thẳng và hiện chỉ có 1 chuyến 1 ngày). Trong trường hợp muốn tiết kiệm tiền hơn. Mọi người có thể cân nhắc thuê xe đi Bishkek cách Almaty khoảng 3-4 giờ chạy (hoặc đi bằng Makshurkta – một dạng xe khách share – chỉ chạy khi đủ khách. Vé chặng Astana – Bishkek của Air Astana bọn mình săn giá 75$ đã bao gồm ký gửi.

Lưu ý: Theo thông tin mình biết thì việc nhập cảnh bằng đường bộ ở Kyrgyzstan khá khó khăn, khó hơn so với nhập cảnh đường hàng không ở sân bay Manas (có thể vì hải quan tại cửa khẩu rất ít gặp người Việt Nam nên hay dò xét, đề phòng nhập cảnh bất hợp pháp)

Với hãng bay Air Astana thì chuyến Almaty – Bishkek bay rất nhanh nên ko có ăn, chỉ có nước uống. Chặng này bay khoảng 50 phút là đến.

Lịch trình thực tế

Sau đây là plan chi tiết chuyến đi của mình. Trộm vía do lên plan kỹ nên ko bỏ sót điểm nào trong plan hết. Và xin lưu ý: do tần suất di chuyển nhiều nên cung này trừ khi bạn có nhiều thời gian hơn, nếu không thì mình không khuyến khích các bạn không có sức khoẻ lựa chọn. Vì đôi khi phải di chuyển cả ngày. Plan này lên khi chưa có đường bay thẳng. Hiện đã có bay thẳng nên các bạn có thể cân nhắc thêm hoặc bớt lịch cho phù hợp

15/10: Kuala Lumpur – Doha (Qatar) – Almaty, Kazkhstan

16/10: Almaty, Kazakhstan (đáp 2:30am) – Hồ Big Almaty (hoặc đổi bằng địa điểm khác) – Hồ Issyk – đi dạo Almaty về đêm

17/10: Almaty – Hồ Kolsai – Vực Charyn (ko thể đủ thời gian kết hợp thêm Kaindy Lake nếu bạn ko dừng lại nghỉ đêm ở làng Saty giữa đường)

18/10: Almaty – Astana (Nur Sultan cũ), Kazakhstan – Quảng trường Baiterek – Trung tâm mua sắm Khan Satyr

19/10: Astana – The Sphere Expo 2017 – Palace of Peace – Quảng trường Kazakh Eli – Nhà hát Opera Astana – Cầu đi bộ Alryrau

20/10: Astana – Bishkek (quá cảnh Almaty)

21/10: Bishkek – Trekking Vườn Quốc Gia Ala Archa – Tháp Burana – Karakol (nghỉ đêm tại Karakol – có thể dừng lại tại hồ Issyk Kul nếu có thời gian)

22/10: Karakol – Altyn Arashan (ngủ đêm tại Altyn Arashan và ko trek hồ Ala Kul – bạn nào trek thì thêm 1 ngày vào)

23/10: Altyn Arashan – Karakol – Cửa khẩu Karaka và Kagen (Kazakh + Kyrgyz) + Hồ Kaindy – Almaty

24/10: Almaty – Công viên Terrenkur – Vườn thực vật Botanical Garden – nhà thờ Zenkol – Bay về Kuala Lumpur

25/10: Almaty – Doha – Kuala Lumpur

Chi phí chi tiêu

Dù đường bay đắt nhưng vật giá ở Kazakhstan và đặc biệt là Kyrgyzstan khá rẻ – lý do là vì ở Kyrgyzstan, chi phí sinh hoạt và mức sống thấp hơn Kazakhstan nên nhìn chung từ ăn uống, di chuyển đều rẻ hơn. Nhìn chung khách sạn tốt giá phòng từ 25-30$, các loại dorm cũng không thiếu và cũng chỉ tử 8-15$. Chi phí ăn uống rơi vào khoảng 20$ 1 ngày 3 bữa nếu bạn chọn ăn ở các quán local và không có menu tiếng Anh. Nếu ăn ở các quán nổi tiếng hơn và có menu tiếng Anh thì tầm 30-40$ 1 ngày 3 bữa. Thực tế tiền ăn bọn mình chi tiêu chưa đến 25$ 1 ngày do có chia theo đầu người (3 người) và đa số những nơi bọn mình book đều bao ăn sáng cơ bản (trứng, bánh mì, yoghurt, chuối) trừ 2 ngày bọn mình ăn sáng kiểu buffet của Hotel Kazakhstan. Chi phí ở cúa tụi mình tầm 200$ cho toàn chuyến (đã share đầu người)

