Tiếp tục phần II của chuyến hành trình dài 12 ngày 12 đêm mà mình đã hằng mong đợi suốt 1 năm là những địa danh mà mình đều lần đầu tiên nghe đến. Khó có thể phủ nhận rằng, Á Đinh là viên ngọc sáng của cả chuyến đi. Tuy nhiên, mình lại cảm nhận rõ đặc trưng và văn hóa của cả những điểm đến khác xung quanh Cam Tư chứ không riêng gì Á Đinh. Mỗi nơi đều có một nét đẹp và những giá trị riêng. Mời bạn cùng đến với phần 2 của Cam Tư với những địa điểm cũng tuyệt vời không kém nhé!
Lý Đường
Lý Đường (Litang – 理塘) – Nằm ở phía Tây Nam châu tự trị tạng tộc Cam Tư, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Vốn nổi tiếng là miền đất phật thanh tịnh với sự ra đời của các vĩ nhân nổi tiếng như Đạt Lai Lạt Ma thứ VII và XI cũng như các vị sư, chức sắc có mối quan hệ mật thiết với vương quốc Tạng ngày xưa. Cũng chính vì lẽ đó mà ngoài Á Đinh ra, đây là nơi mình thích thứ hai trong cả chuyến đi. Vị trí của Lý Đường phải nói là rất thiên thời địa lợi nhân hòa.
Là một trong những thị tứ cao nhất thế giới ở độ cao trung bình 4050m trên mực nước biển, Lý Đường được thiên nhiên ban tặng cho những rặng núi tuyết hùng vĩ xếp hàng dài xa hút tầm mắt.

Cả thị trấn như một thung lũng nhỏ nép mình dưới rặng tuyết sơn. Từ xa đã nhìn thấy những đàn bò thảnh thơi gặm cỏ, tự do tự tại giữa đất trời bao la.

Người dân ở đây thì cực kỳ hiền lành và thân thiện. Trường phái phật giáo Tạng truyền Mật Tông ảnh hưởng sâu sắc đến dân địa phương. Có thể thấy, trên những con đường nhỏ trong trung tâm thị trấn, các cô chú người Tạng đi trên đường vận những trang phục Tạng truyền thống thật đẹp. Trên tay họ là những chuỗi tràng hạt, những tiểu chuyển kinh luân – 2 pháp cụ không thể thiếu với người Tạng.

Trong suốt những ngày mình ở Lý Đường, mỗi người mình gặp đều rất thân thiện. Họ cười với mình, cho mình chụp ảnh cùng, tỏ ra ngưỡng mộ và mến khách khi biết mình đến từ Việt Nam dù chính bản thân họ cũng chưa chắc biết rõ quốc gia kỳ lạ ấy ở đâu.


Mình cảm thấy vô cùng biết ơn cô chủ khách sạn mà mình đã ở, đã đứng ra bảo vệ và đòi lại công bằng giúp bọn mình trong một vụ lùm xùm giữa tài xế mà bọn mình thuê xe. Nhiêu đó thôi cũng đủ để thấy Lý Đường thật sự chiếm một vị trí đặc biệt trong suốt chuyến đi của mình.
Về khách sạn, bạn có thể tham khảo địa chỉ của chỗ mình ở tại đây, đảm bảo sẽ làm bạn hài lòng đến tận những giây phút cuối cùng ở Lý Đường. Khách sạn nằm ngay gần đường chính đến tu viện Ganden Thubchen Choekhorling và cũng rất gần khu phố cổ Lý Đường. Giá phòng rơi vào khoảng 600,000 đến 700,000 cho 1 phòng đôi siêu xịn xò và sạch đẹp cho 1 ngày.
Địa chỉ:
Grassland Night Hotel
No.28 Ping’an Road Litang China
Ăn uống ở Lý Đường cũng giống như những điểm đến khác của mình. Thức ăn chủ yếu vẫn là mì, cơm chiên, hoành thánh, bánh bao và canh. Các món có giá dao động từ 10 đến 20 tệ. Một bữa ăn cho một người ở Lý Đường trung bình khoảng 20 đến 30 tệ vì đây là thị trấn nhỏ, vật giá cũng không quá đắt. Bạn nên tìm những quán ăn có menu có hình ảnh vì đa số 90% quán ăn ở Lý Đường không có tiếng anh.

-
Tu viện Ganden Thubchen Choekhorling ( 理塘寺)
Được xây dựng bởi Đạt Lai Lạt Ma thứ III trong chuyến vi hành đến Kham – một trong những tỉnh lị của vương quốc Tây Tạng cổ, Tu viện Ganden Là tu viện lớn nhất Lý Đường. Với lịch sử hơn 500 năm, tu viện đã đón nhận và là nơi tu tập của rất nhiều vị sư và chức sắc nổi tiếng. Bao quanh khuôn viên tu viện là các tháp Stupa màu trắng xếp thành một hàng dài, tạo cho người xem cảm giác thanh tịnh và được bảo vệ bởi những giá trị Tạng truyền. Lúc mình đến, tu viện đang vắng khách vãng lai ghé thăm, có thể vì người ta chỉ đến Lý Đường vào mùa thu để chiêm ngưỡng tu viện nổi tiếng ngập tràn trong sắc vàng của màu lá.
Từ con đường chính của Lý Đường, bạn men theo con đường đến khu phố cổ Lý Đường, một khu phố đúng kiểu Tạng truyền thống với những ngôi nhà xây bằng đất và phân bò.

Cuối con đường chính là tu viện nổi tiếng. Đoạn đường dài khoảng 1km nhưng cũng đủ khiến mình cảm thấy cuộc sống thật thư thả. Trên đường, những em bé người Tạng đi học về nô nức làm rộn lên cả một góc đường.
Tu viện không thu phí và cũng không hề có các hàng bán quà lưu niệm như những nơi khác.

Điều mình thích nhất ở đây là ngọn đồi cao vút nằm cạnh bên tu viện. Ngọn đồi nhỏ với những lá cờ Lungtar bay phất phơ hướng mắt nhìn ra toàn cảnh thị tứ Lý Đường với những ngọn núi tuyết xa xa. Mình ngồi đó, trước cái lạnh và những con gió rõ to ở độ cao 4100m, ngắm nhìn toàn cảnh “Cao Thành” mà người xưa đã gầy dựng. Từng con đường, từng ngôi nhà Tạng truyền thống xen lẫn với những công trình hiện đại đang dần manh nha xuất hiện bởi sự đô thị hóa của nơi đây.

Thả hồn theo cảnh vật miên man, mình chợt nhớ đến cảnh tượng Thiên Táng nổi tiếng ở Lý Đường. Những con kền kền chực chờ bu lấy xác người được các sư thầy tắm rửa sạch sẽ và đặt trước ngọn đồi nơi mình đang đứng. Nhưng rất tiếc, mình không may mắn để có thể thấy được tập tục đó, một tập tục mà có lẽ, ngoài Tây Tạng và Lý Đường ra, rất khó có một nơi nào khác mà bạn có thể tận mắt trải nghiệm.