Chi phí đi lại đa số đều tính vào landtour hoặc thuê driver riêng. Nếu thuê driver biết tiếng Anh sẽ đắt hơn. Ngoài ra di chuyển bằng app Yandex rất tiện, dễ dàng như Grab mà giá các chặng cũng chỉ dao động 40-60k tiền việt là cùng (giá này chưa share đầu người) Các loại vé vào cổng cũng chỉ tầm 50-100k nhưng những thứ này đều được tính vào landtour. Bạn nào lái xe được thì có thể thuê xe để lái trong Kazakh + Kyrg nhưng vấn đề qua cửa khẩu thì mình ko rõ. Hoặc cả vấn đề đường đi nữa.

Tổng thiệt hại của bọn mình sau khi đã trừ vé máy bay, là khoảng 17 triệu VND. Nếu tính cả chặng nội địa Astana và Bishkek là tầm 40tr cho cả chuyến (đây là con số hợp lý đối với mình, nhưng các bạn muốn tiết kiệm hơn có thể tranh thủ săn vé rẻ)

Landtour và di chuyển

  • Tại Kyrgyzstan

Ở Kyrgyzstan, bọn mình mua landtour tự xếp lịch trình qua Apple Hostel. Boss của cái Hostel này giúp tụi mình liệt kê chi phí, hỗ trợ lên plan và tư vấn luôn. Bạn thấy có điều gì cần hỏi hoặc chỗ nào chưa ưng đều có thể nhờ họ xếp lại Plan cho hợp lý. Plan ở Kyrgyzstan từ 20/10-23/10 cho 4 ngày – tổng 800 USD cả 3 người bao gồm:

1. Xe đón sau khi đáp sân bay Bishkek

2. 1 đêm ngủ tại Apple Hostel Bishekek có ăn sáng gồm trứng chiên + bánh mì + trà

3. 1 đêm ngủ tại Altyn Arashan – Ala Kul Guest House có ăn sáng, trưa, tối 3 buổi và nước nóng free cả ngày

4. Xe đưa đi trekking Ala Archa – đi tiếp đến Burana và dừng tại Karakol để nghỉ ngơi (khách sạn tự túc)

Xe trên đường đến công viên quốc gia Ala Archa

5. Xe 4×4 địa hình (xe kiểu Xô Viết) đi từ khách sạn đến Altyn Arashan và chiều ngược lại

6. Xe đi từ Karakol – cửa khẩu biên giới Kazakhstan + Kyrgyzstan (CK Karaka + Kagen) – Xe từ CK Kagen, Kazakhstan về lại Almaty, có ghé hồ Kaindy + ăn trưa tại nhà chú Joma

Đối với tour Kyrgyz, bọn mình thấy như vậy không quá đắt, lại còn hợp lý vì chi tiêu của bọn mình chủ yếu là ăn uống 2 ngày và 1 đêm khách sạn ở Karakol. Karakol là một thành phố tỉnh nên đi taxi hay ăn uống đều rẻ. Taxi ở đây có rất nhiều, bước ra đường và vẫy là đi (vì app Yandex chưa tới được Karakol) một chặng cũng chỉ tầm 100 Som – 30k tiền việt thôi.

Sim điện thoại

Đối với Kyrgyzstan thì Apple Hostel có bán Sim luôn. Giá siêu siêu rẻ chỉ 45k (150 Som) được tận 8 GB dùng trong 7 ngày của O! Cứ lấp vào là dùng, không cần đăng ký gì hết. Mạng ở Kyrgyzstan vậy mà thấy ổn hơn Kazakhstan. Chỉ trừ Altyn Arashan và khoảng 5km cửa khẩu Kakara thì tất cả các nơi khác hầu như đều có tín hiệu. Trong vườn quốc gia Ala Archan cũng có tín hiệu.