Ban đêm ở Lý Đường rất lạnh và vắng. Khoảng 8 giờ tối, cả khu phố cổ đã lên đèn đi ngủ. Đi dọc theo những con đường ở khu phố hiện đại, ánh đèn đường vẫn hắt lên mặt người nhưng có vẻ, cuộc sống ở đây chỉ dừng lại như thế. Không náo nhiệt, không xô bồ, một thị trấn tĩnh lặng giữa ban đêm. Điều làm mình thích thú hơn cả trong cái đêm ấy là một bữa ăn Lẩu Bò Yak được đích thân ông chủ quán “天天” (Nay đã đổi tên thành quán khác, nhưng vẫn ở địa chỉ cũ) chế biến. Quán của ông được đánh giá rất nhiều trên ứng dụng Baidu của Trung Quốc cũng như được đề nghị trên Lonely Planet, Tripadvisor và Wikitravel. Món lẩu bò khá nhiều, với giá khoảng 400 Tệ cho 6 người ăn. Được trò chuyện với ông chủ, mình cảm thấy người Trung Quốc cũng biết khá nhiều về Việt Nam. Ông chủ khen người Việt giỏi, đặc biệt là ông Phạm Nhật Vượng vì xây nên rất nhiều công trình lớn cho Việt Nam.
Mình chia tay Lý Đường vào ngày hôm sau, vẫn không quên những gì mà Lý Đường đã đem đến cho mình, một Lý Đường thật hiền hậu và đầy chất nhân văn với những giá trị Tạng Truyền đáng ngưỡng mộ.
Tân Đô Kiều
Tân Đô Kiều (Xinduqiao – 新都桥) là một thị trấn nhỏ cách trung tâm Khang Định (Kangding – 康定) khoảng 70km về phía Tây và cao khoảng 3200m. Sự nổi tiếng của Tân Đô Kiều đến từ danh xưng “Thiên Đường Nhiếp Ảnh” mà thế giới mạng đặt cho địa danh này. Tân Đô Kiều thật sự không chỉ nằm ở trấn Tân Đô Kiều mà chính là đoạn đường dài khoảng 12km nối từ núi Zhe Duo (Zhe Duo Mt – 折多山) đến đoạn cuối cùng của Tân Đô Kiều. Thành thật mà nói, theo suy nghĩ của mình, nếu là khoảng 10 năm về trước thì Tân Đô Kiều thật sự là một thiên đường cho dân chụp ảnh vì hằng năm vào mùa thu, cả khu vực này chuyển sang một màu vàng rực từ những hàng cây trên đường, đàn bò gặm cỏ hoặc những chú ngựa được thả rong ngoài thảo nguyên. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Tân Đô Kiều không còn được như xưa nữa. Những khách sạn, những tòa nhà cao tầng đã bắt đầu mọc lên từ 2,3 năm về trước, lấn át cả những kiến trúc nhà Tạng ở khu vực này. Mình thật sự khá thất vọng khi đặt chân đến Tân Đô Kiều, vì trong suy nghĩ của mình, thị trấn này thực sự còn hoang sơ như lời mọi người đã kể chứ không phải là một khối những khu nhà nghỉ và khách sạn như bây giờ. Rất may mắn, bọn mình chọn ở Waze Xiang (瓦泽乡) chứ không phải ở trung tâm trấn Tân Đô Kiều. Dù cũng đang manh nha phát triển nhưng Waze Xiang hiện tại vẫn còn yên bình và thiên nhiên hơn phía thị trấn nhiều. Từ đây, bạn có thể dễ dàng đi ngược về phía núi Zhe Dou để ngắm nhìn những đồng cỏ ít ỏi còn sót lại, hoặc đơn giản là trèo lên một ngọn núi gần đó để thưởng ngoạn phong cảnh Tân Đô Kiều từ trên cao.