Tiền Tệ

Kyrgyzstan dùng đồng Som – với các mệnh giá 20,50,100,200,500,1k,5k Som. Tỷ giá hiện tại thì 100 Som = 30k VND. Bên này cũng dùng cực kỳ nhiều xu luôn.

Đổi tiền thì ở Kyrgyz, bọn mình đổi ở bến xe Bishkek gần Apple Hostel. Tỷ giá mình ko nhớ nhưng bạn nữ lễ tân nói chỗ đó đổi tốt nhất. Nếu đặt phòng ở Apple Hostel thì cứ mạnh dạn book xe về rồi trả tiền xe với đổi tiền sau cũng được

Ẩm thực

Ẩm thực Kazakhstan và Kyrgyzstan khá tương đồng nên ăn gì ở nước này thì nước kia cũng có.

Ở Kyrgyzs, bọn mình ăn bánh mì, sandwhich, mì gói trong siêu thị là chủ yếu vì lịch trình đi khá dày và bên landtour cũng có bao ăn mấy ngày. Tuy nhiên bọn mình có ghé quán Cafe Dastokorn ở Karakol vào buổi tối. Quán gì mà đông khủng khiếp luôn, cảm tưởng ở Karakol chỉ có mỗi quán này là đông nhất. 10 giờ đêm vẫn còn mở sáng đèn.

Quán này bán đồ Kyrgyz khá ngon. Các món dao động từ 100-150k. Cũng không hiểu sao mà ở cả 2 nước này người ta lại thích ăn Tomyum nhiều như vậy. Quán này có món cơm bò, salad Thái và Tomyum ăn khá ổn. Ngoài ra kêu thêm 1 lít nước ép nữa là uống no say luôn. Đặc biệt nước ép ở đây rất rẻ. Chỉ khoảng 30-40k 1 chai 1 lít siêu to.

Bánh mì và nui tại Altyn Arashan

Ăn uống ở Altyn Arashan thì dĩ nhiên phụ thuộc vào nhà homestay rồi. Chủ nhà Ala Kul nấu cho bọn mình súp nui với thịt, bánh mì phết bơ mức và một loại bánh bao màn thầu trộn củ cải. Tối thì ngoài các món đó ra có thêm đại mạch trộn rau củ. Nước nóng pha trà thì luôn sẵn có. Đồ ăn ở Altyn Arashan ăn nóng giữa trời lạnh nên rất thích, cảm giác cứ ấm cúng và thân thuộc như ở nhà vậy.

Một vài lưu ý

– Kyrgyzstan dùng chui tròn 2 chấu

– Nếu so với Kazakhstan thì người ở đây ít nói tiếng Anh hơn hẳn, kể cả trong thủ đô Bishkek

– Cả 2 nước ko ăn thịt heo/lợn do đạo Hồi

– Nhà vệ sinh công cộng hầu như ko có nên tranh thủ đi trong Mall/khách sạn

– Đi mùa thu đông nên đem theo miếng dán giữ nhiệt (mua Daiso hoặc Shopee) vì rất lạnh

– Đường ở Kyrgyzstan xấu hơn Kazakhstan nên cần chuẩn bị thuốc uống chống say xe

Lưu trú

Phần lớn bọn mình đặt phòng trên Booking. Bạn cũng có thể xem thử trên Agoda. Phòng dorm cũng có cho có bạn độc hành, giá chỉ khoảng 5$ – 10$. Các loại phòng 2-3 càng gần trung tâm càng đắt, cũng dao động từ 20-30$/ngày.