Về khâu ăn uống, do Tân Đô Kiều là trấn du lịch mới phát triển, giá cả thức ăn và nước uống có phần mắc hơn hẳn so với những nơi khác. Nếu muốn ăn theo kiểu dân địa phương, bạn chỉ có thể tìm thấy quán ở khu trung tâm thị trấn. Các phần ăn dao động khoảng 20 đến 30 tệ một phần cho 1 người và đa số là các món ăn của người Tạng hoặc cơm chiên, hoành thánh, mì nước và canh. Các nhà hàng sẵn có ở khách sạn lớn thường mắc hơn. Một món ăn dao động từ 50 đến 100 tệ. Nhóm mình có lần ăn ở nhà hàng gần khách sạn chỗ mình ở thì mỗi người tiêu khoảng 60 tệ cho phần ăn tối với khoảng 6 món chính và 1 cơm trắng.
Khách sạn nơi mình ở khá thuận tiện vì nằm ngay gần Waze Xiang, phòng ốc cũng ổn với giá khoảng 300,000 VND cho một người một ngày. Tuy nhiên, khu này khá vắng vẻ và ông chủ cũng hay không có ở nhà. Tuy nhiên, giá phòng ở Tân Đô Kiều nhìn chung là khá đắt và khó tìm, vì thế, bạn có thể thử nghía qua khách sạn chỗ bọn mình ở tại đây.
Địa chỉ:
Garze Traveler’s Inn
Xinduqiao Town, Waze Xiang, China
Dù vậy, mình vẫn cố gắng tận hưởng những ngày ở Tân Đô Kiều. Ngày mình đi, mùa thu đã tàn dần, thu ở thị trấn này đến khá sớm. Thời gian thích hợp để bạn đến đây là vào khoảng giữa tháng 10 đến 20 tháng 10 hằng năm. Khoảng đẹp nhất có thể thay đổi theo thời tiết và mùa, miễn là đừng có cơn gió mạnh hoặc trận bão nào kéo đến thì bạn vẫn còn cơ hội ngắm mùa thu ở Tân Đô Kiều.

Mình trèo lên một ngọn núi, đưa mắt ngắm nhìn toàn cảnh Tân Đô Kiều xinh đẹp. Thú thật mà nói, dù đã mọc lên nhiều khách sạn nhưng Tân Đô Kiều vẫn còn chút gì đó xinh đẹp, đủ để người ta khỏi phải tiếc hụt hẫng khi đến đây. Những hàng cây lá vàng đung đưa bên đường thích hợp cho những cặp tình nhân dìu nhau đi qua những buổi chiều vắng vẻ.

Vào một buổi sáng thức giậy, mình bị bất ngờ với khung cảnh bên ngoài. Dù chỉ 8 giờ sáng, toàn bộ khu vực thị trấn Tân Đô Kiều ngập tràn trong tuyết. Tuyết ở khắp mọi nơi, tuyết rơi trên đồi, dưới chân, rơi lên cả những ngọn cây ven đường. Ngay lúc mình đừng đó, tuyết bắt đầu rơi nặng hơn. Thật sự là một cảnh tượng hiếm thấy vì trước đây mình chưa bao giờ được thấy tuyết rơi. Mình đã thấy tuyết 1 lần hồi đi Ngọc Long Tuyết Sơn – Vân Nam 1 năm về trước, nhưng lúc đó Tuyết đã rơi từ đêm hôm trước, chỉ còn lại những mảng tuyết to.


Mình thích quá nên phải làm liền mấy tấm ảnh với cảnh tượng đang xuất hiện. Sáng hôm đó mình xuất phát đi Đan Ba, trên đường xe chạy, cảnh vật thay đổi dù vẫn ngập tràn một màu trắng xóa của tuyết. Mình tạm biệt Tân Đô Kiều bằng một cảnh tượng không thể nào đẹp hơn

Tagong
Nằm giữa đoạn đường từ Tân Đô Kiều đến Đan Ba là thị trấn Tháp Công (Tagong – 塔公), một trấn nhỏ với cảnh vật tuyệt đẹp cùng rất nhiều cổ tự phật giáo Mật Tông Tây Tạng. Vì thị trấn này khá nhỏ và không có nhiều hoạt động để làm ngoài việc ghé thăm Mộc Nha Kim Tháp (Muya Jin Monastery – 木雅金塔) nên bọn mình chỉ chọn làm điểm dừng chân chứ không lưu trú lại hẳn.
-
Mộc Nha Kim Tháp (木雅金塔)
Mình thật sự ấn tượng với kiểu kiến trúc mà Mộc Nha Kim Tháp mang trong mình. Từ đằng xa, ngôi cổ tự này đã nổi bật hơn hẳn nhưng ngôi nhà Tạng truyền gần đó. Màu trắng của những tháp Stupa và màu đỏ của bức tường bao quanh cổ tự thật sự nổi bật giữa thảo nguyên.
Xung quanh cổ tự là thảo nguyên rộng lớn với hướng mắt nhìn ra những ngọn núi tuyết phía xa. Thực sự mà nói, với độ cao của Châu tự trị Cam Tư thì số lượng núi tuyết nhiều như vậy cũng không quá khó hiểu.