Bishkek – Apple Hostel. Apple Hostel giá phòng 20$, giá dorm 8$. Họ có nhận làm landtour và thực tế bọn mình đặt landtour ờ đây có kèm 1 ngày ở. Chỗ này như một cái hub cho dân du lịch bụi gặp mặt vậy. Có phòng sinh hoạt chung mà lúc nào cũng thấy người ta tám chuyện trong đó. Có cả máy nấu nước nóng, lò vi sóng và tủ lạnh nhưng ko cho nước uống. Lưu ý: ko có thang máy. Bạn lễ tân nói tiếng Anh khá ổn. Sẵn họ cũng có bán Sim Kyrgyz luôn. Sau Hostel là bến xe Bishkek có chỗ đổi tiền (ko cần đổi sân bay) và trước Hostel cũng là cái siêu thị mở 24/24 muốn mua đồ ăn nước uống có thể ra đây mua. Sáng ăn sáng free với trứng chiên, trà và bánh mì

Enirest – Karakol – một homestay kiểu Nga ấm cúng ở Karakol. Bà chủ ko biết tiếng Anh nhưng cũng nhiệt tình. Bù lại phòng nhỏ, cơ bản và nhà vệ sinh ngoài. Giá khoảng 25$ cho phòng 3 người và ko có ăn sáng. Ở đây có mấy con mèo dễ thương thật sự. Có thể nhờ bả chủ gọi Taxi dùm vì Karakol ko có Yandex Go

Ala Kul Guest House – Altyn Arashan: homestay du nhất trong những homestay ở Altyn Arashan còn hoạt động tới cuối tháng 10 (hết mùa thu). Phòng cơ bản nhưng trong phòng rất lạnh, bù lại thì ngoài phòng chung lại ấm do có lò sưởi đốt liên tục. Mấy cô chú ở đây dù không biết tiếng Anh nhưng rất thân thiện. Cảm giác như ở nhà thật sự. Toilet và nhà tắm bên trong vào cuối tháng 10 lúc mình đi đang sửa chữa nên phải ra toilet ngoài đi, siêu siêu lạnh. Ở đây có nhiều bạn tây hoặc dân đi trek ở để đi Ala Kul từ Altyn Arashan nên tối họ ra nói chuyện, uống trà vui lắm. Homestay này cho 2 cái chăn nhưng đắp vẫn không thấy ấm. Vì vậy rất cần mang miếng dán giữ nhiệt. Ăn uống thì đầy đủ, bánh kẹo cũng có luôn. Nhưng mình thích cái sự gần gũi và ấm cúng của chỗ này.

Bishkek

Bishkek – mình không có thời gian ở lại thăm thú thủ đô này mà đây chỉ là trạm chung chuyển để mình đi Ala Archa và Altyn Arashan nên cũng ko có nhiều thông tin về các điểm đến trong thành phố.

Vùng ngoại ô Bishkek trên con đường đến Ala Archa

Nói về cảnh quan thì bên Kyrgyzstan phong cảnh hùng vĩ và đẹp hơn so với bên Kazakhstan. Nhưng nếu xét về mặt thịnh vượng thì người bên này còn nghèo hơn bên Kazakhstan, chỉ cần nhìn những kiến trúc nhà và đường sá quy hoạch thì dễ thấy điều này

Vườn Quốc Gia Ala Archa

Vườn quốc gia Ala Archa có lẽ là nơi đẹp mà dễ đi nhất trong toàn cung Trung Á combo 2 nước này, vì chỉ cách thủ đô Bishkek cùa Kyrgyzstan khoảng 38km về phía nam.

Một phần vườn quốc gia Alar Acha

Trái ngược với nét cổ kính và bình dị của Bishkek, Ala Archa hiện lên thật hùng vĩ qua cửa kính xe, to lớn và đồ sộ như muốn nuốt chửng cả thủ đô phía trước nó.

Con đường đến Ala Archa là một trong hàng chục con đường đẹp nhất mà tụi mình đi qua, với lá vàng, lá đỏ và một vài ngôi làng nhỏ dưới chân núi. Những chiếc xe chạy trên đường thật sự quá nhỏ bé so với núi tuyết phía xa, trong suốt 38km từ thủ đô Bishkek, cứ hễ hướng về Ala Archa là sẽ thấy một dãy núi tuyết thuộc phân nhánh Tây Thiên Sơn. Thật sự bọn mình rất mê mệt cảnh ở đây, còn ước gì có nhiều thời gian ở Ala Archa hơn.

Điều thần tiên nhất chính là những gì ko nghĩ sẽ đến, lại hiển hiện trước mắt tụi mình – Tuyết, vâng, cả vườn quốc gia ngập tràn trong một màn tuyết trắng dày đặc. Tuyết phủ lên những cây thông, phủ lên mái nhà, những hàng ghế xích đu hay cả

triền núi cao vút. Vì 2 ngày trước có tuyết rơi tại đây nhưng chưa kịp tan, đến lúc bọn mình đến, tuyết vẫn khá dày và đang có dấu hiệu tan dần do hôm đó trời nắng đẹp.

Dù đã thấy tuyết đến lần thứ 4, nhưng mình vẫn không khỏi ấn tượng trước cảnh vật thần tiên của Ala Archa. Vậy là cả đám được dịp hò hét thoả thích, thậm chí còn móc điện thoại ra quay phim hoặc video call về cho gia đình xem.

Vườn quốc gia Ala Archa ngập tràn trong tuyết – căn nhà này là nơi bắt đầu các cung trek

Tại đây có 3 cung trek đi các hướng khác nhau. Do mải mê chụp hình, quay phim và chơi với tuyết nên tụi mình chỉ hoàn thành nửa cung cơ bản nhất – cung thác nước Ala Archa – cung này mất tổng cộng khoảng 4 giờ đi và về. Từ ngoài cổng, chỗ ngôi nhà gỗ màu đỏ, cứ rẽ trái là sẽ vào đường đi trek thác nước. Đi thẳng thì tới sông băng – cung sông băng đòi hỏi thời gian và thể lực nhiều hơn với 8 tiếng trek đi và về. Lòng sông Ala Archa có lẽ là background đẹp nhất của cung trek này. Đây cũng là nơi cả 3 cung trek gặp nhau trước khi rẽ về các hướng khác nhau.

Xứ sở của tuyết tại Ala Archa

Nhiệt độ tầm 8 độ thôi nhưng những vùng nắng không chiếu xuống rất lạnh. Đường đi cũng khá trơn do tuyết đang tan dần. Nhưng với cảnh đẹp không mong đợi như vậy thì có cục khổ một chút cũng rất đáng

Altyn Arashan

Khi nhìn những bức ảnh ở Altyn Arashan, nếu nói đang ở một vùng núi cao của Thuỵ Sĩ, có thể nhiều người sẽ không phản đối.

Altyn Arashan hùng vĩ với những ngọn núi tuyết phía xa

Mình chưa bao giờ được trải nghiệm cảm giác bước đi trên một thảo nguyên cỏ, bên dưới là những đụn tuyết vừa rơi đêm hôm trước, 4 phía là những đỉnh núi tuyết của Thiên Sơn, len lỏi quanh thảo nguyên lại là một dòng suối uốn lượn cực kỳ đẹp.

Altyn Arashan nằm trên cao độ 2600m trên mực nước biển, ở một vị trí khá hiểm trở khi bạn chỉ có 2 lựa chọn để đến đây:

– [ ] Trekking trên một con đường đầy đá, dốc lên xuống mất khoảng 5 tiếng từ Atysu cách thành phố Karakol khoảng 20 phút đi bộ.

– [ ] Đi xe kiểu Xô Viết khoảng 2 tiếng rưỡi, trên cùng một con đường như vậy. Đôi lúc xe sốc và giật rất mạnh nên cần bám xe và ngồi thật chắc. Bạn nào say xe chắc chắn phải uống thuốc chống say xe nhé. Nếu ko mua landtoud mà tự đi thì dịch vụ này mất khoảng 50$ cho 2 chiều lên xuống núi.

Tuy vậy, Altyn Arashan cực kỳ đẹp và xứng đáng với nỗ lực bạn bỏ ra. Mình thật sự rất cảm thấy cực kỳ relax và nhẹ nhàng khi dạo bước trên thảo nguyên cỏ cuối thu của Atyn Arashan – bật một bài hoà tấu không lời và tận hưởng. Bạn nào đi Kyrgyz nếu có ghé Altyn Arashan hãy thử trải nghiệm cảm giác này.