Ngôi cổ tự miễn phí nhưng thảo nguyên gần đó lại “không”. Mình khá ngạc nhiên khi biết được mỗi người phải trả 15 tệ nếu muốn vào bên trong con đường gỗ phía thảo nguyên. Có lẽ dịch vụ này là do những người Tạng gần đó mở ra để du khách có thể ngắm toàn cảnh dễ dàng hơn.

Ngoài ra, họ còn cho thuê ngựa để bạn dạo bước trên thảo nguyên, dù trông có vẻ mấy chú ngựa không được khỏe mạnh cho lắm.

Dù các dịch vụ này mang tính thương mại nhưng mình vẫn thông cảm với hành động này của họ vì sự thật là ở Tagong không được phát triển lắm so với những nơi còn lại. Thị trấn nhỏ đến nỗi mình không thể tìm được một khách sạn nhỏ để ở dù là trên Booking hay Trip – trang đặt phòng chủ yếu nếu bạn đi Trung Quốc.

Ngọn tháp màu vàng của cổ tự nổi bật hẳn khi được ánh sáng chiếu vào. Cảnh vật lại càng có hồn hơn khi phía xa là một ngọn núi tuyết hùng vĩ vừa khuất tầm mây. Phải thật sự công nhận cảnh vật ở Cam Tư luôn chuyển biến theo mỗi vùng bạn đến.
Chú tài xế còn chở bọn mình đến một ngôi cổ tự khác gần đó, mà theo chú thì “đây là ngôi cổ tự có kiến trúc đẹp nhất Tagong.

Đan Ba
Đan Ba (Danba – 丹巴) có lẽ là nơi khiến mình cảm thấy nhẹ nhàng và thong thả nhất trong suốt hành trình dài 12 ngày này. Nói một chút về Hạt Đan Ba này, nằm trên độ cao khoảng 1600m trên mực nước biển, thấp hơn hẳn so với đa số những nơi mình đi qua, Đan Ba nổi tiếng với những ngôi làng Tạng truyền thống nằm tít trên ngọn núi cao, cheo leo đón gió nơi chân trời. Đâu đó có lời đồn rằng, mĩ nữ Đan Ba là một trong những “kho báu sống” mà nơi này ban tặng cho du khách. Người Đan Ba theo truyền thống mẫu hệ, vì thế phụ nữ vẫn có quyền hành nhiều hơn đàn ông. Tuy theo tôn giáo Tạng nhưng mình quan sát thì thấy chất Tạng của họ đã mất đi một phần, phần còn lại mang đậm giá trị dân tộc ít người hơn là một nhánh Tạng giáo nào đó của cả Châu tự trị Cam Tư.
Xe mất khoảng 3 tiếng rưỡi để đưa bọn mình từ Tân Đô Kiều đến Đan Ba, vượt qua biết bao nhiêu con đèo hiểm trở, cả những con suối xanh màu ngọc bích chảy qua những khe đá lởm chởm nào là đủ thứ loại hoa.

Trên đường đi, do chặng tuyết rơi ban sáng khá dày nên bọn mình được dịp thích thú trải nghiệm cả tuyết và những ngọn đồi tuyết đầy nắng phía sau đó.