Tuy đẹp và hoành tráng là thế, nhưng ở Altyn Arashan, mọi người sẽ cảm nhận mùa đông đến sớm hơn những nơi khác vì nhiệt độ chênh lệch rất lớn ở vùng núi cao như vậy. Buổi sáng từ 2-5 độ và ban đêm xuống 0 độ. Altyn Arashan cũng chỉ là base để trek đến hồ Ala Kul – hồ nước nằm gần đỉnh Palatka và Hatiza ở độ cao trên 4300m, cũng như đỉnh cao nhất của Thiên Sơn – nằm cùng trên đường biên giới với Trung Quốc.

Bọn mình không có thời gian trek hồ này do phải mất cả ngày trời + điều kiện thời tiết tốt mới đi được. Bạn nào khoẻ và mạo hiểm có thể thử. Hoặc không thì có thể trek nhẹ xung quanh Altyn Arashan cũng đủ đẹp rồi. Đặc biệt là hợp lưu con suối cách homestay tụi mình khoảng 1 tiếng rưỡi đi bộ.

Ở Altyn Arashan, do không có mạng hay tín hiệu điện thoại nên mọi người chỉ có thể sống chậm, sống cùng những câu chuyện đến từ dân leo núi chuyên nghiệp khác sau khi họ đã mất 12 giờ để trek đến hồ Ala Kul và quay về. Vì được thoải mái trò chuyện và làm quen với người lạ như vậy nên mình thấy việc này cũng rất hay, dành một ngày không sóng điện thoại để tâm sự cùng người lạ.

Mất khoảng 2 giờ để đi bộ từ Ala Kul Guest House đến con suối này nhưng thật sự rất xứng đáng

Cả những món ăn nóng ấm khi được ngồi trong phòng chung với lò sưởi siêu thích lúc trời lạnh như vậy nữa. Do lạnh như vậy nên ăn uống đồ nóng vào là cảm giác như vừa được sống dậy. Trà nóng pha bằng nước suối đun lên vừa ngon vừa ấm. Bánh mì mơ mứt dâu cũng bình thường mà lên đây phải ăn 2-3 lần mới hết cơn thèm. Muốn giặt đồ thì đem đồ xuống dưới suối giặt rồi phơi ngay lò sưởi bao khô.

Gần đó cũng có những hồ nước nóng trong nhà cho các bạn thích tắm suối nóng giữa trời lạnh. Có điều tắm lên xong là một trải nghiệm bạn không bao giờ quên được.

Cửa Khẩu Kakara – Kagen

Trên đường đến cửa khẩu Kakara

Từ Bishkek đến Karakol, đi qua hồ Nhiệt Hải Issyk Kul – một trong những hồ nước lớn nhất thế giới – cũng đã đủ đẹp với những background núi tuyết, rừng cây lá vàng rồi.

Ngoại ô thành phố Karakol
Ngoại ô thành phố Karakol

Nhưng con đường từ Karakol tới Kagen chắc chắn là con đường xuyên biên giới đẹp nhất trong toàn cung này. Để đi được con đường này thì bạn cần phải đi trước ngày cuối cùng của tháng 10 vì 2 cửa khẩu của 2 nước sẽ đóng sau tháng 10, khi mùa đông tới, và sẽ mở lại vào mùa hè năm sau vì số lượng người băng cửa khẩu không nhiều.

Đoạn đường chỉ khoảng 80km nhưng nào là núi tuyết, hàng cây vàng, cánh đồng cỏ đầy ngựa, lâu lâu có vài ngôi làng xa xa nhóm bếp lửa sưởi ấm khói bay mờ ảo. Thật sự có đi mới thấy con đường này đẹp như thế nào.