Tuyết tan, để lại những màn nước nhỏ dưới đây, cây cối cũng hiện ra rõ ràng hơn. Thời gian bọn mình đi, Đan Ba đang trong mùa thay lá, chuyển mình từ những hàng cây màu xanh sang một khoảng trời vừa vàng vừa đỏ thật đẹp. Nhìn chung ra, Châu tự trị Cam Tư không có một mùa đẹp cố định, cứ nơi này vào mùa thu là nơi khác thu sắp tàn hoặc thậm chí là thu vẫn chưa tới. Vì thế, để đón hết mùa thu ở cả các điểm trên hành trình là một chuyện khó có thể xảy ra.
Điểm đến nổi tiếng nhất ở Đan Ba là Tạng Trại Gia Du (Jiaju Tibetan Village – 甲居藏寨) một trong những ngôi làng được bình chọn là đẹp nhất Trung Quốc với “Mĩ nữ Đan Ba” như mình nhắc đến ở trên.
-
Tạng Trại Gia Du (甲居藏寨)
Để đến được Tạng Trại Gia Du, một “khu thắng cảnh” được xếp hạng 4A trong hệ thống xếp hạng Trung Quốc, bạn phải vượt qua một con đèo cao và dốc đổ từ phía Đan Ba. Phía trước lối vào đèo sẽ là cổng thu phí tham quan cho khu này. Mình rất không hài lòng ở điểm này khi đến đây. Mang tên là một khu làng truyền thống, mọi thứ trong đầu mình đều không nghĩ đến việc phải trả tiền vé để vào đây. Nhưng dĩ nhiên, Trung Quốc luôn tận thu các cảnh đẹp được xếp hạng lên một mức cao nhất. 50 tệ tiền vé cho một lần vào có thể là không quá nhiều nhưng đối với mình, nó là một cách không chính thống, vì thực sự, đây là nơi sinh sống của người Đan Ba chứ không phải như các khu du lịch mà mình vẫn hay đi. Rất may mắn, chú tài xế người Đan Ba bằng một cách nào đó (có thể là dân bản địa nên ra vào không cần vé), đã chở bọn mình vượt qua mặt các anh soát vé mà không hề hấn gì. Dù hơi sợ nhưng bọn mình vẫn thầm cảm ơn chú vì lần ấy.
Đường vào Tạng Trại càng ngày càng dốc và cao hơn. Những ngôi nhà ở đây được xây trên triền núi, mặt hướng vào dòng sông nhỏ phía dưới, cảnh tượng có vẻ giống với những con đèo miền cao ở Tây Bắc Việt Nam. Những ngôi nhà trong làng, quá nửa là làm dịch vụ homestay. Ít ra thì đối với một nơi nổi tiếng như vậy, thì homestay như thế cũng giải quyết được phần nào nhu cầu tham quan và giải trí của du khách. Điều làm mình thích nhất ở đây là dù cùng mang tính chất một làng dân tộc Tạng khá giống Tân Đô Kiều nhưng các homestay ở đây vẫn giữ nguyên chất Tạng và nét đặc trưng của vùng. Cả khu làng không hề thấy đến là một ngôi nhà cao tầng. Tất cả đều là kiểu nhà Tạng.

Con đường vào homestay mình ở ngập tràn nào là táo, là lê. Đủ loại trái cây mọc dại khắp nơi mà không ai thèm hái, và cũng không ai buồn nhắc nhở nếu bạn có hái trộm vì cơ bản đây là lê, táo và cam mọc dại. Thế là cả đám được một tràng ăn lê, ăn táo thỏa thích.

Xa xa lại là những cây óc chó trĩu nặng trái nhìn mà thích mắt. Không khí ở làng rất mát mẻ, nhiệt độ chỉ khoảng 15,16 độ, trời lại nắng. Có thể nói thời tiết lúc ấy quá hoàn hảo để có thể tận hưởng một cảnh đẹp thanh tĩnh như thế ở một ngôi làng cũng dễ thương không kém.

Toàn bộ con đường đi từ cổng làng vào khách sạn cũng như những con đường quanh làng đều ngập tràn bóng cây, hoa và trái cây. Một vài cây lá bắt đầu ngả vàng, một vài loại khác lại chuyển đỏ.

Cả khu làng hôm ấy ngập tràn đủ màu sắc của đủ mọi loại cây. Một vài con đường đi xuống những ngọn tháp Soupo – tháp canh của Làng lại được rộp bóng bởi những rừng cây thông lá kim xanh ngát.

Nếu ở những nơi khác mình cảm nhận được vẻ hùng vĩ, choáng ngợp của thiên nhiên thì ở Gia Du, mình như sống lại những ngày ở quê nhà với cây xanh, dòng sông và cả trái ngọt.
Homestay mà mình ở thực sự khiến mình rất thích vì có vẻ ấm cúng và lại còn được tương tác với chủ nhà, được xem và học hỏi cuộc sống của họ diễn ra như thế nào. Chủ homestay là một anh người Đan Ba sống cùng với vợ, con và mẹ.

Họ có phục vụ luôn thức ăn theo món nếu bạn yêu cầu. Thức ăn tính theo đầu người từ 30 đến 50 tệ một bữa. Các món gồm 3 món chính là thịt và 3 món phụ là rau cho 6 người. Buổi sáng thì có ăn sáng giá 10 tệ 1 người với bánh ngô, trứng và trà bơ truyền thống. Chủ nhà lại khao cả bọn mình một rỗ óc chó mới hái từ trên cây.


Vậy mà giá phòng theo kiểu Tạng chỉ có khoảng 120,000 VND một người. Phòng tuy đơn giản nhưng lại có đủ nước nóng, chăn màn, ti vi và còn có cả khăn tắm, dầu gội…. Quá rẻ cho một đêm đầy thi vị. Bạn có thể tham khảo Homestay mình ở tại đây
Địa chỉ:
Meirengu Guest House
Jiaju Tibetan Village, Danba, China.
Mình cũng có một đêm ở tại trung tâm thị trấn Đan Ba. Thị trấn Đan Ba không quá rộng nhưng lại khá phát triển, có vẻ giống như một thành phố tỉnh lị của các tỉnh ở Việt Nam.

Ở Đan Ba có một khu phố đi bộ với đầy đủ các dịch vụ ăn uống và mua sắm không thua kém gì các thành phố lớn như Thành Đô, dù khá nhỏ. Cạnh bên cầu Đan Ba là quảng trường nhỏ nơi mọi người dân vẫn hay sinh hoạt ca múa mỗi đêm, một đặc trưng mà mình nghĩ chỉ ở Trung Quốc mới có, vì mỗi lần mình đi các khu phố cổ đều thấy hoạt động này.

Ăn uống trong thị trấn cũng khá rẻ, đa số là các món có giá từ 10 đến 20 tệ. Về phần khách sạn, bạn có thể tìm hiểu khách sạn nơi bọn mình ở tại đây, một khách sạn nhỏ nằm ngay trục đường chính và cách bến xe Đan Ba chỉ 700m (6 phút đi bộ). Chủ khách sạn có thể nói tiếng anh cơ bản. Giá phòng cũng chỉ tầm 80,000 VND 1 người cho 1 phòng 3 dạng giường Tây Tạng. Từ Đan Ba về Thành Đô, bạn có thể đi xe khách với giá 135 tệ cho 1 người với quãng đường 450km trong 8 tiếng. Xe có dừng lại 2 chặng cho bạn đi vệ sinh và ăn uống.
Địa chỉ:
Zhaxi Zhuokang Youth Hostel
No.35 Sanchahe South Road Danba China
Chuyến đi của mình ở Châu Tự Trị Cam Tư tạm kết thúc tại đây. Mình sẽ nhớ mãi những kỷ niệm cũng như hồi ức về mỗi thành phố, mỗi địa điểm mình ghé lại. Đẹp hay không thì từng cung đường cũng đều là một cảm xúc mới mẻ đối với mình, kẻ vẫn hay đi tìm những giá trị của cuộc sống bằng cách đi và cảm nhận.