Cả bọn cứ háo hức chụp ảnh, hết chụp đoạn này tới chụp đoạn khác. Có thể nói, tuy rằng rất ít thông tin về vùng này, nhưng đây là đoạn mà mùa thu bung sắc rực rỡ nhất trong cả hành trình

Về việc vượt cửa khẩu Karaka và Kagen thì không có gì trở ngại. Chỉ có đồn biên ở 2 nước hình như ko mấy khi gặp người nước ngoài, mà còn là người Việt, nên hơi mất thời gian ở khâu nhập và xuất cảnh. Mình mất hơn 40 phút để đi qua 2 cái cửa khẩu nhỏ xíu này. Bên Kyrgyz thì check hết trên máy tính rồi mới đóng mộc xuất cảnh, còn kêu mở vali ra xem có gì trong đó. Bên Kazakh thì cho chó nghiệp vụ ra ngửi xem có hàng cấm ko, rồi cầm hộ chiếu lật đi lật lại, soi đi soi lại chừng 10 lần, rồi lại gọi cho ai đó, xong một anh hải quan khác ra check tiếp, hỏi xem đi đâu làm gì và đóng cái cộp 10ph sau đó. Chưa dừng lại ở đó, bên Kazakh còn quét máy soi một lần nữa mà cái máy soi thì cao dễ sợ, để hành lý lên muốn rụng tay.

Nếu mua landtour thì bạn sẽ đổi tài xế ngay tại đây, tài bên Kyrgyzstan/Kazakhstan sẽ đợi bạn ở bên kia biên giới sau khi xuất nhập cảnh xong

Nhìn chung đây cũng là một trải nghiệm thú vị, mà đồn biên hai bên dù hơi mù mờ thông tin miễn visa nhưng ai cũng dễ thương, cũng niềm nở và hỏi bọn mình lạnh ko, kêu mặc áo khoác vô kẻo lạnh. Vâng, ko hề lạnh đâu, chỉ cóng thôi. Đứng 40ph với cái lạnh 3 độ thì ko biết có cóng hay không nữa…

Tháp Burana

Núi Thiên Sơn nhìn từ tháp Burana

Một địa điểm tiện đường đi Karakol mà bọn mình có nhờ tài xế ghé – là tháp Burana – nơi ngài Huyền Trang (nhân vật có thật trong lịch sử – hình mẫu cho Đường Tăng trong Tây Du Ký) đi lấy kinh ở Thiên Trúc ngang qua, có dừng lại để xin Hãn Quốc Sát Hợp Đài cấp giấy thông hành cho phép vượt Hãn Quốc để qua Pakistan thời xưa.

Tháp Burana – nơi đã từng là kinh đô của Hãn Quốc Sát Hợp Đài

Tháp này nằm ở một vùng quê cách thành phố Tokmok khoảng 10km về phía nam. Trước đây từng là thủ đô Tố Diệp của Hãn Quốc với nhiều tường thành nhưng hiện chỉ còn lại cái tháp. Có thể leo lên phía trên tháp để ngắm cảnh nhưng đường leo khá dốc và cao, cần dùng đèn pin mới thấy đường leo. Đứng từ trên có thể ngắm toàn cảnh cánh đồng gần đó.

Những con đường cạnh tháp Burana

Ở đây cũng không có nhiều hoạt động, chỉ có ghé thăm tháp này và mua đồ lưu niệm trong khu du lịch, có nhiều hàng thổ cẩm và manget khá đẹp. Giá vé 130 Som 1 người.

Một ngôi lều vừa hiện đại vừa thủ công ở Tháp Burana

Vậy là kết thúc chuyến đi cực kỳ tuyệt vời với mùa thu lá vàng siêu đẹp ở 2 nước Trung Á trên con đường tơ lụa này. Mình vẫn còn tiếc vì không có đủ thời gian để đi cả Ubezkistan và Taijikistan. Nhưng mình nghĩ, nếu đi lấy số lượng thì không đáng vì chỗ nào cũng đẹp, cũng cần thời gian để trải nghiệm nên mình không muốn dồn quá nhiều điểm đến một lần. Nếu có thời gian nhiều hơn khoảng 1 tháng, mọi người có thể kết hợp luôn 2 nước trên. Tù Bishkek đi Tashkent mỗi ngày đều có xe đi hết.

Chúc các bạn săn thu ở Trung Á thành công!

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s